.

Lệ Thủy: Công tác quản lý bảo vệ rừng chuyển biến tích cực

Thứ Ba, 02/02/2016, 13:16 [GMT+7]

(QBĐT) - Năm 2015 công tác quản lý, bảo vệ rừng ở địa bàn huyện Lệ Thủy có sự chuyển biến tích cực. Nổi bật là số vụ vi phạm đến tài nguyên rừng bị phát hiện xử lý đã giảm mạnh so với các năm trước và nhất là ý thức bảo vệ rừng của người dân được nâng cao.

Huyện Lệ Thủy có gần 108.000 ha diện tích rừng và đất lâm nghiệp, trong đó rừng tự nhiên là 68.200 ha, nằm dọc theo các tuyến đường Hồ Chí Minh, đường 16, đường 10...địa hình phức tạp rất khó quản lý, bảo vệ.

Rút kinh nghiệm từ các năm trước, lâm tặc thường lợi dụng các tuyến đường giao thông đường bộ, đường thủy để vận chuyển gỗ trái phép, Hạt Kiểm lâm huyện đã chủ động phối hợp với chính quyền các xã có rừng và lực lượng Quân sự, Bộ đội Biên phòng đóng trên địa bàn để thực hiện biện pháp chốt chặn. Đặc biệt, Đội kiểm tra liên ngành của huyện đã phát huy tốt hiệu quả trong việc kiểm tra, xử lý các điểm nóng, phức tạp, truy quét các tụ điểm khai thác rừng, mua bán, vận chuyển trái phép lâm sản...

Qua báo cáo tình hình quản lý, bảo vệ rừng của Hạt Kiểm lâm huyện cũng như tận mắt nhìn thấy thực trạng rừng ở trên địa bàn Lệ Thủy, chúng tôi nhận thấy công tác quản lý, bảo vệ rừng được thực hiện khá tốt. Dọc tuyến đường 10 từ ngã ba xã Vạn Ninh vào giáp nhánh tây đường Hồ Chí Minh, chúng tôi bắt gặp 3 trạm bảo vệ rừng được canh gác nghiêm ngặt.

Ông Lê Văn Xuân, Trạm bảo vệ rừng KM16 cho biết, cán bộ nhân viên của trạm có 5 người, phân công nhau trực 24/24h, tất cả xe ô tô, xe máy qua trạm đều được kiểm tra. Trong năm 2015, qua kiểm tra đã phát hiện 2 trường hợp xe ô tô và 3 xe máy vận chuyển gỗ lậu, số lượng chưa đến 1m3. So với các năm trước năm nay số gỗ lậu đi qua tuyến đường này đã giảm đi rất nhiều.

Ảnh 13 : Gỗ lậu và phương tiện bị tịch thu trên địa bàn.
Gỗ lậu và phương tiện bị tịch thu trên địa bàn.

Khu vực rừng giáp ranh với huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị các năm trước luôn là “điểm nóng” về phá rừng, khai thác gỗ trái phép. Nhưng trong hai năm nay tình hình vi phạm lâm luật ở đây giảm hẳn. Cụ thể, hai năm qua Hạt Kiểm lâm Lệ Thủy và các cơ quan chức năng trên địa bàn huyện đã phối hợp với Hạt kiểm lâm Vĩnh Linh, Quảng Trị tăng cường kiểm tra khu vực rừng giáp ranh. Qua kiểm tra, lực lượng Kiểm lâm huyện đã bắt giữ và xử lý 12 vụ vi phạm lâm luật, giảm gần 50% so với các năm trước và hầu hết các vụ vi phạm đều có tính chất nhỏ lẻ.

Qua trao đổi với ông Trần Thanh Dương, Giám đốc Chi nhánh lâm trường Khe Giữa, Công ty TNHH MTV LCN Long Đại, được biết, thời gian qua đơn vị đã tập trung chỉ đạo củng cố lại các trạm bảo vệ rừng, nhất là các trạm xung yếu nên tình trạng người dân và trâu kéo gỗ vào rừng giảm đáng kể so với trước đây.

Tuy nhiên, việc phá rừng trong thời gian gần đây ngày một tinh vi hơn, nếu như thời gian trước lâm tặc thường sử dụng xe trâu và trâu kéo lĩa để vận chuyển gỗ thì nay chuyển sang xe máy hoặc cõng gùi gỗ lậu. Để khắc phục tình trạng đó, đơn vị đã tăng cường chốt chặn tại các ngã đường vào rừng, kiện toàn sắp xếp lại đội ngũ cán bộ, nhân viên các trạm bảo vệ rừng ở các khu vực xung yếu. Đồng thời chủ động phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương và các cơ quan bảo vệ pháp luật trên địa bàn để vận động các đối tượng không vào rừng khai thác gỗ lậu.

