.
Ký sự pháp đình:

Đất chị, đất em...

Thứ Bảy, 17/01/2015, 08:11 [GMT+7]

(QBĐT) - Thấy nhà của gia đình em chồng ở bên cạnh hư hỏng, dột nát, trong khi nhà mình không có ai trông nom, chị H- là chị dâu đã thương tình cho sang nhà mình ở nhờ, rồi cho "bứng" ngôi nhà về làm nhà ở. 7 năm sau trở về, vợ chồng người em không cho chị dâu của mình vào ở mảnh đất nói trên... Tình nghĩa chị dâu, em chồng tròn vành vạnh trước đây cũng vì vậy mà đứng trước sự tan vỡ không gì níu kéo được.

Em “ngã” chị “nâng”...

Trước năm 1989, chị H. có một ngôi nhà ở cố định bằng gỗ 3 gian trên diện tích đất liền kề với đất của người em chồng. Khi vợ chồng người em kết hôn, do chưa có nhà ở nên chị H. đã cho vợ chồng em ở nhờ nhà mình. 3 năm sau, vợ chồng người em ra dựng nhà ở riêng trên mảnh đất bên cạnh.

Được một thời gian, chị H. sang nhà con gái ở. Lúc này nhà tạm của vợ chồng người em bị hư hỏng nặng, thôi thì em “ngã” chị “nâng”, chị H. lại cho gia đình người em sang ở nhờ. Được ít năm, người em dỡ luôn nhà chị sang để làm nhà mới cho mình. Nghĩ tình chị em, một lần nữa, chị dâu đồng ý.

Năm 1993, thực hiện Nghị định 94 và chính sách dồn điền đổi thửa của Chính phủ (tháng 11-2005), UBND huyện Minh Hóa cấp đất ở và đất trồng cây lâu năm bao gồm cả đất của chị H. cho vợ chồng người em. Năm 2010, chị H. trở về quê để sinh sống, nhưng vợ chồng người em một mực khăng khăng không cho chị ở. Vợ chồng người em nêu lý do, đất này đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho gia đình mình nên chị H. không có đất ở đây. Các cuộc hòa giải giữa 2 bên đều không thành.

Chị H. liền mang đơn đến tòa để phân xử. Tại phiên tòa, con gái của chị H. được sự ủy quyền của mẹ đã trình bày: “Mẹ tôi đã có đất ở và nhà ở cố định trên đất từ năm 1960. Tại tờ bản đồ 299 xã Yên Hóa, đất mẹ tôi thuộc thửa đất số 824, có diện tích 470m². Thửa đất 825, liền kề đất ở về phía đông là đất vườn và nhà ở của vợ chồng chú thím tôi, có diện tích 930m². 

Năm 1993, mẹ tôi đi trông cháu cho tôi ở xã Quy Hóa (Minh Hóa), nhưng vẫn thường xuyên lui tới trông coi, chăm sóc cây cối trong vườn. Lúc này nhà ở của chú tôi bị hư hỏng nặng, nên mẹ tôi đã cho chú sang ở nhờ nhà của bà. Năm 2010, mẹ tôi trở về quê để ở, nhưng chú thím không cho bà ở.

Biết mình đuối lý, bị đơn một mực khăng khăng không cho thẩm phán và cán bộ tòa án lập biên bản ghi lời khai. Nhưng qua các biên bản tự khai và biên bản hòa giải, Tòa án cấp sơ thẩm đã buộc bị đơn phải trả lại 490m² đất cho nguyên đơn, đồng thời hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của bị đơn. Không chấp nhận quyết định của Tòa án, bị đơn tiếp tục có đơn gửi tòa phúc thẩm.

Giọt nước tràn ly

Vợ chồng nguyên đơn tóc đã bạc trắng một mực lấy lý do, huyện đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mình rồi, nên phán quyết của Tòa sơ thẩm là không đúng. Tại phiên tòa phúc thẩm này, vợ chồng người em là nguyên đơn.

Tòa hỏi: - Nguyên đơn có làm đơn xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không?

- Không, nguyên đơn trả lời.

- Có phải trước năm 1989, thửa đất bên cạnh đó là đất và nhà của chị dâu nguyên đơn không?

- Có, nhưng sau đó, chị dâu tôi đã chuyển về ở với con gái.

- Biết đó là đất của chị mình, nhưng tại sao nguyên đơn vẫn làm giấy chứng nhận quyền sử dụng thửa đất đó nhập vào thửa đất mình.

- Chúng tôi không làm, mà do Ban 64 của thôn và xã làm rồi đề nghị lên huyện. Hơn nữa, lúc đó chị dâu tôi đã chuyển sang ở với con gái nên không có hộ khẩu tại địa phương nên người ta mới làm cho tôi.

- Nhưng tại bản đồ địa chính xã trước đó, vẫn thể hiện thửa đất đó có 2 thửa, một thửa của nguyên đơn và một thửa là của bị đơn. Vậy mà sau khi cấp đất lại chỉ còn một thửa. Trong khi đó, nhiều hàng xóm xung quanh vẫn xác nhận đó là đất của bị đơn.

Trả lời trước tòa về việc cấp đất của bị đơn cho nguyên đơn, vị cán bộ đại diện phòng Tài nguyên và môi trường huyện Minh Hóa lúng túng cho rằng, về việc này huyện không biết. Về quy trình cấp đất là không sai. Nhưng do cấp xã không kiểm tra và xác minh nguồn gốc đất trước khi đề xuất lên huyện để cấp đất cho nguyên đơn.

Tòa cũng cho rằng, chính vì sự tắc trách, làm việc thiếu kiểm tra thực tế của các cơ quan chức năng đã đẩy sự việc đến sự tranh chấp đất đai ngày hôm nay.

Đuối lý hoàn toàn, nên lúc này vợ chồng nguyên đơn cùng đứng dậy cắt ngang và tranh cãi kịch liệt với hội đồng xét xử. Hội đồng xét xử chuyển sang hỏi bị đơn: Mẹ bị đơn có cho nguyên đơn là chú của mình đất và nhà không? - Mẹ tôi chỉ cho nhà chứ không cho đất, đại diện bị đơn trả lời.

Nghe vậy, vợ chồng nguyên đơn vội đứng dậy hùng hổ nói bạt ngang: “Đã đến nước này thì không chị em gì nữa”. Thấy thái độ ứng xử bất cần của thân chủ, luật sư bào chữa cho nguyên đơn vội đứng dậy cắt lời: “Nguyên đơn nói như thế là không đúng. Nguyên đơn đã lớn tuổi, đáng lẽ nguyên đơn phải ứng xử như thế nào cho trọn nghĩa vẹn tình. Dù thế nào đi nữa cũng là máu mủ ruột rà với nhau cả. Lúc nguyên đơn vất vả, chị H. đã hết lòng giúp đỡ. Sao bây giờ lại làm vậy”.

Không chút suy nghĩ vợ chồng nguyên đơn vội tuyên bố thẳng thừng: “Nếu tòa ở đây giải quyết không đúng, tôi sẽ đi tòa khác. Còn Tòa muốn tuyên như thế nào thì tuyên”. 

Sau khi nghe, Hội đồng xét xử tuyên y án sơ thẩm, nguyên đơn liếc xéo sang bị đơn, rồi ai đi đường nấy như những người xa lạ, không quen biết nhau.

Dương Công Hợp