.

Nâng cao chất lượng công tác trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng

Thứ Tư, 13/01/2016, 10:37 [GMT+7]
(QBĐT) - Thời gian qua, công tác trợ giúp pháp lý (TGPL) trong hoạt động tố tụng trên địa bàn tỉnh ta đã có nhiều chuyển biến tích cực. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tuyên truyền, phổ biến và giáo dục pháp luật nói chung và TGPL nói riêng, góp phần nâng cao ý thức pháp luật cho người dân trong hoạt động tố tụng...
 
Nhận thức được tầm quan trọng của công tác tuyên truyền pháp luật về TGPL trong hoạt động tố tụng là một việc làm quan trọng, thời gian qua, các cơ quan tiến hành tố tụng trên địa bàn tỉnh ta đã tích cực tổ chức, triển khai tuyên truyền, phổ biến về TGPL với nhiều hình thức như: thông qua hoạt động TGPL lưu động, các buổi sinh hoạt CLB TGPL và các tài liệu tuyên truyền pháp luật...
 
Việc xác lập cơ chế phối hợp thông tin giữa Trung tâm TGPL nhà nước với các cơ quan tiến hành tố tụng từ cấp tỉnh đến cấp huyện, trại tạm giam, nhà tạm giữ và Văn phòng cơ quan Cảnh sát điều tra (Công an tỉnh) trong việc giới thiệu hoặc đề nghị cử người tham gia để đại diện, bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người được TGPL luôn được triển khai một cách kịp thời, bảo đảm 100% đối tượng thuộc diện được TGPL khi có yêu cầu.
 Đa số đối tượng TGPL do cơ quan tiến hành tố tụng giới thiệu đến Trung tâm TGPL nhà nước là các đối tượng trong các vụ án hình sự.
Đa số đối tượng TGPL do cơ quan tiến hành tố tụng giới thiệu đến Trung tâm TGPL nhà nước là các đối tượng trong các vụ án hình sự.
Bên cạnh đó, các cơ quan tiến hành tố tụng đã phối hợp thực hiện niêm yết công khai bảng thông tin về TGPL, đặt hộp tin TGPL; cung cấp thông tin, giải thích, hướng dẫn người được TGPL và thân nhân của họ về quyền được TGPL; hướng dẫn các thủ tục để được TGPL... 
 
Mặt khác, các cơ quan tiến hành tố tụng cũng đã bảo đảm cho trợ giúp viên pháp lý, luật sư là cộng tác viên khi tham gia tố tụng thực hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi của đương sự trong các vụ án hình sự, dân sự, hành chính tiếp xúc với người bị tạm giữ, tạm giam theo quy định của pháp luật.
 
Nhờ thực hiện tốt một số giải pháp nêu trên, nên chất lượng các vụ việc TGPL trong hoạt động tố tụng ngày càng được nâng lên. Năm 2015, Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh đã thực hiện TGPL 124 vụ việc cho 124 đối tượng. Trong đó, trợ giúp viên pháp lý thực hiện 79 vụ việc (chiếm tỷ lệ 63,7%); luật sư là cộng tác viên thực hiện 45 vụ việc (36,3,%); tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực như: Tố tụng hình sự (111 vụ việc, chiếm 89,5%); tố tụng dân sự  (12 vụ việc, chiếm 9,6%); tố tụng hành chính (1 vụ việc, chiếm 0,8%)...
 
Hầu hết, các vụ việc được thực hiện chủ yếu với các đối tượng thuộc diện phải có người bào chữa theo quy định tại điểm b, khoản 2, điều 57, Bộ luật Tố tụng hình sự như: người chưa thành niên (73 đối tượng); người nghèo (21 đối tượng); người dân tộc thiểu số (15 đối tượng); người có công với cách mạng (13 đối tượng); người khuyết tật (2 đối tượng)...
 
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác TGPL trong hoạt động tố tụng ở tỉnh ta vẫn còn bộc lộ không ít những hạn chế như: Một số người thực hiện TGPL chưa thật sự tích cực, chưa phát huy hết trách nhiệm và chưa có sự phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng trong quá trình tham gia tố tụng; trong một số trường hợp, người tiến hành tố tụng chưa giải thích hoặc giải thích chưa đầy đủ về quyền được TGPL và các thông tin về TGPL cho đối tượng được TGPL...
 
Theo bà Nguyễn Thị Lài, Giám đốc Sở Tư pháp, Chủ tịch Hội đồng phối hợp liên ngành về TGPL trong hoạt động tố tụng, để tiếp tục thực hiện có hiệu quả và nâng cao chất lượng TGPL trong hoạt động tố tụng, thời gian tới, các cơ quan tố tụng trên địa bàn tỉnh ta cần phải chú trọng thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm như: tăng cường vai trò của các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng trong việc thông tin, giải thích quyền được TGPL cho các đương sự trong các vụ án; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt cho toàn thể nhân dân  được biết các quy định của pháp luật về TGPL; phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước và cơ quan thực hiện TGPL trong việc đánh giá về chất lượng tham gia tố tụng của trợ giúp viên pháp lý, luật sư là cộng tác viên; thường xuyên chỉ đạo, hướng dẫn người tiến hành tố tụng chú trọng phát hiện và giới thiệu đối tượng được TGPL đến Trung tâm TGPL nhà nước, Chi nhánh TGPL nhà nước bảo đảm 100% đối tượng thuộc diện được TGPL có trợ giúp viên pháp lý, luật sư cộng tác viên tham gia tố tụng khi có yêu cầu; thiết lập đường dây nóng về TGPL, cơ chế phản hồi thông tin đa chiều, tăng tính chịu trách nhiệm của từng ngành, từng khâu trong việc bảo đảm thực hiện các nội dung phối hợp cho từng cơ quan, tổ chức...
 
P.V