.

Chiêu "lách luật" của các doanh nghiệp trốn thuế

Thứ Ba, 29/03/2016, 06:25 [GMT+7]

(QBĐT) - Lợi dụng việc kinh doanh, mua bán các mặt hàng trôi nổi không có hóa đơn; giao dịch, mua bán hóa đơn khống hoặc hết thời hạn sử dụng là các hành vi để một số công ty, doanh nghiệp trốn nghĩa vụ nộp thuế. Trong những năm gần đây, bằng các "chiêu thức lách luật" này, nhiều công ty, doanh nghiệp đã trốn thuế lên đến hàng tỷ đồng.

Sử dụng hóa đơn hết thời hạn sử dụng

Năm 2015, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can Phạm Thị Hạnh, Phó Giám đốc Công ty TNHH Việt Hà có trụ sở ở xã Hải Trạch, huyện Bố Trạch về tội trốn thuế.

Qua điều tra, tính đến cuối năm 2013, công ty này còn nợ thuế hơn 709 triệu đồng. Trước đó, mặc dù Cục Thuế đã ra thông báo tiền nợ thuế và tiền nộp chậm nhưng công ty này vẫn không chấp hành. Ngày 10-4-2014, Cục Thuế ra quyết định về việc áp dụng cưỡng chế bằng biện pháp thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng. Ngày 28-1-2015, đoàn kiểm tra của Cục Thuế tiến hành lập biên bản việc thực hiện quản lý, sử dụng hóa đơn từ tháng 1-2014 đến tháng 9-2014.

Qua kết quả kiểm tra, Cục Thuế đã phát hiện Công ty TNHH Việt Hà đã có hành vi sử dụng hóa đơn bị cưỡng chế (hóa đơn bất hợp pháp) để bán hàng và không kê khai doanh thu bán hàng của các hóa đơn bất hợp pháp.

Tuy nhiên, sau đó công ty này tiếp tục sử dụng hóa đơn bất hợp pháp để xuất bán hàng cho 6 công ty khác. Tổng cộng từ ngày 29-5-2014 đến 5-9-2014, Công ty TNHH Việt Hà đã sử dụng 22 hóa đơn giá trị gia tăng (GTGT) bất hợp pháp để xuất bán đá xây dựng, với giá trị hơn 4,8 tỷ đồng, trong đó tiền bán hàng hơn 4,3 tỷ đồng. Số tiền thu được từ việc bán hàng bằng hóa đơn bất hợp pháp, Phạm Thị Hạnh sử dụng để chi trả tiền nhân công, mua vật liệu phục vụ sản xuất và chi trả nợ.

Trong số hóa đơn bất hợp pháp mà Phạm Thị Hạnh đã sử dụng để xuất bán hàng hóa, Hạnh trực tiếp viết 9 hóa đơn với trị giá thanh toán hơn 4,2 tỷ đồng, số còn lại Hạnh nhờ người khác viết. Tuy nhiên, khi nhờ viết hóa đơn, Hạnh không nói cho những người đó là hóa đơn này đã hết giá trị sử dụng, đồng thời chỉ đạo không ghi ngày, tháng, năm trên hóa đơn.

Sau khi hóa đơn viết xong, Hạnh cất giữ và khi xuất hóa đơn này, Hạnh tự ghi ngày, tháng, năm vào hóa đơn. Đến kỳ kê khai thuế, nộp thuế, Hạnh chỉ đưa cho kế toán liên của 3 tờ hóa đơn hợp pháp viết trước ngày 15-4-2014 để kế toán tập hợp kê khai thuế giá trị gia tăng (GTGT) đầu ra, thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường.

Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh tống đạt lệnh khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can và khám xét nơi ở, nơi làm việc của ông Lê Quốc Văn, Giám đốc doanh nghiệp tư nhân Hiếu Trung (phường Đồng Sơn, TP.Đồng Hới) và kế toán của doanh nghiệp này là Lê Thị Thanh Hải về tội trốn thuế.
Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh tống đạt lệnh khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can và khám xét nơi ở, nơi làm việc của ông Lê Quốc Văn, Giám đốc doanh nghiệp tư nhân Hiếu Trung (phường Đồng Sơn, TP.Đồng Hới) và kế toán của doanh nghiệp này là Lê Thị Thanh Hải về tội trốn thuế.

Còn các hóa đơn bất hợp pháp, Hạnh cất giữ, không giao cho kế toán để kê khai thuế GTGT đầu ra, thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường. Vì vậy, trong tờ khai thuế GTGT, thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường của Công ty TNHH Việt Hà không có lượng hàng hóa xuất bán trên các hóa đơn, chứng từ bất hợp pháp nói trên. 

Ngày 3-8-2015, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh ra quyết định trưng cầu Cục Thuế giám định số tiền thuế của Công ty TNHH Việt Hà, từ việc sử dụng hóa đơn bất hợp pháp để bán hàng và không thực hiện việc kê khai thuế. Theo kết quả xác định của Cục Thuế, hành vi sử dụng 22 hóa đơn bất hợp pháp để bán hàng và không kê khai thuế để trốn thuế với số tiền gần 874 triệu đồng. Điều đáng nói, hầu hết các công ty có làm ăn, giao dịch với Công ty TNHH Việt Hà đều không được biết các hóa đơn này đã hết hạn sử dụng.

Mua bán hóa đơn khống

Đầu năm 2016, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh cũng đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can Lê Quốc Văn, Giám đốc doanh nghiệp tư nhân Hiếu Trung (phường Đồng Sơn, TP.Đồng Hới) và kế toán của doanh nghiệp này là Lê Thị Thanh Hải về tội trốn thuế.

