.

Nâng cao hiệu quả công tác kiểm sát xử lý tin báo, tố giác tội phạm tham nhũng

Thứ Ba, 19/01/2016, 13:38 [GMT+7]

(QBĐT) - Trong cơ chế thị trường, mở của hội nhập, bên cạnh những mặt tích cực, năng động trong phát triển kinh tế-xã hội, tình hình vi phạm pháp luật cũng trở nên đa dạng và phức tạp hơn, đặc biệt là tội phạm tham nhũng.

Theo thống kê của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, mặc dù chỉ chiếm tỷ lệ rất ít trong tổng số tội phạm xẩy ra trên địa bàn (năm 2015 tỉnh ta có 8/618 vụ, chiếm 1,2%) nhưng đã gây hậu quả rất lớn, không chỉ ảnh hưởng đến việc thực hiện các chủ trương, chính sách trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, mà còn gây thiệt hại không nhỏ đến tài sản của Nhà nước, đặc biệt là làm giảm sút, xói mòn lòng tin của nhân dân vào đội ngũ cán bộ, đảng viên, gây bức xúc, bất bình trong nhân dân, tạo ra những dư luận xấu trong xã hội.

Tội phạm tham nhũng thường rất tinh vi, vì thế tính chất phức tạp trong cuộc chiến chống tham nhũng luôn luôn được đặt ra. Thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm tham nhũng trong những năm qua cho thấy bên cạnh việc triển khai đồng bộ các biện pháp khác, việc nâng cao hiệu quả công tác kiểm sát phát hiện, xử lý tin báo, tố giác tội phạm về tham nhũng là vấn đề có ý nghĩa quan trọng.

Thời gian qua, công tác giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, công tác khởi tố, điều tra, truy tố và xét xử các vụ án tham nhũng của ngành Kiểm sát tỉnh ta đã có sự chuyển biến khá; số vụ án được phát hiện khởi tố ngày càng tăng; chất lượng điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng nhìn chung được nâng lên; tiến độ giải quyết án tham nhũng được bảo đảm; trách nhiệm công tố được thể hiện rõ hơn.

Viện Kiểm sát thường xuyên củng cố mối quan hệ phối hợp với Cơ quan điều tra, Thanh tra và các cơ quan chức năng khác trong công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm tham nhũng và giải quyết án tham nhũng, đặc biệt là trong giải quyết những vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, được dư luận quan tâm.

Điển hình như vụ Võ Hồng Thái - Chủ tịch UBND xã Nhân Trạch, huyện Bố Trạch cùng đồng bọn chiếm đoạt tiền thuộc chương trình hỗ trợ các hộ nghèo làm nhà trên địa bàn xã; vụ “Tham ô tài sản” xẩy ra tại Trường Mầm non xã Ngân Thủy, huyện Lệ Thủy; vụ Thủ kho, thủ quỹ hợp tác xã Phú Hòa, xã Phú Thủy, huyện Lệ Thủy “Tham ô tài sản” số tiền 148.000.000 đồng; vụ nhân viên Bưu điện huyện Bố Trạch “Tham ô tài sản” số tiền 175.000.000 đồng; vụ cán bộ chính sách một số xã ở huyện Minh Hóa, Quảng Trạch tham ô tài sản...

Nhờ làm tốt công tác kiểm sát giải quyết các vụ án tham nhũng, Viện Kiểm sát hai cấp không để xẩy ra trường hợp oan sai, đình chỉ điều tra do bị can không phạm tội; không để xẩy ra án trả hồ sơ điều tra bổ sung giữa các cơ quan tiến hành tố tụng; không có trường hợp nào Viện Kiểm sát truy tố Tòa tuyên bị cáo không phạm tội. Đường lối xét xử đối với các vụ án về tội phạm tham nhũng bảo tính nghiêm minh, không có vướng mắc giữa các cơ quan tố tụng về quan điểm xử lý các vụ án tham nhũng. Các vụ án đã khởi tố điều tra, xử lý về tội tham nhũng không có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm.

Tuy nhiên, do tính chất khó khăn, phức tạp, tinh vi của tội phạm tham nhũng nên mặc dù đã có nhiều cố gắng nhưng đến nay, công tác phát hiện, đấu tranh, xử lý tham nhũng chưa đáp ứng yêu cầu, số vụ việc, vụ án tham nhũng được phát hiện còn ít.

