.
Ký sự pháp đình:

Những đứa trẻ trong phiên tòa ly hôn

Thứ Sáu, 19/02/2016, 10:17 [GMT+7]

(QBĐT) - Sống cùng với bố hoặc với mẹ sau khi ly hôn là một sự lựa chọn không phải dễ dàng của nhiều đứa trẻ sớm phải chịu cảnh gia đình không còn vẹn nguyên. Tôi đã bị ám ảnh bởi những ánh mắt thơ dại, vừa phân vân ngập ngừng, vừa sợ hãi khi trả lời câu hỏi ấy.

 

1. Mới 9 tuổi, chắc chắn cậu bé Hùng không thể hiểu được chuyện gì đang xảy ra giữa bố và mẹ mình. Và cậu cũng không thể hiểu được sau phiên tòa này, cậu sẽ không còn được sống chung với cả bố và mẹ mình nữa.

Vì vậy, khi vị chủ tọa hỏi: "Con muốn sống với bố hay với mẹ?", cậu bé chỉ biết im lặng, hai bàn tay cứ cố bám thật chặt tay bố mẹ mình. Một lần nữa, vị chủ tọa lặp lại câu hỏi với giọng nhẹ nhàng hơn. Thế nhưng, cậu cũng không thể có sự lựa chọn cho mình.

Kết hôn gần 20 năm anh Hiển và chị Lan có với nhau 2 mặt con, đứa lớn 18 tuổi, đứa nhỏ 9 tuổi. Mấy chục năm chung sống, họ đã cùng nhau chia ngọt, sẻ bùi, trải qua biết bao thăng trầm, khó khăn.

Thế nhưng, do bất đồng quan điểm sống, thiếu tôn trọng và tin tưởng nhau, cuộc sống gia đình xảy ra nhiều xung đột. Tình nghĩa vợ chồng bao năm gây dựng giờ đây bị rạn nứt không thể cứu vãn. Chị Lan viết đơn ly hôn gửi tòa án. 

Chị Lan có nguyện vọng muốn nuôi 2 con, mà không cần anh Hiển đóng góp tiền nuôi dưỡng. Còn anh Hiển thì chỉ muốn được nuôi cậu con trai út. Tuy vậy, hai người con đều có đơn xin được ở với bố. Trước đó, tòa án cấp sơ thẩm tuyên giao cậu con trai út cho chị Lan, còn anh Hiển phải nuôi dưỡng cô con gái. Tại phiên tòa phúc thẩm tranh chấp quyền nuôi con, anh Hiển cho rằng, con trai út của anh đã có đơn xin được sống với bố nhưng tòa án giao cho mẹ nuôi là không đúng.

Tuy nhiên, tòa xét thấy giao cháu Hùng cho ai trực tiếp nuôi dưỡng cũng cần phải xem xét đến điều kiện hoàn cảnh người đó. Cháu Hùng còn nhỏ nên cần bàn tay của người mẹ để chăm sóc và nuôi dưỡng. Trước đó, cháu Hoài, chị gái Hùng cũng có đơn đề nghị tòa giao em cho mẹ nuôi vì mẹ có điều kiện chăm sóc em hơn bố.

Kết thúc phiên tòa, khi nghe Hội đồng xét xử quyết định Hùng được giao cho chị Lan nuôi dưỡng, cậu bé bỗng nhiên buông khỏi bàn tay của bố mẹ, chạy ra khỏi hội trường xét xử vừa khóc, vừa hét lên: “Con muốn ở với bố cơ”. Còn chị Lan cũng bật khóc chạy theo con...

2. Đây là lần thứ 2 anh Chính và chị Toản ra tòa. Bởi, anh không chấp nhận quyết định của tòa phúc thẩm giao bé Nhung cho chị Toản nuôi dưỡng. Anh Chính viết đơn kháng cáo lên tòa án phúc thẩm để giành lại quyền nuôi con. 

Đứng trước tòa, bé Nhung mới 9 tuổi, liên tục khẳng định: "Con muốn sống chung với ba mẹ". Khi nghe Hội đồng xét xử giải thích, vì ba mẹ cháu không thể sống chung với nhau, nên cháu chỉ được lựa chọn sống với một trong 2 người, hoặc ba hoặc mẹ mà thôi. Đến đây, cô bé bỗng nhiên ngập ngừng, ngoảnh mặt sang nhìn bố và nói rằng: "Cháu muốn sống với ba". Vị chủ tọa hỏi thêm lần nữa, lần này cô bé khóc lớn hơn và nói rằng: "Con muốn ở với mẹ. - Thế sao trong đơn con viết muốn về sống với ba?. Vị chủ tọa hỏi tiếp. Bé Nhung mếu máo "Dạ, vì ba nạt".

Vị chủ tọa phiên tòa quay mặt sang phía anh Chính bảo: "Dù cháu có sống với ai đi nữa, nó cũng là con của anh chị. Vợ anh nuôi dưỡng, cháu cũng là con của anh. Sau khi ly hôn, anh có quyền qua lại chăm sóc, dạy dỗ con gái mình. Con anh còn nhỏ, nên cần bàn tay chăm sóc của người mẹ hơn. Với lý do này, Hội đồng xét xử quyết định giao bé Nhung cho chị Toản chăm sóc và nuôi dưỡng.

Chị thư ký tòa dân sự, Tòa án nhân dân tỉnh tâm sự với tôi rằng, dù đã làm thư ký nhiều phiên tòa ly hôn, nhưng mỗi lúc thấy sự phân vân và sợ hãi của các cháu nhỏ khi nói lên sự lựa chọn  của mình, chị không thể cầm được nước mắt. Vì chúng còn quá nhỏ làm sao để hiểu hết những chuyện gì đang xảy ra.

Có thể, với người lớn, sau những phiên tòa này, mọi chuyện coi như đã kết thúc, nhưng với chúng lại khác. Chúng cần một mái ấm gia đình, cần sự chăm sóc, nuôi dưỡng, hơi ấm, tình cảm của cả người bố và người mẹ. Liệu những bậc sinh thành có thấu hiểu được nỗi lòng này của những đứa trẻ thơ vô tội?

Dương Công Hợp

--------------------------------------------

(*) Tên nhân vật đã được thay đổi.