.

Ngày về đầy nước mắt của hai nữ sinh bị bạn lừa bán sang Trung Quốc

Thứ Ba, 22/12/2015, 08:17 [GMT+7]
(QBĐT) - Hai nữ sinh H.T.T.D (SN 1994) ở phường Đồng Phú và H.T.Q.Tr (SN 1993) ở xã Bảo Ninh, TP. Đồng Hới bị bạn lừa bán sang Trung Quốc đã trốn thoát trở về trong niềm vui mừng khôn xiết của gia đình, bạn bè và bà con làng xóm mấy ngày hôm nay. Tuy nhiên, ngày về đầy nước mắt của hai thiếu nữ này đã tiếp tục gióng lên hồi chuông cảnh báo về loại tội phạm buôn bán người đang diễn ra hết sức phức tạp, trở thành nỗi lo lắng của nhiều người.
 
Trước đó, vụ việc xảy ra khi D ra Hà Nội học tiếng để đi xuất khẩu lao động tại Đài Loan. Khoảng ngày 12-10-2015, D gọi điện về thông báo cho gia đình đang đi chơi cùng bạn ở vùng biên giới. Nhưng vài ngày sau, D gọi điện trong hốt hoảng cho biết đã bị bạn học lừa bán sang Trung Quốc, không biết đang ở địa điểm nào và cùng bị bán còn có một người bạn ở Yên Bái.
 
Còn Tr ở Bảo Ninh thì bị bạn trai lừa bán sang Trung Quốc vào ngày 16-12-2014, khi đang trọ học tại Thừa Thiên - Huế.
 
Trò chuyện cùng chúng tôi, D vẫn còn sợ hãi khi kể về cuộc chạy trốn khỏi tay bọn buôn người. Chuyện xảy ra khi D và Tr.Th.A (SN 1996) người dân tộc Tày (Yên Bái) được Mai Tiến Tùng (người yêu của A) cùng Nguyễn Văn Quân (bạn của Tùng) rủ đi Hải Dương chơi.
 
Thay vì đi Hải Dương D và A bị đưa đến Cửa khẩu Móng Cái mà vẫn không hề biết mình sắp bị bán sang Trung Quốc, vì cả hai chưa đến Hải Dương lần nào. Sau nhiều lần đổi từ xe ôm qua xe khách, hai đối tượng trên dẫn D và A sang đến Giang Tây (Trung Quốc) gặp một người phụ nữ đứng tuổi tên Hồng. Tùng dặn cả hai đi chơi cùng chị Hồng ngày hôm sau sẽ quay lại đón.
 
Nhưng ngay sau đó D và A được đưa về một khu vực hẻo lánh, bị nhốt trong căn nhà do một người đàn ông Việt Nam canh giữ. “Chúng mày bị hai thằng kia bán cho tao giá một trăm triệu đồng”. Khi nghe người đàn ông đó nói vậy, D và A vẫn không tin. Cho đến khi chúng đưa tới một tô cơm toàn xương cá cùng một ít nước kho thì cả hai mới ngỡ ngàng nhận ra mình đã bị bán thật rồi. 

“Xung quanh khu nhà bọn em bị nhốt còn có nhiều người cũng bị bán sang đây, có một chị đọc số điện thoại của gia đình nhờ bọn em gọi về cầu cứu. Nhưng vì quá hoảng loạn nên giờ em không thể nhớ được”- D rơm rớm nước mắt kể lại.

 D may mắn được trở về trong vòng tay yêu thương của người thân.
D may mắn được trở về trong vòng tay yêu thương của người thân.

Khi biết mình bị bán D và A luôn cố tỏ ra ngoan ngoãn để không bị đánh đập và có thể xin mì tôm để ăn. Sau 2 ngày tỏ ra thân thiện D và A mượn được của tên canh gác 1 cái điện thoại cũ không có sim với lý do để nghe nhạc. Hai chị em lần tìm mật khẩu WiFi và may mắn sau gần một ngày mò mẫm chiếc điện thoại đã kết nối được WiFi. Liên hệ qua mạng xã hội với hai tên Tùng và Quân thì được biết “Nếu muốn chuộc ra phải đưa thêm ba người khác để thế chỗ”. Biết là đường cùng nên cả hai quyết định tìm cách bỏ trốn.

 
“Một đêm tối trời thấy tên canh gác lơ là nên bọn em đã trốn được ra ngoài. Nhưng vừa chạy được một đoạn thì thấy có nhiều xe đuổi theo, sợ quá bọn em lại chạy vào nhà” - D kể về cuộc “trốn chạy” đầu tiên. Sau lần đó bọn chúng liên tục chụp hình D và A cùng những cuộc điện thoại ra giá.
 