Nhằm góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm tham nhũng; quán triệt thực hiện Chỉ thị số 50-CT/TW, ngày 7-12-2015 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng, việc tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác kiểm sát phát hiện, xử lý tham nhũng thông qua công giải quyết tố cáo, xử lý tin báo, tố giác tội phạm, đối với những vụ việc, vụ án tham nhũng là một trong những nhiệm vụ cần được đặc biệt quan tâm.

Để làm được điều này, theo đồng chí Nguyễn Xuân Sanh, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, cần phải thực hiện tốt một số giải pháp, đó là: Tổ chức quán triệt và triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Nhà nước, các nghị quyết, chương trình hành động của Tỉnh uỷ về đấu tranh phòng; chống tham nhũng; tập trung đẩy nhanh tiến độ giải quyết các tin báo, tố giác tội phạm về tham nhũng đặc biệt là các vụ án tham nhũng nghiêm trọng được dư luận xã hội quan tâm.

Quán triệt, thực hiện tốt Điều 12, Điều 13 Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân năm 2014 và tiếp tục phối hợp với liên ngành tổ chức triển khai thực hiện Thông tư liên tịch số 06/2013/TTLT về giải quyết tin báo, tố giác tội phạm và kiến nghị khởi tố. Bên cạnh đó, Viện kiểm sát hai cấp cần nâng cao trách nhiệm trong việc hướng dẫn, kiểm tra cán bộ, Kiểm sát viên quản lý, theo dõi chặt chẽ nguồn tố giác, tin báo về tội phạm.

Hàng tháng, chủ động phối hợp với lãnh đạo Cơ quan điều tra nắm chắc số lượng, kết quả giải quyết các tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố về tham nhũng để chỉ đạo kịp thời nhằm đảm bảo việc thụ lý, giải quyết đúng quy định của pháp luật. Phân công Kiểm sát viên có trình độ nghiệp vụ, kinh nghiệm nghiên cứu, phân tích và đề xuất giải quyết tin báo, tố giác tội phạm về tham nhũng.

Tăng cường sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan hữu quan trong việc tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố. Từ đó, tăng cường phối hợp để phát hiện, xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng. Thực hiện đánh giá một cách khách quan, toàn diện và chính xác các tin báo, tố giác tội phạm nhằm hướng đến một kết quả duy nhất là kịp thời xử lý đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không bỏ lọt tội phạm cũng như không làm oan người vô tội.

Cán bộ, Kiểm sát viên phải quản lý chặt chẽ thông tin về tội phạm từ các nguồn khác nhau. Hàng ngày, Kiểm sát viên được phân công phải chủ động nắm chắc việc tiếp nhận tin báo, tố giác tội phạm, phối hợp với điều tra viên làm tốt công tác phân loại xử lý; tổ chức đối chiếu, báo cáo kết quả giải quyết và đề ra phương hướng giải quyết trong tuần tiếp theo.

Hàng tháng, tổ chức nắm tin báo tại các cơ quan, đơn vị được phân công, có biện pháp nắm thông tin qua nhiều nguồn, xem xét hồ sơ, sổ sách, bảo đảm không bỏ lọt thông tin có dấu hiệu tội phạm tham nhũng; thống nhất cùng điều tra viên xây dựng kế hoạch điều tra, xác minh, đề ra yêu cầu điều tra.

Đối với các vụ phức tạp thì tiến hành tổ chức họp giữa hai cơ quan hoặc mời cả lãnh đạo Tòa án nhân dân cùng tham gia bàn bạc, đánh giá chứng cứ, giải quyết tin báo, tố giác một cách thận trọng, khách quan, toàn diện trước khi khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can. Trong trường hợp cần thiết, Viện Kiểm sát có thể tiến hành một số hoạt động kiểm tra, xác minh tin báo tố giác tội phạm về tham nhũng. Khi xác định có dấu hiệu tội phạm thì chuyển đến Cơ quan điều tra có thẩm quyền để thụ lý giải quyết.

Hàng năm, Viện Kiểm sát hai cấp tổ chức kiểm sát trực tiếp việc tiếp nhận, giải quyết tin báo tố giác tội phạm và kiến nghị khởi tố đối với Cơ quan điều tra, ban hành kiến nghị yêu cầu Cơ quan điều tra khắc phục vi phạm trong tiếp nhận và giải quyết tin báo; kiến nghị các cơ quan quản lý Nhà nước cấp tỉnh và cấp huyện phòng ngừa vi phạm trên các lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng.

P.V