.
Ký sự pháp đình:

Chuyện cái giếng... không tròn!

Thứ Sáu, 09/10/2015, 15:41 [GMT+7]

(QBĐT) - Hôm nay, vợ chồng ông Tâm, bà Ý và ông Lành, bà Hiền lại mặt đối mặt ở phiên tòa phúc thẩm. Suốt mấy chục năm hàng xóm láng giếng, ra ngõ là gặp nhau, tình nghĩa gắn bó, có bao giờ hai gia đình không vui vẻ, xởi lởi, chia ngọt sẻ bùi. Ấy vậy mà giờ đây, chẳng hiểu sao họ ngại nhìn nhau đến thế và nếu có bắt buộc phải giáp mặt, ai nấy đều len lén nhìn về một hướng khác, ngậm ngùi không nói nổi câu nào. Mọi chuyện cũng bắt đầu từ cái giếng mà ra...

 

Theo ông Tâm, bà Ý, năm 1984, ông bà mua lại một mảnh đất để dựng nhà, liền kề với thửa đất của bà Lan (mẹ bà Hiền). Hiện nay, mảnh đất của bà Lan do vợ chồng ông Lành, bà Hiền sử dụng. Khi ông Tâm, bà Ý về ở, bà Lan đã xin vợ chồng ông đào giếng và làm chái bếp để nấu ăn. Do vừa là hàng xóm, vừa có quan hệ họ hàng thân thích, nên ông bà đã đồng ý bằng miệng, không làm giấy tờ tặng, cho đất.

Ban đầu, cái giếng được hai gia đình dùng chung, nhưng về sau, năm 2008, ông Lành, bà Hiền đã xây tường rào ngăn cách giữa hai nhà, bao quanh cái giếng và nhà bếp. Sau một thời gian lời qua tiếng lại không có kết quả, ông Tâm, bà Ý quyết định khởi kiện và yêu cầu ông Lành, bà Hiền phải tháo dỡ nhà bếp và giếng, trả lại phần diện tích đất trước đây. Phần ông Lành, bà Hiền lại có những lý lẽ riêng của mình khi cho rằng, thửa đất mà vợ chồng ông bà đang ở được bố mẹ bà Hiền sử dụng từ những năm 1960.

Sau khi bố mẹ bà qua đời, do có công phụng dưỡng nên bà Hiền được hưởng thừa kế nhà, đất. Cái giếng được ông Lâm (anh trai bà Hiền) đào từ năm 1983, trước khi ông Tâm, bà Ý mua đất, còn nhà bếp thì có từ trước khi đào giếng, nhưng làm bằng tranh, tre và đến năm 1986 thì xây tường, lợp ngói. Ông Lành, bà Hiền khẳng định ông Tâm, bà Ý mua đất vào năm 1986, chứ không phải năm 1984 và khi mua đã có cái giếng, chái bếp. Thậm chí, cái giếng, chái bếp được xây trên phần đất của mẹ bà Hiền chứ không hề có sự xin cho ở đây.

Dựa trên những chứng cứ có được, Tòa án sơ thẩm đã bác đơn kiện của ông Tâm, bà Ý. Không dừng ở đó, ông bà vẫn quyết tâm tiếp tục đi kiện bằng được, hòng phải đập vỡ chái bếp, lấp đầy giếng thì mới bằng lòng. Tòa án phúc thẩm xét thấy UBND phường nơi ông bà sinh sống đã xác nhận cái giếng và nhà bếp được mẹ bà Hiền đào và xây dựng từ trước khi ông Tâm, bà Ý đến sinh sống. Thực tế ranh giới đất giữa hai gia đình được sử dụng ổn định từ trước đến nay.

Phần đất mà ông Tâm, bà Ý cho rằng thiếu so với giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là do nhầm lẫn số liệu chứ không phải do lấn chiếm. Do đó, việc ông Tâm, bà Ý khăng khăng phần diện tích đất gắn liền với nhà bếp, giếng nước mà gia đình ông Lành, bà Hiền đang sử dụng là do mẹ bà Hiền xin, nay đòi lại, là không có căn cứ. Mặt khác, trong trường hợp mẹ bà Hiền đã xin và ông Tâm, bà Ý đồng ý vào năm 1984, thì từ đó đến nay đã trên 30 năm, ông bà cũng không thể đòi lại phần đất đó. Tòa quyết định giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Vậy là bao nhiêu công sức ông Tâm, bà Ý đổ vào vụ kiện tụng này rốt cuộc chẳng đi đâu về đâu. Chẳng những ông bà không đòi lại được đất mà tình làng nghĩa xóm, tình cảm họ hàng cũng bỗng chốc tan thành bọt biển. Người biết chuyện thì chép miệng: “Đúng là cái giếng... chẳng tròn”. Bởi nếu nó tròn, thì hơn chục năm qua hai gia đình sinh sống hòa thuận, đầm ấm, chia ngọt sẻ bùi quanh nó chẳng đến mức phải gặp nhau ở tòa án.

Chắc hẳn, vì nó méo như lòng dạ của một số người có lòng tham tài sản của người khác, cho nên, tình cảm con người mới ngả nghiêng như vậy. Sau phiên tòa, mọi thứ vẫn vậy, cái giếng vẫn tiếp tục làm phận sự của nó trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày. Chỉ có điều, tiếng nói cười quanh cái giếng mỗi buổi chiều về dường như đã lui vào dĩ vãng.

Công Hợp

------------------------------------------

* Tên nhân vật đã được thay đổi