.

Công tác phòng chống tội phạm trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng: Những khó khăn và vướng mắc

Thứ Năm, 05/03/2015, 21:15 [GMT+7]

(QBĐT) - Với tổng diện tích rừng và đất rừng khá lớn (621.056 ha), chiếm 77% diện tích tự nhiên và đứng đầu cả nước về độ che phủ rừng, để bảo vệ tốt nguồn tài nguyên rừng, những năm qua cùng với các cơ quan chức năng và địa phương, lực lượng Kiểm lâm đã nỗ lực thực hiện hiệu quả công tác phòng chống tội phạm trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng. Tuy nhiên quá trình triển khai vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, ảnh hưởng đến hiệu quả công tác phòng chống tội phạm trên lĩnh vực này.

Số liệu thống kê cho thấy, từ năm 2011 đến nay, lực lượng Kiểm lâm tỉnh đã phát hiện, lập hồ sơ ban đầu có dấu hiện vi phạm pháp luật chuyển cơ quan cảnh sát điều tra khởi tố 13 vụ vi phạm trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản; tiến hành xử phạt trên 1.700 vụ việc vi phạm hành chính. Từ những con số nêu trên có thể thấy được mức độ "nóng" của vi phạm trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng. Trong đó những vụ việc đã trở thành tâm điểm của dư luận cả nước như vụ 3 cây gỗ huê ở Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng bị lâm tặc đốn hạ.

Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Hồng Thái, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp-Phát triển nông thôn, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết: Để hạn chế tình trạng vi phạm pháp luật trong lĩnh vực quản lý và bảo vệ rừng, những năm qua Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã tích cực phối hợp cùng các cơ quan chức năng, các đơn vị chủ rừng tăng cường các biện pháp bảo vệ.

Mặt khác ngành chỉ đạo kiểm lâm địa bàn bám dân, bám chính quyền, tạo thế trận toàn dân bảo vệ rừng, góp phần hạn chế tình trạng khai thác, mua bán, cất giữ, vận chuyển lâm sản trái phép và chống người thi hành công vụ, bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh.

Tuy nhiên tình trạng vi phạm pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng vẫn diễn biến phức tạp tại một số địa phương trong tỉnh. Các đối tượng vi phạm thường sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi như thuê người dân địa phương khai thác, thu gom, tập kết gỗ tại những địa điểm bí mật rồi vận chuyển đi tiêu thụ.

Để tránh bị lực lượng chức năng phát hiện, các đối tượng thường xuyên thay đổi thời gian, phương thức, phương tiện vận chuyển. Một số thủ đoạn khá phổ biến của các đối tượng là dùng xe khách, xe cải hoán, dùng biển số giả, giấu gỗ dưới các loại hàng hoá, sử dụng giấy tờ hợp pháp để quay vòng nhiều lần, kết gỗ chìm dưới bè tre, nứa. Đối với các loại gỗ quý hiếm, các đối tượng còn sơ chế thành kích thước nhỏ gọn rồi cho vào túi xách, ba lô.

Lực lượng chức năng huyện Minh Hoá thu giữ gỗ khai thác trái phép.
Lực lượng chức năng huyện Minh Hoá thu giữ gỗ khai thác trái phép.

Đặc biệt, khi bị phát hiện, một số đối tượng vi phạm còn tổ chức các đám đông, trong đó có cả người già, phụ nữ và trẻ em tham gia chống trả nhằm gây khó khăn, cản trở cho lực lượng chức năng. Cá biệt có vụ việc những đối tượng này còn tấn công lực lượng kiểm lâm để tẩu tán tang vật, phương tiện.

Trước thực trạng trên, thời gian qua Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã thường xuyên phối hợp với cơ quan chức năng trong tỉnh để giải quyết các vụ việc vi phạm về quản lý và bảo vệ rừng, trong đó đặc biệt chú trọng các vụ vi phạm có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự. Tuy nhiên quá trình triển khai nhiệm vụ trên lĩnh vực này đã gặp phải nhiều khó khăn vướng mắc. Đó là Chi cục Kiểm lâm với chức năng là cơ quan điều tra khác hiện không có chức danh điều tra viên.

Do đó khi khởi tố vụ án và tiến hành các hoạt động điều tra theo quy định của Bộ luật tố tụng Hình sự như lấy lời khai, khám nghiệm hiện trường, triệu tập đối tượng... thường không có người để trực tiếp thực hiện, mà công việc này phải do người có thẩm quyền quyết định khởi tố vụ án trực tiếp thực hiện, trên thực tế đã gây nhiều khó khăn trong công tác điều tra.

