.

Đôi điều về công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật

Thứ Năm, 20/08/2015, 10:26 [GMT+7]

(QBĐT) - Theo dõi tình hình thi hành pháp luật (THPL) nhằm xem xét, đánh giá thực trạng THPL, kiến nghị thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả THPL và hoàn thiện hệ thống pháp luật, bảo đảm các điều kiện cho THPL; tình hình tuân thủ pháp luật. Đây là một trong những nhiệm vụ được bổ sung cho ngành Tư pháp trong những năm gần đây.

 

Nâng cao kiến thức pháp luật, bồi dưỡng kỹ năng cho các chức danh bổ trợ tư pháp.
Nâng cao kiến thức pháp luật, bồi dưỡng kỹ năng cho các chức danh bổ trợ tư pháp.

Theo Nghị định số 59/2012/NĐ-CP, Sở Tư pháp, phòng Tư pháp, công chức tư pháp - hộ tịch cấp xã được giao nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện, công chức chuyên môn thuộc UBND cấp xã theo dõi tình hình THPL trong phạm vi quản lý ở địa phương (chưa kể nhiệm vụ quản lý công tác THPL về xử lý vi phạm hành chính theo Luật xử lý vi phạm hành chính và các văn bản hướng dẫn thi hành).

Qua 3 năm, mặc dù mới được giao 1 biên chế để thực hiện, lĩnh vực pháp luật cần theo dõi, kiểm tra rất rộng lớn  nhưng xác định đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng nên Sở Tư pháp vừa tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch, vừa chọn lĩnh vực trọng tâm  để theo dõi và bước đầu đã đạt được một số kết quả nhất định như: chất lượng các văn bản soạn thảo ngày càng được nâng cao, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất với hệ thống pháp luật hiện hành và phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội của địa phương; công tác phổ biến giáo dục pháp luật được tăng cường và bước đầu phát huy hiệu quả; tình hình tuân thủ pháp luật, áp dụng pháp luật của các cơ quan, cá nhân có thẩm quyền có nhiều chuyển biến; công tác điều tra xử lý tội phạm bảo đảm đúng quy định của pháp luật, không xảy ra tình trạng oan, sai, bức cung, nhục hình; công tác tiếp nhận người chấp hành xong án phạt tù về cư trú trên địa bàn toàn tỉnh luôn được chú trọng; tình hình vi phạm pháp luật mặc dù còn nhiều trên một số lĩnh vực, địa bàn nhưng đã giảm so với trước; các cơ quan chức năng đã làm tốt công tác hướng dẫn các đơn vị, địa phương thực hiện nghiêm túc pháp luật về thanh tra, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo và các văn bản hướng dẫn công tác thanh tra giải quyết khiếu nại, tố cáo, Luật phòng, chống tham nhũng; công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân, cơ quan có thẩm quyền đã xử lý kịp thời, chính xác, khách quan, công khai, dân chủ, đúng pháp luật.

Kể từ thời điểm Sở Tư pháp được giao thực hiện chức năng quản lý nhà nước về theo dõi tình hình THPL và xử lý vi phạm hành chính, các cơ quan có thẩm quyền đã xử lý 146.249 vụ vi phạm hành chính với 147.274 đối tượng và thu được trên 180 tỷ đồng. Các vụ việc được phát hiện đều được cơ quan, người có thẩm quyền xử lý theo đúng trình tự, thủ tục, thẩm quyền theo quy định pháp luật. Số vụ vi phạm phổ biến tập trung vào các lĩnh vực: trật tự an toàn xã hội, trật tự an toàn giao thông, quản lý, bảo vệ rừng, tài chính, thuế...

Tuy nhiên, hiện nay công tác theo dõi tình hình THPL vẫn còn những bất cập, khó khăn nhất định như: các điều kiện bảo đảm cho công tác theo dõi THPL vẫn còn hạn chế về tổ chức bộ máy, nguồn nhân lực, kinh phí, cơ sở vật chất.

Hơn nữa, việc theo dõi THPL là lĩnh vực mới, hiện nay tuy đã có Nghị định 59/2012/NĐ-CP và Thông tư 14/2014/TT-BTP hướng dẫn thực hiện nhưng phạm vi, lĩnh vực pháp luật và các văn bản pháp luật được ban hành thường xuyên, liên tục ở cả 4 cấp với khối lượng lớn, vì vậy hoạt động theo dõi THPL rất rộng, vừa đòi hỏi tính chuyên sâu, vừa bảo đảm tính xuyên suốt nhưng thực tế chủ yếu do các ngành tiến hành độc lập theo chức năng nhiệm vụ được giao, cơ chế phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị chưa được xây dựng để triển khai thực hiện nên khó khăn trong việc đánh giá tình hình, tổng hợp số liệu đầy đủ, toàn diện công tác theo dõi THPL trên địa bàn.

Ngoài ra, một số văn bản quy định chi tiết của các cơ quan cấp trên còn nhiều bất cập như: các văn bản trong lĩnh vực công chứng, chứng thực...; nhiều lĩnh vực thí điểm chưa có văn bản điều chỉnh hoặc điều chỉnh chưa thống nhất như: quản lý kinh doanh xe ô tô điện 4 bánh, chi quản lý dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường...; một số nghị định về xử lý vi phạm hành chính đã được Chính phủ ban hành nhưng chưa có thông tư hướng dẫn nên khó áp dụng trên thực tế...

Để nâng cao hơn nữa hiệu quả tình hình THPL trong thời gian tới, chính quyền địa phương các cấp cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật; đồng thời mỗi cán bộ, công chức, viên chức, nhất là người thi hành công vụ và mọi tầng lớp nhân dân phải tự giác chấp hành pháp luật, nói không với vi phạm pháp luật; tăng cường công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra việc THPL ở địa phương, trong đó đề cao hoạt động giám sát của HĐND và nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra của UBND các cấp; nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng nắm bắt và xử lý vụ việc cho đội ngũ cán bộ, công chức đang thi hành công vụ; tăng cường đầu tư các nguồn lực  cho việc tổ chức thực hiện pháp luật, nhất là bổ sung thêm biên chế theo quy định cho ngành Tư pháp để thực hiện đồng bộ nhiệm vụ này. Đồng thời khắc phục tình trạng pháp luật được ban hành nhưng thiếu tính khả thi, dẫn đến tình trạng hình thức, ảnh hưởng đến hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước bằng pháp luật...

P.V