Theo đó, từ năm 2013 đến năm 2014, doanh nghiệp này đã có hành vi mua bán hóa đơn GTGT khống (hóa đơn không có hàng hóa dịch vụ kèm theo) của 6 công ty tại Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh nhằm kê khai tăng thuế GTGT đầu vào, để giảm số tiền thuế phải nộp đối với hóa đơn. Thông qua hành vi này, doanh nghiệp tư nhân Hiếu Trung đã mua 140 tờ hóa đơn GTGT khống của 6 công ty khác, với tổng giá trị thanh toán hàng hóa trên hóa đơn hơn 153 tỷ đồng.

Theo khai nhận của ông Lê Quốc Văn, do không có hóa đơn chứng minh giá trị hàng hóa đầu vào, nên ông đã chỉ đạo kế toán liên hệ mua hóa đơn GTGT khống của một số doanh nghiệp để kê khai thuế GTGT đầu vào nhằm mục đích khấu trừ thuế GTGT đầu ra đối với các hàng hóa đã xuất bán.

Ngoài ra, có một số hàng hóa khác như máy thi công công trình, xe ô tô, dầu diezen thực tế không mua bán, nhưng vẫn mua hóa đơn khống để đưa vào kê khai thuế GTGT đầu vào, nhằm khấu trừ thuế GTGT đầu ra. Khi mua hóa đơn khống của các công ty trên, doanh nghiệp này đều chuyển tiền đúng với giá trị thanh toán hàng hóa ghi trên hóa đơn vào tài khoản của bên bán hóa đơn, đồng thời chi trả tiền mua hóa đơn là 7% doanh thu bán hàng trước thuế cho bên bán.

Sau khi nhận được tiền, phía công ty bán hóa đơn ký khống giấy rút tiền mặt tại ngân hàng, rồi chuyển tiền ngược trở lại vào tài khoản của doanh nghiệp tư nhân Hiếu Trung và trả tiền mua hóa đơn là 8% doanh thu bán hàng trước thuế cho doanh nghiệp tư nhân Hiếu Trung. Tiếp đó, doanh nghiệp tư nhân Hiếu Trung lập giấy rút tiền mặt và tiếp tục trả lại số tiền đối với lượng hàng hóa lập khống. Qua hình thức mua bán hóa đơn khống này, doanh nghiệp tư nhân Hiếu Trung đã trốn thuế hơn 13 tỷ đồng.

Theo thống kê, năm 2015, Công an tỉnh đã khởi tố 3 doanh nghiệp trốn thuế với số tiền gần 7 tỷ đồng, tăng 2 vụ so với năm 2014. Đầu năm 2016, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh tiếp tục khởi tố 1 vụ, với số tiền trốn thuế lên đến hơn 13 tỷ đồng. Điều đáng nói, các chiêu thức trốn thuế của các doanh nghiệp này ngày càng tinh vi hơn.

Ông Trần Minh Viễn, Phó phòng Thanh tra (Cục Thuế) cho biết, nhằm lách luật và trốn nghĩa vụ đóng thuế, hiện nay có một số công ty, doanh nghiệp sử dụng nhiều chiêu thức khác nhau như: sử dụng hóa đơn chưa phát hành, hóa đơn hết thời hạn sử dụng, hóa đơn không đăng ký kinh doanh với cơ quan thuế, hoặc hóa đơn đã được phát hành nhưng sử dụng không đúng mục đích, sử dụng hóa đơn không có hàng hóa hoặc mua hàng hóa trôi nổi không có hóa đơn... nhằm mục đích tăng giá trị đầu vào, để giảm số tiền thuế phải nộp.

Tinh vi hơn, lợi dụng vào chính sách tự kê khai nộp thuế, các doanh nghiệp này còn liên kết với các công ty, doanh nghiệp ngoài tỉnh để mua bán hóa đơn khống. Điều này gây không ít khó khăn trong hoạt động kiểm soát việc nộp thuế của ngành Thuế sở tại.

Cũng theo ông Viễn việc sử dụng hóa đơn bất hợp pháp thì dễ phát hiện, còn hành vi sử dụng bất hợp pháp hóa đơn thì khó mà phát hiện và kiểm soát. Bởi, để tránh sự phát hiện của cơ quan Thuế, các đơn vị, doanh nghiệp thường mua bán các hóa đơn hợp pháp lòng vòng qua rất nhiều trung gian khác nhau.

Rõ ràng, với hành vi "bắt tay" nhau để trốn thuế của Nhà nước nói trên, các công ty này đều được hưởng lợi, song Nhà nước lại thất thoát một nguồn tiền thuế không hề nhỏ. Do đó, bên cạnh việc tích cực tuyên truyền về chính sách thuế, ngành Thuế cần tăng cường thanh tra, kiểm tra thường xuyên đối với các công ty, doanh nghiệp nhằm chống thất thu, chống gian lận, trốn thuế.

Đặc biệt là các doanh nghiệp có mức độ rủi ro cao về thuế, doanh nghiệp kinh doanh thương mại có hoàn thuế nhưng nộp thuế thấp hoặc không nộp thuế; các doanh nghiệp kê khai lỗ liên tục nhiều năm nhưng vẫn hoạt động và mở rộng sản xuất, kinh doanh; các doanh nghiệp có quy mô lớn, đa ngành nghề, đa lĩnh vực; doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khai thác tài nguyên, dịch vụ.

Dương Công Hợp