.

Hiệu quả tuyên truyền, giáo dục pháp luật từ việc xét xử lưu động

Thứ Năm, 03/09/2015, 14:45 [GMT+7]

(QBĐT) - Trình độ nhận thức hạn chế, ý thức chấp hành pháp luật thấp là một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn đến hành vi phạm tội hiện nay. Do đó cùng với việc xét xử công bằng nghiêm minh, đúng người đúng tội, những năm qua, ngành Tòa án luôn luôn chủ động phối hợp cùng các cơ quan liên quan đưa các vụ án ra xét xử lưu động, góp phần hiệu quả vào việc nâng cao nhận thức pháp luật trong cộng đồng.

>> Tiếp tục đẩy mạnh cải cách tư pháp

>> Gắn thi đua với việc thực hiện nhiệm vụ được giao

Một phiên tòa xét xử lưu động của TAND tỉnh tại Trại tạm giam Công an tỉnh.
Một phiên tòa xét xử lưu động của TAND tỉnh tại Trại tạm giam Công an tỉnh.

Thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp, cùng với việc đổi mới trong tổ chức phiên tòa, hàng năm, Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh đã chú trọng gắn hoạt động xét xử với công tác đấu tranh phòng chống tội phạm ở các cơ quan, đơn vị, địa phương ở cơ sở.

Phần lớn các vụ án được đưa ra xét xử lưu động đều vi phạm các tội nghiêm trọng, gây nhức nhối trong dư luận và được dư luận đồng tình, nhất trí cao.

Trong khi đang bị giam giữ chung một phòng tại Trại tạm giam Công an tỉnh, chỉ vì một mâu thuẫn nhỏ mà các đối tượng Nguyễn Vân Long (SN 1994) trú ở thôn Nhân Hòa, xã Quảng Hòa, thị xã Ba Đồn; Trần Ngọc Sơn (SN 1991) ở xã Hải Trạch, Bố Trạch; Phạm Văn Nam (SN 1993) ở thôn Mới, xã Vạn Trạch, Bố Trạch; Phan Thanh Định (SN 1990) ở TK 6, thị trấn Hoàn Lão, Bố Trạch; Võ Duy Tâm (SN 1994) ở thôn 5, xã Hạ Trạch, Bố Trạch; Lê Hùng Phương (SN 1993) ở thôn Bắc Sơn, xã Sơn Hóa, Tuyên Hóa; Trần Văn Cương (SN 1993) thôn Ông Chinh, xã Hóa Tiến, Minh Hóa đã cùng nhau đánh phạm nhân Phạm Văn Bình dẫn đến tử vong. Sau khi phát hiện Bình đã tử vong, nhóm đối tượng trên dàn xếp cùng nhau khai báo, rằng: Không rõ nguyên nhân cái chết của Bình, và đổ lỗi sang cho nạn nhân là do Bình gây khó dễ, hay sai vặt anh em trong buồng giam nên ai cũng ghét.

Điều đáng nói, đây là những đối tượng đã có nhiều tiền án, tiền sự và đang thi hành án phạt tù giam, nhưng vẫn bất chấp và ngang nhiên thách thức luật pháp. Và, đây cũng là vụ án đánh chết người trong khi đang chấp hành hình phạt tù xảy ra đầu tiên ở tỉnh ta.

Nhận thấy tính chất nghiêm trọng của vụ án và sự ngang nhiên thách thức pháp luật của các đối tượng, TAND  tỉnh quyết định đưa phiên tòa ra xét xử lưu động. Ngày 7-7 vừa qua, tại Trại tạm giam Công an tỉnh, Tòa án nhân dân tỉnh mở phiên tòa hình sự sơ thẩm đối với nhóm đối tượng nói trên về tội "Giết người". Phiên tòa diễn ra trong không khí trang nghiêm và phát qua loa truyền thanh đến tất cả các phạm nhân trong trại cùng nghe.

Tại phiên tòa, thông qua các phiên đối chất diễn ra công khai, tình tiết của vụ án được làm sáng tỏ, cùng với những lập luận, lý lẽ buộc tội chặt chẽ, cuối cùng, các đối tượng cũng cúi đầu nhận tội. Với tổng hình phạt 84 năm 6 tháng tù giam dành cho các bị cáo nói trên, đã góp phần không nhỏ trong việc cảnh tỉnh, răn đe và phòng ngừa các hành vi vi phạm pháp luật ngay chính nơi giáo dục, giam giữ phạm nhân.

Đó chỉ là một trong số rất nhiều các vụ án được ngành Tòa án đưa ra xét xử lưu động. Hàng năm, ngành đều phối hợp với cơ quan Công an, Viện kiểm sát, tiến hành xác định các vụ án trọng điểm để đưa ra xét xử lưu động. Nhất là đối với các loại tội phạm giết người, cướp tài sản, chống người thi hành công vụ, mua bán, tàng trữ, vận chuyển trái phép chất ma tuý, cố ý gây thương tích... Từ đó đã nâng cao nhận thức pháp luật sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân, góp phần tích cực phòng ngừa tình trạng phạm tội.

Từ năm 2010 đến năm 2015, TAND tỉnh đã phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng và chính quyền địa phương tổ chức trên 310 phiên tòa lưu động. Hầu hết các vụ án được đưa ra xét xử lưu động về tại các địa phương, đơn vị, cơ sở, đều là các vụ án trọng điểm, được dư luận quan tâm, nơi các bị cáo gây án để xét xử. Bên cạnh đó, các TAND cấp huyện cũng tích cực khắc phục khó khăn để tổ chức các phiên tòa xét xử lưu động, đó được xem như một tiêu chí đánh giá nhiệm vụ quan trọng của ngành trong công tác xét xử.

Thực tế cho thấy, các phiên toà xét xử lưu động thu hút đông đảo quần chúng nhân dân đến tham dự. Thông qua phần thẩm vấn, tranh tụng tại phiên tòa (không bị khống chế về thời gian) có tác dụng nâng cao nhận thức pháp luật rất lớn, góp phần răn đe, ngăn ngừa các loại tội phạm, mà vẫn bảo đảm tính nghiêm minh, khách quan, công bằng của phiên tòa.

D.C.H