.

Phòng ngừa người chưa thành niên phạm tội: Cần sự chung sức của cộng đồng!

Thứ Ba, 11/08/2015, 09:38 [GMT+7]

(QBĐT) - Theo số liệu thống kê từ Tòa án nhân dân tỉnh, trong 6 tháng đầu năm 2015, Tòa án hai cấp đã giải quyết, xét xử sơ thẩm 19 vụ/27 bị cáo là người chưa thành niên phạm tội, chiếm tỷ lệ 9,5% số vụ án đã xét xử sơ thẩm. Số lượng các vụ án giải quyết, xét xử có bị cáo là người chưa thành niên phạm tội đã tăng 7 vụ/8 bị cáo so với cùng kỳ năm 2014. Thực tế trên cho thấy một thực trạng báo động về phạm tội ở lứa tuổi vị thành niên trong thời gian gần đây trên địa bàn tỉnh ta. Đáng lo ngại hơn khi hành vi phạm tội của lứa tuổi này đang ngày càng nghiêm trọng với các tội cố ý gây thương tích, hiếp dâm trẻ em, tàng trữ, vận chuyển, mua bán hoặc chiếm đoạt ma túy, cướp tài sản...

 

Người chưa thành niên phạm tội đang là vấn đề nhức nhối của toàn xã hội.
Người chưa thành niên phạm tội đang là vấn đề nhức nhối của toàn xã hội.

Bị cáo N.V.M sinh năm 1997, quê quán ở Cự Nẫm, Bố Trạch. Học hết lớp 9, M. đi làm thợ mộc tại một xưởng chế biến gỗ lâm sản ở Đức Ninh, TP.Đồng Hới.

Vào lúc 23h ngày 2-12-2014, khi thấy anh N.V.T, là công nhân làm cùng xưởng gỗ ngủ say, M. đã lấy trộm 1 điện thoại di động hiệu Iphone 4 và 1 điện thoại di động hiệu Nokia 1280 của anh T. để lên đầu giường, rồi đem cất giấu sau dãy nhà. Sau đó, M. đi vào phòng, giả vờ hô hoán có trộm, anh T. và mọi người trong xưởng đi tìm nhưng không có.

Qua đấu tranh, ngày 3-12-2014, M. đã khai nhận hành vi trộm cắp tài sản và giao nộp 2 điện thoại cho cơ quan điều tra. Tòa án nhân dân TP.Đồng Hới đã quyết định tuyên bố bị cáo M. phạm tội “trộm cắp tài sản” và xử phạt bị cáo 6 tháng tù. Cho rằng mức án quá cao, bị cáo M. và người đại diện hợp pháp cho bị cáo đã có đơn kháng cáo. Tòa phúc thẩm xét thấy bị cáo M. thuộc đối tượng khi phạm tội là người chưa thành niên ở độ tuổi từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi, nhận thức pháp luật của người phạm tội ở độ tuổi này còn hạn chế.

Trong quá trình điều tra và tại phiên tòa, bị cáo đã thành khẩn khai báo, biết ăn năn hối cải với hành vi phạm tội của mình, giá trị tài sản bị cáo chiếm đoạt không lớn và đã được thu hồi trả lại người bị hại ngay sau khi vụ án bị phát hiện. Tòa chấp nhận kháng cáo của bị cáo M. và người đại diện hợp pháp cho bị cáo, xử phạt bị cáo M. 6 tháng tù cho hướng án treo, thời hạn thử thách đối với bị cáo là 12 tháng tính từ ngày tuyên án phúc thẩm. Vậy là với nhận thức pháp luật hạn chế, chỉ vì một chút lòng tham, không kìm giữ được bản thân mình, thiếu suy nghĩ, M. đã tự đưa bản thân vào vòng lao lý khi tuổi đời còn rất trẻ.

Bên cạnh những vụ án về trộm cắp thường gặp ở lứa tuổi vị thành niên, đáng chú ý có không ít vụ án giết người hay cố ý gây thương tích mà đối tượng là những gương mặt còn rất trẻ, hành động có tổ chức. Đ.C.A sinh năm 1997, trú quán ở TX.Ba Đồn, làm nghề thợ chạm, trình độ học vấn 9/12. Ngày 15-10-2014, N.N.V (SN 1991), Đ.T.V (SN 1994) và N.Q.V (SN 1990), đều trú quán ở TX.Ba Đồn, ngồi uống rượu tại nhà anh N.V.Q.

