.
Ký sự pháp đình:

Bơ vơ...

Thứ Sáu, 27/11/2015, 20:54 [GMT+7]

(QBĐT) - Sinh con ra trên cõi đời, hầu như bậc làm cha làm mẹ nào cũng mong muốn mang lại cho con những điều tốt đẹp nhất, hạnh phúc nhất. Nhưng cuộc sống muôn màu vẫn còn đó biết bao mảnh đời thiếu cha, mất mẹ, sống và lớn lên không tình yêu thương, tự bươn chải trong thế giới mưu sinh khắc nghiệt.

Tuy vậy, thân phận cậu bé Tâm bị nhiễm chất độc hóa học dioxin trong phiên tòa ly hôn hôm đó chợt để lại nhiều day dứt cho bao người, bởi cậu cũng có cha có mẹ, nhưng người cha lại tính toán từng đồng trong cấp dưỡng con, còn người mẹ thì bức xúc muốn tăng tiền cấp dưỡng. Giữa tòa án đông người mà không khí bỗng sao lạnh lẽo và nặng mùi kim tiền đến thế...

 

Ông Năm và bà Yến kết hôn với nhau từ năm 1976, mấy chục năm đồng cam cộng khổ những tưởng ông bà sẽ hạnh phúc đến suốt cuộc đời. Nhưng một vài năm gần đây, vợ chồng ông bà thường xuyên xảy ra mâu thuẫn và sống ly thân từ năm 2014.

Đến nay, ông Năm cảm thấy mâu thuẫn khó hòa giải, tình cảm vợ chồng không còn, nên làm đơn xin ly hôn để tạo lập cuộc sống riêng. Phía bà Yến chia sẻ, trước đây, khi con cái còn nhỏ, ông Năm đi làm ăn xa, nên khúc mắc giữa hai vợ chồng vẫn san sẻ được, nhưng càng ngày, ông càng vô tâm, ít chăm sóc gia đình cho nên không khí trong nhà luôn căng thẳng, ngột ngạt.

Trong thâm tâm, bà Yến vẫn mong ông thay đổi để con cái không bị thiếu thốn tình cảm, thậm chí nếu ông không muốn sống chung thì mỗi người sống mỗi nơi cũng được.

Nhưng vì ông cứ kiên quyết ly hôn, nên bà đành thuận theo. Vướng mắc lớn nhất trong cuộc ly hôn này là cậu bé Tâm. Bởi, trong khi bốn anh chị em còn lại đều đã trưởng thành, tự làm ăn và nuôi sống bản thân, thì Tâm do bị nhiễm chất độc hóa học nên bị thiểu năng trí tuệ, không đi học và luôn cần có người thân ở bên chăm sóc.

Ông Năm muốn bà Yến nuôi Tâm, nhận tiền trợ cấp hàng tháng và ông không đóng góp phí tổn nuôi con. Bà Yến lại cho rằng, khoản tiền trợ cấp đó của Tâm là không đủ để chi phí cho thuốc men, bồi dưỡng, huống chi bà đã cao tuổi, mất sức lao động, không có thu nhập nào khác. Còn ông Năm mỗi tháng đã có lương hưu gần 4 triệu đồng, ông phải có trách nhiệm đóng góp 1 triệu đồng nuôi dưỡng Tâm mỗi tháng.

Tòa án nhân dân huyện đã quyết định giao Tâm cho bà Yến trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng và được nhận số tiền chế độ hàng tháng của Tâm. Ông Năm phải có trách nhiệm, nghĩa vụ góp tiền nuôi con với bà Yến, mỗi tháng là 500 nghìn đồng. Không chấp nhận với phán quyết trên, ông Năm tiếp tục có đơn kháng cáo đề nghị không cấp dưỡng nuôi con chung vì cháu đã có trợ cấp hàng tháng. Ngay sau đó, bà Yến cũng có đơn kháng cáo đề nghị tòa phúc thẩm giải quyết buộc ông Năm cấp tiền nuôi dưỡng Tâm mỗi tháng 1 triệu đồng.

Xét thấy Tâm gặp nhiều thiệt thòi, bệnh tật, đau ốm rất cần người chăm sóc, với mức trợ cấp của Nhà nước là chưa thể đủ để trang trải cho nhu cầu của em, trong khi, mức lương hưu của ông Năm nhận hàng tháng là gần 4 triệu đồng, bà Yến lại làm nghề nông, thu nhập thấp, Tòa phúc thẩm không chấp nhận đơn kháng cáo của ông Năm. Đồng thời, tòa nâng mức tiền cấp dưỡng nuôi con của ông Năm lên thành 700 nghìn đồng/tháng.

Một bản án khắc sâu vào những nỗi đau của lương tâm. Người ta sẽ trách cứ nhiều về một người cha nhẫn tâm, chỉ vì một vài đồng bạc nuôi dưỡng đứa con đứt ruột đẻ ra của mình mà nhất quyết đưa nhau ra tòa. Người ta cũng sẽ nhắc nhớ nhiều về một người mẹ vất vả, truân chuyên chỉ mong muốn con mình có cuộc sống đỡ khổ hơn và kêu gọi được tình thương của người chồng đã hết tình cảm. Nhưng, có lẽ, nếu Tâm là người bình thường và hiểu được mọi chuyện, cậu sẽ là người buồn nhất ở đây, bởi ai mà chẳng đau khổ khi bơ vơ, lạc lõng trong chính gia đình của mình?

Quảng Hạ

-----------------------------------------------

(*) Tên nhân vật đã được thay đổi