.

Y án 10 năm tù cho hung thủ giết người ở Xuân Trạch

Thứ Hai, 17/11/2014, 17:18 [GMT+7]

(QBĐT) - Sáng 17-11, tại Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh, TAND Tối cao tại Đà Nẵng mở phiên tòa hình sự phúc thẩm xét xử bị cáo Trần Văn Bình (SN 1999, trú tại thôn 1, xã Xuân Trạch, huyện Bố Trạch) về tội "Giết người".

>> 10 năm tù cho kẻ giết bé gái ở Xuân Trạch

Bị cáo Trần Văn Bình kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.
Bị cáo Trần Văn Bình kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.

Trước đó, vào ngày 27-8-2014, tại phiên tòa hình sự sơ thẩm, bị cáo Trần Văn Bình bị TAND tỉnh Quảng Bình xét xử về tội “Giết người”. Theo nội dung bản án cấp sơ thẩm, vụ việc xảy ra khoảng 15 giờ ngày 9-2-2014, trong lúc Bình đang chăn bò tại khu nhà ở cũ của công nhân làm đường Hồ Chí Minh.

Khi thấy cháu Lê Thị Quyên (SN 2002) đứng ở gần đó, Bình đã đến đòi quan hệ tình dục nhưng không thành. Bị phản ứng quyết liệt, lại sợ cháu Quyên mách mẹ, Bình đã sử dụng đá đánh vào đầu cháu Quyên. Hậu quả khiến cháu Quyên tử vong. Sau đó, Bình đã lấy xe đạp của cháu Quyên đem giấu dưới cống thoát nước đường Hồ Chí Minh rồi lùa bò về nhà. Đến khoảng 18 giờ cùng ngày, do không thấy cháu Quyên về nên gia đình cháu đã đi tìm, khoảng 19 giờ 40 phút thì phát hiện thi thể cháu Quyên tại địa điểm nói trên.

Tại phiên tòa sơ thẩm, bị cáo Bình đã thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình. Tuy nhiên, do bị cáo chưa đủ 16 tuổi và qua quá trình điều tra, thu thập chứng cứ thấy Trần Văn Bình là đối tượng thuộc diện được hưởng trợ cấp xã hội vì bị hạn chế về nhận thức và điều khiển hành vi (Trần Văn Bình bị chậm phát triển tâm thần mức độ trung bình (F71), theo kết quả giám định pháp y, tâm thần) nên hội đồng xét xử đã tuyên phạt Trần Văn Bình 10 năm tù giam về tội “Giết người” và buộc gia đình bị cáo phải bồi thường cho gia đình bị hại hơn 129 triệu đồng.

Tại phiên tòa phúc thẩm, Luật sư Diệp Kiến Trúc, người đại diện bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho bà Lê Thị Cúc (mẹ cháu Lê Thị Quyên) cho rằng, mức án về tội “Giết người” mà tòa án cấp sơ thẩm áp dụng đối với bị cáo là chưa tương xứng với hành vi phạm tội của bị cáo. Bởi, dù bị hạn chế về khả năng nhận thức, hành vi, nhưng bị cáo cũng biết được việc nạn nhân mách mẹ, sẽ bị bại lộ, vì vậy y đã dùng đá để đánh nạn nhân đến tử vong. Hơn nữa, sau khi nạn nhân bị tử vong, bị cáo còn mang xe đạp của nạn nhân giấu dưới cống thoát nước để che giấu hành vi phạm tội của mình.

Ngoài ra, bản án sơ thẩm đã bỏ lọt tội “Hiếp dâm trẻ em” chưa đạt của bị cáo. Vì mục đích đầu tiên của bị cáo khi đến vị trí của nạn nhân và dùng vũ lực là để giao cấu với nạn nhân. Và chính vì, khi không thực hiện được ý định giao cấu đó của mình, mặt khác sợ bị lộ, nên y đã đánh nạn nhân tử vong.

Cũng tại phiên tòa phúc thẩm, Bình cũng có đơn kháng cáo với nội dung xin giảm nhẹ hình phạt để sớm trở về với gia đình.

Tuy nhiên, qua hồ sơ, tài liệu và các chứng cứ tranh luận tại phiên tòa, Hội đồng xét xử TAND Tối cao tại Đà Nẵng cho rằng: Hành vi phạm tội của Trần Văn Bình là đặc biệt nghiêm trọng và nguy hiểm cho xã hội; gây tâm lý hoang mang lo lắng và phẫn nộ trong dư luận; cần phải xử lý nghiêm minh trước pháp luật. Vì vậy, hội đồng xét xử đã tuyên bác đơn kháng cáo của Trần Văn Bình.

Còn về nội dung kháng cáo của gia đình người bị hại, xét thấy tội “Hiếp dâm trẻ em” của Trần Văn Bình là không có căn cứ nên không xem xét. Hội đồng xét xử TAND Tối cao tại Đà Nẵng tuyên giữ nguyên bản án sơ thẩm.

D.C.H