Trong lúc uống rượu, N.N.V kể lại việc trước đó hai ngày bị anh N.M.T gây gổ đánh nhau, và rủ Đ.T.V và N.Q.V đi trả thù. Hai anh này liền đồng ý và gọi điện cho Đ.C.A bảo về nhà lấy hàng (tức hai con dao) đưa đến địa điểm hẹn gặp. Đ.C.A về xưởng gỗ lấy 2 con dao tự chế, mỗi cây dài 70cm, rộng 7cm, cán bằng gỗ đưa đến điểm hẹn và đi cùng. Đến nhà anh N.M.T, do anh T bị ốm nên em trai anh T là anh N.C.T ra mở cửa và bị chém 4 nhát vào đầu, lưng, mặt và bị ống sắt đánh vào đầu. Anh N.C.T bị thương nặng ngã xuống, ngất tại chỗ, cả nhóm liền bỏ chạy.

Tại bản giám định pháp y, tỷ lệ tổn hại sức khỏe chung của anh N.C.T là 47%. Hành vi của các bị cáo là rất nguy hiểm, không chỉ gây hậu quả cực kỳ nghiêm trọng cho sức khỏe, làm ảnh hưởng đến khả năng lao động, sinh hoạt của người bị hại, mà còn xâm phạm đến tình hình an ninh trật tự của địa phương, gây nên sự bất bình trong quần chúng nhân dân.

Các bị cáo đều là những thanh niên mới lớn có đầy đủ năng lực để nhận thức được hành vi của mình là sai trái, gây nguy hại cho xã hội, nhưng đã coi thường tính mạng, sức khỏe của người khác để cùng nhau phạm tội. Bị cáo Đ.C.A, dù chưa đủ tuổi thành niên, đóng vai trò đồng phạm, giúp sức, có một vị trí, nhiệm vụ rất quan trọng để hoàn thành việc phạm tội.

Thay vì từ chối, can ngăn, bị cáo lại trực tiếp cầm dao tự chế đến và cùng tham gia. Trước đó, ngày 15-4-2014, bị cáo Đ.C.A đã bị Tòa án nhân dân TX.Ba Đồn xét xử hành vi “trộm cắp tài sản”, cho thấy bị cáo có ý thức xem thường pháp luật. Tòa sơ thẩm tuyên bố các bị cáo phạm tội “cố ý gây thương tích” và phạt các bị cáo N.N.V, Đ.T.V mỗi bị cáo 30 tháng tù. Bị cáo N.Q.V bị phạt 30 tháng tù cho hưởng án treo. Bị cáo Đ.C.A bị phạt 24 tháng tù.

Ông Hoàng Quảng Lực, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh cho biết, đây là thực tế đáng lo ngại, làm dấy lên một hồi chuông báo động trong công tác giáo dục, quản lý người chưa thành niên ở gia đình, nhà trường và xã hội. Rõ ràng, trong bối cảnh Internet, phim ảnh đang tràn lan các vấn đề về bạo lực, rất cần một nhóm giải pháp đồng bộ, có sự tham gia của các cấp, các ngành liên quan, sự chung tay của cộng đồng, để hạn chế phạm tội ở người chưa thành niên. Nhiều vụ án do người chưa thành niên gây ra chỉ vì xuất phát từ những nguyên nhân đơn giản, như: va chạm, xích mích đời thường, lòng tham nổi lên, hiểu nhầm trong lời ăn, tiếng nói, cử chỉ...

Và cũng nhiều vụ án nếu chỉ cần có sự khuyên nhủ, động viên, can ngăn kịp thời của người thân, bạn bè, tội ác sẽ không xảy ra. Tòa án nhân dân tối cao đang chuẩn bị triển khai thành lập tòa án cho người chưa thành niên, thay vì xét xử người chưa thành niên chung với các đối tượng khác như hiện nay. Tòa án nhân dân tỉnh cũng luôn chú trọng công tác tuyên truyền, răn đe, cảnh báo, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân và nhất là lứa tuổi này thông qua các hình thức phiên tòa xét xử lưu động...

Trong các phiên tòa có bị cáo là người chưa thành niên, Tòa án nhân dân hai cấp luôn bố trí các thẩm phán giàu kinh nghiệm xét xử đối tượng đặc biệt này và lựa chọn bồi thẩm đoàn có kỹ năng, công tác trong các ngành liên quan đến người chưa thành niên.

P.V