.
Ký sự pháp đình:

Hết tình nghĩa láng giềng...

Thứ Sáu, 08/01/2016, 10:59 [GMT+7]
(QBĐT) - Ông bà xưa có câu "bán anh em xa, mua láng giềng gần", vậy nhưng hai gia đình hàng xóm từng thân thiết như anh em này lại trở mặt "đối đầu" nhau trước tòa chỉ vì một vài cm đất.
 
 

Không phải đến khi xảy ra sự việc này, ông Lam và ông Hiến mới phát hiện ra đất của nhà mình bị thiếu. Thế nhưng, từ khi ông Hiến mua đất và chuyển đến đây sinh sống, hai gia đình luôn luôn sống hòa thuận, vui vẻ với nhau, ông bà xưa từng dạy rằng "bán anh em xa, mua láng giềng gần" mà.

Hơn nữa, 2 nhà chỉ cách nhau bức tường, nên dường như mối quan hệ của họ càng trở nên bền chặt và thắm thiết hơn. Thân thiết đến mức, cây kim sợi chỉ trong nhà họ cũng san sẻ cho nhau.

Trước đó, năm 2010 để tránh tình trạng tranh chấp nảy sinh làm mất tình đoàn kết, 2 gia đình đã viết cam kết thỏa thuận sẽ bảo đảm sử dụng đất như hiện trạng. Đồng thời, ông Hiến phải bảo đảm an toàn phần móng nhà cho ông Lam khi xây dựng nhà. Cam kết này có xác nhận của chính quyền địa phương.

Mọi chuyện cứ thế trôi qua cho đến năm 2014, khi ông Hiến xây dựng nhà mới. Từ đây tình nghĩa làng xóm bấy lâu giữa hai nhà, bỗng chốc không còn như trước. Họ đâm đơn kiện nhau ra tòa, hòng tìm cách buộc nhà kia phải tháo dỡ nhà trả lại đất cho mình.

Theo đơn khởi kiện, ông Lam trình bày, nhà của ông được xây dựng từ năm 1994, trước lúc ông Hiến chuyển về đây sinh sống. Thời điểm ông xây dựng nhà trên diện tích đất được giao, có đổ 2 ô-văng cửa sổ ở phía Tây, liền kề với lô đất của gia đình ông Hiến sau này. Năm 2014, ông Hiến làm nhà, xây tường đè lên 2 ô-văng cửa sổ nhà ông.

Khi phát hiện ra sự việc ông Hiến xây dựng tường lấn sang đất của nhà mình, ông đã báo bằng miệng lên chính quyền địa phương, nhưng không được giải quyết. Sau khi kiểm tra lại phần đất của nhà mình, ông phát hiện ra cạnh phía Bắc (giáp với nhà ông Hiến) còn thiếu 24cm. Do vậy, ông khởi kiện ra tòa, yêu cầu ông Hiến trả lại diện tích đất còn thiếu cho mình. 

Phía bị đơn là ông Hiến lại cho rằng, khi nhận chuyển nhượng lại diện tích đất này, thì đã có căn nhà kiên cố của ông Lam ở phía Đông. Tuy nhiên, do đất của ông còn thiếu so với giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) được cấp, nên khi tiến hành xây nhà (năm 2014), gia đình ông đã xây sát vào tường nhà ông Lam. Do vậy, ông không đồng ý với yêu cầu khởi kiện của ông Lam. 
 
Bởi theo GCNQSDĐ mà gia đình ông được cấp thì ở phía tiếp giáp nhà ông Lam còn thiếu 12cm. Ông yêu cầu ông Lam phải cắt bỏ phần ô-văng tiếp giáp với bức tường nhà ông. Quá trình hòa giải ở cơ sở hai bên không thống nhất được cách giải quyết. Sau khi tiến hành kiểm tra và thẩm định thực địa, Tòa án cấp sơ thẩm đã chấp nhận đơn yêu cầu của ông Lam và buộc ông Hiến phải trả hơn 16 triệu đồng là giá trị quyền sử dụng đất có chiều rộng 24cm (với diện tích 4,64m²) cho ông Lam.
 
Tưởng chừng như mọi việc đã ngã ngũ, tuy vậy hai ông vẫn tiếp tục kháng cáo lên tòa phúc thẩm. Ông Lam cho rằng, ông không nhận tiền bồi thường theo giá trị diện tích đất mà ông Hiến đã lấn chiếm như cấp sơ thẩm tuyên, mà đề nghị cấp phúc thẩm buộc ông Hiến tháo dỡ bức tường đã xây dựng trái phép đè lên móng và ô-văng của nhà ông đang ở. Ngoài ra, ông còn yêu cầu tòa án hủy nội dung bản cam kết thỏa thuận đã được lập trước đó giữa 2 gia đình.
 
Phía gia đình ông Hiến lại kháng cáo với nội dung, diện tích đất gia đình ông còn thiếu so với trích lục bản đồ địa chính nên không thể có chuyện lấn chiếm đất của ông Lam. Tại tòa, ông Hiến yêu cầu ông Lam phải cắt bỏ hai ô-văng, vì ông Lam đã xây dựng lấn sang không gian thuộc quyền sử dụng đất của gia đình ông.
 
Theo kết quả xác minh của Hội đồng thẩm định cấp phúc thẩm, diện tích tranh chấp là ranh giới giữa nhà ông Lam và ông Hiến có chiều rộng 7,6cm, chiều dài 19,13m. Tại phiên tòa, ông Hiến thừa nhận, lúc nhận chuyển nhượng thửa đất nói trên không đủ diện tích mặt tiền theo như GCNQSDĐ, nhưng gia đình ông vẫn đồng ý mua và không có khiếu kiện gì. Do đó, khi tiến hành xây dựng nhà, ông đã xây đè lên ô-văng vì cho đó là phần đất của gia đình mình.
 
Qua xem xét hồ sơ và lời khai của các bên tại phiên tòa, Hội đồng xét xử đã không chấp nhận toàn bộ nội dung kháng cáo của ông Lam và chỉ chấp nhận 1 phần kháng cáo của ông Hiến để sửa đổi án sơ thẩm. Theo đó, ông Hiến đã xây dựng nhà đè lên ô-văng của nhà ông Lam, nhưng không làm ảnh hưởng đến kết cấu của nhà ông Lam.
 
Để tránh tình trạng tháo dỡ, đập phá gây lãng phí, ảnh hưởng đến kết cấu của 2 ngôi nhà, Hội đồng xét xử đã quyết định giữ nguyên hiện trạng hai ngôi đã xây dựng. Tuy nhiên, nếu ông Hiến tháo dỡ công trình nhà mình thì phải có nghĩa vụ tôn trọng ranh giới bất động sản liền kề là phần móng và bức tường của nhà ông Lam.
 
Sau khi lời qua tiếng lại, đấu đá nhau giữa phiên tòa hôm ấy, mục đích phá dỡ nhà hàng xóm của họ đều không thực hiện được. Phiên tòa kết thúc, ông Lam và ông Hiến lẳng lặng ra về giữa những tiếng xôn xao bàn luận...
 
Dương Công Hợp
 
 
--------------------------------------------
 
 
* Tên nhân vật đã được thay đổi.