.
Ký sự pháp đình:

Đánh đổi... tình thân

Thứ Sáu, 04/12/2015, 15:22 [GMT+7]

(QBĐT) - Sau khi bố mẹ mất, 6 người anh trai kiện người em út ra tòa để đòi lại mảnh đất mà bố mẹ đã chuyển nhượng cho người em. Cuối cùng, phải đến phiên tòa phúc thẩm, để "mua" được sự thỏa thuận của 6 người anh, người em phải giao cho họ 70 triệu đồng…

 

 

Công sức cả đời gom góp, khai hoang, làm lụng vất vả, ông Lê bà Lý mới có được 2ha đất trồng cao su. Cũng nhờ đó mà ông bà mới nuôi các con khôn lớn nên người.

Và khi về già, 2ha cao su đó trở thành nguồn sống dưỡng già của ông bà. Năm 2006, ông bà giao cho vợ chồng anh Lâm-người con út, 1ha khai thác mủ để lấy tiền nuôi dưỡng và lo việc hậu sự cho ông bà sau này.

Tuy nhiên, theo trình bày của phía nguyên đơn là 6 người anh, thì bố mẹ họ chỉ giao cho chú út khai thác chứ không cho sở hữu lâu dài. Năm 2010, anh Lâm lấy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) của bố mẹ để thế chấp vay ngân hàng. Năm 2011, bà Lý mất, nhưng vợ chồng anh Lâm không nuôi dưỡng chăm sóc bố.

Thấy vậy, ông Lê yêu cầu vợ chồng người con trai út trả lại đất, trong đó có 0,5ha trồng cao su đã được cấp GCNQSDĐ, đồng thời trả lại GCNQSDĐ của ông. Năm 2012, ông Lê qua đời, theo di chúc mà ông Lê để lại, quyền thừa kế diện tích đất nói trên thuộc về 6 người con, trừ anh Lâm.

Đó là tất cả lý do mà 6 người anh khởi kiện người em út của mình ra tòa để đòi lại đất của bố. Còn phía bị đơn-người em út cho rằng, năm 2006, bố mẹ đồng ý cho anh đất và cao su đã cùng anh đến UBND xã và huyện làm thủ tục chuyển nhượng đất, đồng thời tiến hành đo đạc diện tích đất chuyển nhượng trên thực địa. Bố mẹ cho anh là hoàn toàn tự nguyện, nên sau đó anh mới làm thủ tục xin cấp GCNQSDĐ.

Trong quá trình chung sống, vợ chồng anh đã tận tình chăm sóc bố mẹ nhưng gia đình người anh cả dựng chuyện chia rẽ tình cảm giữa bố mẹ với vợ chồng anh và lôi kéo những anh em khác để phân chia tài sản.

Sau đó ông Chính-người anh cả, đã đưa bố về nuôi dưỡng, nên bố anh mới làm đơn khởi kiện yêu cầu đòi trả lại đất và cao su. Vì những lý do này, anh Lâm không đồng ý yêu cầu của 6 người anh trai mình.

Phía đại diện chính quyền địa phương cho rằng, việc cấp GCNQSDĐ cho anh Lâm là đúng với thực tế và đúng luật. Bởi, chính ông Lê và bà Lý đã viết đơn cho anh Lâm diện tích đất và tài sản là vườn cao su trên đất. Do vậy, tòa án cấp sơ thẩm đã tuyên bác yêu cầu của những người anh về việc đòi lại đất và hủy GCNQSDĐ đối với diện tích đất mà ông Lê bà Lý đã chuyển nhượng cho anh Lâm.

Không đồng ý với quyết định của tòa án, 6 người anh tiếp tục kháng cáo lên Tòa án tỉnh. Tuy nhiên, căn cứ vào những tài liệu, chứng cứ, lời khai của các bên có liên quan và giải thích hợp tình hợp lý của tòa, các bên đương sự đã tự thỏa thuận được với nhau và đồng ý sửa một phần án sơ thẩm. Theo đó, toàn bộ yêu cầu của 6 người anh bị tòa bác bỏ, nhưng anh Lâm-người em út phải có trách nhiệm giao cho 6 người anh của mình 70 triệu đồng.

Nhiều người tham dự phiên tòa hôm ấy không khỏi ngậm ngùi. Số tiền 70 triệu đồng lớn thật đấy, nhưng làm sao có thể dùng nó để đánh đổi cho tình anh em ruột thịt trong gia đình?!

Dương Công Hợp

-----------------------------------------------   
(*) Tên nhân vật đã được thay đổi.