Sau 7 ngày bị giam giữ, cơ hội của D và A cũng đã đến. Tên canh gác uống rượu say nằm ngủ ở nhà dưới. Đợi đến 2 giờ sáng cả hai cùng trèo cửa sổ nhảy từ tầng 2 xuống. Nghe tiếng động nên bọn chúng phát hiện và bủa ra đi tìm. D và A trốn được vào một ruộng mía và sau đó chạy thục mạng. “Trời lạnh, không có dép, bọn em phải xé áo buộc vào chân để chạy” - D run run kể.
 
Chạy được khoảng 5km thì gặp đường lớn. Vì quá sợ hãi nên cả hai không dám cầu cứu ai mà tiếp tục chạy thêm khoảng hơn 30km nữa thì kiệt sức, dừng lại ở một trạm xăng ven đường. Có học qua tiếng Trung để đi xuất khẩu lao động nên D đã nhờ nhân viên cây xăng gọi báo cảnh sát. Sau 5 phút cảnh sát đến và đưa cả hai về đồn ở An Huy, tỉnh Giang Tây (Trung Quốc). “Vì bọn em nói tiếng Trung chưa thạo nên phía cảnh sát phải mời người phiên dịch. Khi người phiên dịch xuất hiện cả hai đứa như chết đứng”. Không ai khác đó chính là bà Hồng- người đã mua và đang rao bán D và A.
 
“Chúng mày phải nói là đi chơi bị lạc để tao dùng tiền chuộc ra, chứ không họ bắt bỏ tù rục xương vì tội nhập cảnh trái phép” - D kể lại lời hăm dọa của bà Hồng. Biết là sắp được chuyển lên Sở Cảnh sát nên D giả vờ đồng ý. Khi được chuyển lên Sở Cảnh sát Đô Chang, tỉnh Giang Tây, bà Hồng không còn là phiên dịch nhưng vì quen biết với người ở Sở Cảnh sát nên bà vẫn được gặp riêng để tiếp tục “hăm dọa” D và A.
 
Quá sợ hãi trước thế lực của bà Hồng và càng sợ hơn khi để bà ta cứu ra, cả hai xem như hết đường sống quay về. D cố trấn tĩnh và lục lại vốn từ vựng tiếng Trung ít ỏi đã học được, sắp xếp sao cho dễ hiểu nhất. Chọn cơ hội thuận lợi D nói với một “cảnh sát đeo nhiều sao”: Chúng tôi bị bán, xin hãy cứu chúng tôi! Hình như họ hiểu được lời cầu cứu của D. Cả hai được chuyển sang một phòng riêng và được phía cảnh sát hứa sẽ trả về nước. Sau 51 ngày bị tạm giữ, ngày 18-12-2015 D và A được phía Cảnh sát Trung Quốc dẫn ra Cửa khẩu Móng Cái để trả về nước như đã hẹn.
 
Qua cửa khẩu bằng đò rồi hai chị em tiếp tục xin xe về Hà Nội và được gặp lại gia đình trong niềm vui khôn tả. “Giờ em không còn muốn đi đâu nữa, chỉ ở nhà phụ giúp ba mẹ, nếu có tiền sẽ mở một quầy tạp hóa nho nhỏ để buôn bán qua ngày mà thôi” - D nghẹn ngào nói.
 
Còn em Tr (SN 1993) ở xã Bảo Ninh bị lừa bán sang Trung Quốc hơn một năm nay cũng đã được giải cứu trở về nhà an toàn. Nhưng hiện tại tinh thần em đang hoảng loạn, bị sang chấn tâm lý nặng, không muốn tiếp xúc với bất cứ ai.
 
Được biết Công an và các cơ quan chức năng đang tích cực vào cuộc điều tra làm rõ đối tượng lừa đảo buôn bán phụ nữ để sớm đưa chúng ra trừng trị trước pháp luật. Nhưng đây cũng là một hồi chuông cảnh báo với các bậc phụ huynh, nhất là các em gái cần phải đề cao cảnh giác để tự bảo vệ mình không bị sập bẫy của những kẻ mất hết nhân tính.
 
Trong cộng đồng, chúng ta cũng cần nêu cao tinh thần cảnh giác, chung tay để ngăn chặn tình trạng này. Trước mắt là các tổ chức đoàn thể địa phương, nhất là Hội Liên hiệp phụ nữ cần có động thái cụ thể phối hợp cùng với gia đình, người thân để đưa những người bị nạn sớm hòa nhập với cộng đồng.
 
Hiền Mai