.
Ký sự pháp đình:

Chia tiền, chia của, ai nỡ chia con...

Thứ Bảy, 24/10/2015, 15:22 [GMT+7]

(QBĐT) - Ai đó từng nói rằng, có lẽ, điều đọng lại day dứt nhất sau mỗi phiên tòa xét xử các vụ án ly hôn chính là ánh mắt của con trẻ.

Đứa nhỏ tuổi thì hồn nhiên, líu ríu, ngây thơ, không biết mình sắp phải sống trong ngôi nhà thiếu hơi ấm tình thương của bố hoặc mẹ. Đứa lớn hơn một chút thì đã loáng thoáng hiểu ra vấn đề, dễ bắt gặp nét ưu tư phảng phất, lo lắng và đôi chút hoảng hốt dự cảm.

Đứa đã lớn thì thường cúi mặt lặng lẽ, chỉ khi nào chúng nhìn lên mới thấy được ánh mắt lạnh lùng và cả tia nhìn đôi chút vô cảm, hờ hững, nhưng ẩn sâu bên trong là sự gào xé tâm hồn trước sự chia cắt của gia đình.

Phiên tòa hôm đó của chị Tâm và anh Yên cũng không hề thiếu những ánh mắt cảm xúc như thế.

Anh Yên và chị Tâm đã có một thời gian dài yêu nhau, thề non hẹn biển, cùng vượt qua biết bao khó khăn, thử thách để đến một cái kết có hậu vào năm 2010. Những tưởng niềm hạnh phúc lứa đôi sẽ kéo dài mãi, anh chị sẽ dìu nhau đi đến hết cuộc đời, khi tình yêu đã được đơm hoa kết trái với một bé gái ra đời chỉ một năm sau đó.

Ấy vậy, chưa đầy 2 năm sau, anh bỗng đổi tính thay nết, cứ uống rượu vào anh lại như biến thành một con người khác, về nhà hành hạ, đánh đập vợ con và xúc phạm gia đình bên vợ. Một lần, hai lần và những lần khác, chị cắn răng chịu đựng vì con, vì cuộc sống ấm êm của gia đình. Nhưng rồi, khi mọi việc đã ngoài tầm kiểm soát, chị không thể chịu đựng thêm được nữa, mâu thuẫn giữa hai người ngày càng chồng chất, đẩy khoảng cách vợ chồng xa lại càng thêm xa. Cực chẳng đã, chị quyết định sống ly thân từ năm 2013.

Một thời gian dài hàn gắn không kết quả, anh chị đưa đơn ra tòa. Trước tòa anh Yên chia sẻ, anh vẫn muốn quay lại với chị, bởi theo anh, tình cảm giữa vợ chồng vẫn chưa hẳn đã hết, mâu thuẫn vẫn chưa quá lớn. Nhưng, vì chị dứt khoát, nên buộc anh phải nghe theo. Tài sản chung không có, duy chỉ có đứa con là khiến anh chị tranh cãi gay gắt khi cả hai người đều muốn nuôi dưỡng.

Chị thiết tha, con gái còn bé bỏng rất cần có mẹ ở bên nên mong anh nghĩ lại mà cho chị nuôi con. Anh cũng dùng dằng không kém, anh phải nuôi con vì đó là máu mủ, ruột rà, không có con anh không sống được và anh cũng không muốn sau này con gọi người khác là bố.

Tòa án nhân dân cấp huyện quyết định giao con cho anh Yên chăm sóc, chị Tâm có nghĩa vụ đóng góp tiền nuôi con mỗi tháng 700.000 đồng. Cho rằng bản án chưa thấu tình đạt lý, chị Tâm tiếp tục làm đơn kháng cáo lên tòa phúc thẩm với mong muốn được trực tiếp nuôi dưỡng bé, anh Yên phải có trách nhiệm cấp dưỡng 1.000.000 đồng/tháng.

Sau khi xem xét từng tình tiết của vụ việc và lắng nghe ý kiến của các bên liên quan, xét thấy cháu bé còn nhỏ tuổi, rất cần sự quan tâm, chăm sóc của mẹ và việc được ở với mẹ là phù hợp với tâm sinh lý của cháu, tòa quyết định cho chị Tâm được trực tiếp nuôi dưỡng cháu, anh Yên đóng góp phí tổn nuôi con mỗi tháng là 1.000.000 đồng.

Phiên tòa khép lại, cô bé mới hơn 4 tuổi ngây thơ, tíu tít đi bên mẹ về ngôi nhà mà từ nay có lẽ chỉ còn lưu hình bóng người cha trong ký ức. Anh Yên lặng lẽ đi theo sau, hơn ai hết, anh thấu hiểu nỗi đau khó gọi thành tên trong lòng mình. Ma men đã khiến anh không chỉ đánh mất gia đình của mình, mà còn khiến con gái anh lớn lên trong tình thương thiếu trọn vẹn. Nhìn con, anh chợt ao ước, giá mà ngày đó, anh đủ bản lĩnh và lý trí...

Quảng Hạ

-------------------------------------------

* Tên nhân vật đã được thay đổi.