Điển hình có xã Phú Thủy, là xã có số lượng trâu kéo và người làm nghề khai thác gỗ lậu lớn nhất huyện, có thời điểm số lượng trâu kéo gỗ lậu ở xã này lên đến 118 con. Thông qua vận động và nhất là qua sự kiểm tra thường xuyên của đội liên ngành làm cho số lượng người khai thác gỗ lậu và trâu kéo gỗ giảm đi rất nhiều, hiện còn khoảng 30 con trâu, chủ yếu sử dụng vận chuyển gỗ rừng trồng. Hoặc như xã Thái Thủy, trước đây có 2 thôn người dân chủ yếu sống dựa vào khai thác, mua bán, vận chuyển gỗ lậu, đến nay số người đeo bám nghề khai thác gỗ lậu hầu như không còn nữa, chuyển sang trồng rừng và chăn nuôi trâu bò...

Công tác tuyên truyền, vận động quần chúng thực hiện nghiêm Luật Bảo vệ và phát triển rừng đã được chính quyền và các ngành chức năng chú trọng. Các trạm, tổ và cán bộ kiểm lâm địa bàn bám sát địa bàn hoạt động, nắm bắt, xử lý thông tin, phối hợp với Đội kiểm tra liên ngành, các chủ rừng khi cần thiết. Thời gian qua, chính quyền các xã vùng giáp ranh trên địa bàn Lệ Thủy đã ra chỉ thị nghiêm cấm các hộ gia đình, cá nhân vào rừng khai thác gỗ, củi, than, đào gốc cây cảnh, phát đốt rừng trồng cây trái phép. Các trường hợp vi phạm lâm luật được phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời, nghiêm minh theo quy định của pháp luật.

Vì vậy, trong thời gian qua trên địa bàn các xã Phú Thủy, Trường Thủy, Văn Thủy, Hoa Thủy...hầu như không xảy ra tình trạng cháy rừng, khai thác gỗ trái phép giảm mạnh. Nổi bật có xã Kim Thủy đã tập trung chỉ đạo xây dựng quy ước bảo vệ và phát triển rừng trong cộng đồng dân cư, các thôn bản, xem đây là biện pháp cấp thiết trong xã hội hóa nghề rừng và sự nghiệp bảo vệ tài nguyên rừng. Việc làm này đã phát huy được vai trò của mỗi cá nhân, tổ chức trong cộng đồng tham gia tích cực vào công tác quản lý, bảo vệ rừng, bảo đảm quyền lợi trước mắt và lâu dài giữa Nhà nước cũng như cá nhân, giữa phát triển kinh tế cũng như bảo vệ môi trường.

Đến nay, tất cả 12 bản trên địa bàn xã đều đã xây dựng, bổ sung hoàn thiện quy ước bảo vệ rừng. UBND xã phối hợp với Hạt Kiểm lâm và Phòng Dân tộc tổ chức giao đất giao rừng tự nhiên cho người dân quản lý bảo vệ, khoanh nuôi.

Ông Nguyễn Xuân Quế, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Lệ Thủy cho biết, trong năm 2015, lực lượng Kiểm lâm đã phối hợp với lực lượng Công an, Bộ đội Biên phòng và chính quyền địa phương trên địa bàn tiến hành kiểm tra, xử lý 202 vụ vi phạm lâm luật (giảm 24 vụ so với cùng kỳ), tịch thu 166m3 gỗ các loại (giảm 55m3).

Trong đó, xử lý 58 vụ mua bán vận chuyển, cất giữ, chế biến, kinh doanh lâm sản trái pháp luật; khai thác gỗ trái phép 3 vụ, chuyển cơ quan pháp luật khởi tố 1 vụ. Đặc biệt lực lượng Kiểm lâm đã tịch thu 16 xe quẹt kéo gỗ, 8 xe công nông, 4 thuyền máy và 1 máy nổ. Số tiền phạt vi phạm hành chính 298 triệu đồng, bán lâm sản và phương tiện tịch thu hơn 2 tỷ đồng.

Mặc dù có sự chuyển biến tích cực, nhưng công tác bảo vệ rừng ở Lệ Thủy vẫn đang gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân chính là còn có một bộ phận người dân các xã miền núi, trung du đang sống dựa vào khai thác lâm sản trái phép. Việc tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức về bảo vệ rừng cho người dân ở một số địa phương còn yếu. Đặc biệt, có một số cán thôn bản thiếu gương mẫu, có biểu hiện bao che cho các hành vi xâm hại tài nguyên rừng nên càng làm cho công tác bảo vệ rừng khó khăn thêm.

Trọng Thái