Bên cạnh đó, các văn bản hướng dẫn dưới luật cũng chưa quy định cụ thể thẩm quyền Kiểm lâm bắt, bắt khẩn cấp và tạm giao theo thủ tục tố tụng hình sự, về điều kiện bảo đảm như nhà tạm giữ, tạm giam, chế độ cho cán bộ điều tra, kinh phí phục vụ điều tra, bảo quản vật chứng... cũng là những nguyên nhân gây khó khăn cho công tác điều tra.

Một khó khăn nữa là theo Pháp lệnh tổ chức điều tra hình sự của Quốc hội năm 2004, tại điều 21, chương III, mục C quy định: Đối với tội phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng hoặc tội phạm ít nghiêm trọng nhưng phức tạp thì ra quyết định khởi tố vụ án, khám nghiệm hiện trường, khám xét, lấy lời khai, thu giữ, tạm giữ và bảo quản vật chứng, tài liệu liên quan trực tiếp đến vụ án, chuyển hồ sơ vụ án cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền trong thời hạn bảy ngày, kể từ ngày ra quyết định khởi tố vụ án; đối với tội phạm ít nghiêm trọng, thời hạn này là hai mươi ngày. Trên thực tế, với thời hạn này, lực lượng Kiểm lâm đã gặp không ít khó khăn.

Điển hình nhất là vụ việc ba cây gỗ huê bị đốn hạ trong Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng. Chỉ tính riêng thời gian đi đến hiện trường đã mất từ hai đến ba ngày. Quá trình thu giữ, tạm giữ và bảo quản vật chứng, tài liệu liên quan, triệu tập đối tượng để lấy lời khai... không thể hoàn thành đúng thời gian quy định, ảnh hưởng đến cả tiến trình của vụ án.

Cùng với những khó khăn nêu trên, trong quá trình triển khai nhiệm vụ, lực lượng Kiểm lâm còn gặp nhiều lúng túng khi một số văn bản hướng dẫn dưới luật chưa quy định cụ thể thẩm quyền bắt, bắt khẩn cấp và tạm giam theo thủ tục tố tụng hình sự. Một số thông tư, mà cụ thể là Thông tư số 19/2007/TTLT/BNN và PTNT-BTP-BCA-VKSNDTC-TANDTC hướng dẫn một số điều của Bộ luật Hình sự về các tội phạm trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản còn chồng chéo và bất cập. Việc một số hành vi chỉ mới quy định theo định tính mà chưa có định lượng và hướng dẫn cụ thể đã gây ra sự lúng túng trong quá trình xử lý các vụ việc...

Bên cạnh những khó khăn mang tính khách quan nêu trên, trong quá trình triển khai nhiệm vụ, vẫn còn câu hỏi có hay không việc lực lượng Kiểm lâm còn bỏ lọt tội phạm. Trả lời câu hỏi này, ông Phạm Hồng Thái khẳng định: Tình trạng bỏ lọt tội phạm trên lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng, quản lý lâm sản liên quan đến trình độ chuyên môn và phẩm chất đội ngũ cán bộ. Để hạn chế tình trạng này, thời gian qua ngành Kiểm lâm đã chú trọng đẩy mạnh công tác xây dựng lực lượng. Song song với việc nâng cao trách nhiệm đội ngũ cán bộ, thời gian qua, ngành đã xử lý kỷ luật một Hạt phó Kiểm lâm, buộc thôi việc một kiểm lâm viên.

Từ những khó khăn nêu trên, để triển khai tốt nhiệm vụ quản lý và bảo vệ rừng, quản lý lâm sản, ngành Kiểm lâm đã có các kiến nghị, đề xuất trình cơ quan chức năng như bổ sung chức danh trợ lý điều tra viên; tăng thẩm quyền và thời gian điều tra đối với các vụ việc; mở rộng quyền hạn điều tra của cơ quan Kiểm lâm theo hướng bắt khẩn cấp, tạm giữ và quyền hạn điều tra đối với một số tội theo quy định; các bộ, ngành cần có sự sửa đổi, bổ sung để thống nhất trong các văn bản hướng dẫn, bảo đảm tính thống nhất và đồng bộ với Bộ luật Hình sự và các văn bản pháp luật khác...

Ngọc Mai