.
Ký sự pháp đình:

Bên tình, bên lý...

Thứ Bảy, 07/11/2015, 09:26 [GMT+7]

(QBĐT) - Một sự thật đáng buồn trong xã hội hiện đại ngày nay, đó là hễ cứ dính líu đến tranh chấp đất đai, là dù vợ chồng, con cái, anh em một nhà hay thậm chí là cha mẹ, ông bà, đều cứ phải gặp nhau ở tòa án. Dường như, chỉ có pháp luật mới có thể giải tỏa được những mâu thuẫn về tài sản âm ỉ giữa những người trước đây vốn dĩ là thân thích, ruột thịt trong gia đình, và cũng chỉ trước hội đồng xét xử, những tâm địa, suy nghĩ, tính toán thiệt hơn mới có dịp được lộ diện rõ nét nhất. Ông Tâm, bà Lương cũng nằm trong trường hợp đó, giữa cái lý và cái tình, giữa tình nghĩa và tài sản trước mắt, họ lựa chọn cái mà họ cho là quan trọng hơn.

 

Bà Lương là con liệt sĩ và được dì ruột là bà Minh cưu mang, nuôi nấng. Đến tuổi trưởng thành, bà Lương lập gia đình và được bà Minh cho một phần đất 187m2 trong tổng số hơn 300m2 của gia đình bà Minh để dựng nhà, ổn định cuộc sống. Sau khi bà Minh đã làm giấy xác nhận cho đất, vợ chồng bà Lương xây dựng căn nhà hai gian lợp ngói và một gian nhà đổ bằng, bao quanh là hơn 120m2 hàng rào bốn phía.

Năm 2013, bà Minh già yếu qua đời, ông Tâm cũng là cháu bà Minh rắp tâm chiếm ngôi nhà, mảnh đất, cho nên đã gây gổ, đánh đập, đuổi bà ra khỏi nhà, cấm không cho bà đến. Uất ức, bà Lương viết đơn gửi Tòa án nhân dân huyện yêu cầu giải quyết buộc ông Tâm phải trả lại phần đất, nhà và hàng rào nói trên cho bà.

Phía ông Tâm lại khẳng định, phần đất mà vợ chồng ông đang ở có diện tích hơn 300m2 là do bà Minh thừa kế lại cho vợ chồng ông. Trong di chúc của bà Minh để lại trước khi qua đời, bà đã giao cho vợ chồng ông Tâm được quyền ở, sửa chữa nhà để thờ phụng, sau này già cả thì giao lại cho con cháu để tiếp tục thờ cúng.

Vợ chồng ông Tâm chỉ làm theo di chúc, không chiếm đoạt tài sản của bà Lương. Chồng bà Lương cũng khăng khăng cho rằng, trên thực tế, bà Minh đã thừa kế cho ông Tâm 120m2 trên tổng số hơn 300m2, còn lại 187m2 bà Minh đã giao cho vợ chồng bà Lương xây dựng nhà ở. Ông Tâm tham lam muốn chiếm hết toàn bộ đất đai sau khi bà Minh qua đời cho nên mới viện ra lý lẽ như thế.

Quá trình giám định chữ viết và chữ ký trong bản di chúc của bà Minh để lại toàn bộ tài sản, gồm quyền sử dụng đất và tài sản trên đất cho vợ chồng ông Tâm cho thấy, đúng là chữ viết và chữ ký của bà Minh. Tòa án nhân dân cấp huyện quyết định bác yêu cầu khởi kiện của bà Lương về việc đòi ông Tâm trả lại 187m2 đất và tài sản gắn liền trên đất đã được di chúc cho vợ chồng ông Tâm. Không đồng tình với kết quả này, bà Lương tiếp tục có đơn kháng cáo lên tòa phúc thẩm.

Tòa phúc thẩm xét thấy, mặc dù bà Lương đã được bà Minh lập giấy tặng đất và có xác nhận của chính quyền địa phương, nhưng sau đó, hai bên lại không đến cơ quan có thẩm quyền để đăng ký quyền sở hữu, cho nên, hợp đồng tặng cho nêu trên không có hiệu lực thi hành. Mặt khác, phần đất và tài sản của bà Lương lại nằm trong phần diện tích đất đã được bà Minh di chúc lại cho vợ chồng ông Tâm sau khi bà Minh qua đời, vì vậy, việc bà Lương yêu cầu sở hữu phần đất 187m2 cùng tài sản trên đất là không có căn cứ để chấp nhận. Tòa không chấp nhận kháng cáo của bà Lương và giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Nếu bà Minh còn trên cõi đời, ắt hẳn bà cũng buồn về cơ sự này lắm. Bà cũng chẳng thể ngờ vì mảnh đất bà để lại mà con cháu lại gặp nhau ở tòa, mối quan hệ họ hàng thân thích, ruột rà giờ chẳng thể vẹn nguyên như xưa... Cha ông ta vẫn thường nói “cứu một mạng người, bằng xây bảy tòa tháp”, còn với bà, việc tốt, giúp đời, giúp người thì đã làm, mà sao nhiều thứ vẫn cứ bộn bề, rối rắm, chắc cũng tại bởi lòng người giờ đây thật giả khó lường.

Quảng Hạ

---------------------------------------------

(*) Tên nhân vật đã được thay đổi