.

Những lá thư từ trại tạm giam

Thứ Năm, 06/11/2014, 16:48 [GMT+7]

(QBĐT) - Rất nhiều lá thư xin lỗi được viết từ chính những người đang thi hành án tại Trại tạm giam Công an tỉnh.  Đó là những lá thư đẫm nước mắt được gửi cho thân nhân người bị hại, cho gia đình của phạm nhân. Để rồi sự  giày vò và cắn rứt, nỗi sợ hãi của chính bản thân phạm nhân  được giải bày, sẻ chia.

>> Hạn chế tội phạm cướp, cướp giật tài sản nhìn từ ý thức của người dân

Các phạm nhân đang viết thư.
Các phạm nhân đang viết thư.

Phạm nhân Nguyễn Ngọc Dình (SN 1971), ở xã Bắc Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình đang chấp hành án phạt tù 5 năm về tội giết người tại Trại tạm giam Công an tỉnh.

Trong lá thư Dình viết cho người nhà bị hại là nỗi ân hận, giày vò lương tâm. Dình đã viết: “Nếu như ngày đó tôi không mất đi lý trí , biết kiềm chế lòng mình thì có lẽ mọi chuyện sẽ tốt đẹp  hơn. Anh chị được sống hạnh phúc bên gia đình, còn tôi cũng được đầm ấm dưới mái nhà và những đứa trẻ”.

Lá thư của phạm nhân Nguyễn Ngọc Dình là một trong số rất nhiều lá thư xin lỗi đã được viết từ chính những  người đang thi hành án tại Trại tạm giam Công an tỉnh. Có những lá thư đẫm nước mắt của phạm nhân viết cho vợ con, cha mẹ và cả chính quyền địa phương. Đó là nỗi giày vò và cắn rứt của những phạm nhân lầm lỗi. Là nỗi sợ hãi của chính bản thân họ khi đối diện với thân nhân người bị hại. “Viết thư xin lỗi” cũng  là 1 cách để họ xóa đi mặc cảm của bản thân với gia đình bị hại và tội lỗi mà họ đã gây ra.

Gia đình  chị Hồ Thị Hồng ở thôn Thanh Khê,  xã Thanh Trạch, huyện Bố Trạch  đã rất bất ngờ khi nhận được lá thư của phạm nhân Nguyễn Ngọc Dình. Chị Hồ Thị Hồng tâm sự trong nước mắt với chúng tôi: “Khi nhận được lá thư của kẻ giết hại con trai mình, nỗi đau như  xé lòng thêm lần nữa hiện hữu, dày vò tôi. Nhưng đọc những lời lẽ trong thư, thấy Dình đã thực sự ăn năn, hối hận. Vợ chồng tôi nghĩ đã đến lúc khép lại chuyện buồn để tha thứ cho Dình”.

Còn đối với gia đình ông Đinh Xuân Diệu, ở phường Bắc Lý, thành phố Đồng Hới thì ngay khi nhận được lá thư xin lỗi của đứa con trai lầm lỡ, ông bà đã  rất xúc động, ngỡ như mình được hồi sinh  thêm lần nữa. Trong lá thư viết về cho gia đình, phạm nhân Đinh Xuân Trãi đang chấp hành án phạt tù tại Trại tạm giam công an tỉnh đã viết: “Có lẽ con đã nhận ra những sai lầm của quá khứ. Con sẽ xem đây là vấp ngã đầu đời. Nó sẽ làm con thay đổi và trưởng thành hơn, sống tốt hơn".

Khi sự lầm lỗi được sẻ chia và tha thứ thì con người trở nên thanh thản hơn. Đối với những phạm nhân tại Trại tạm giam Công an tỉnh thì dẫu không thể chuộc lại những mất mát đã gây ra cho người bị hại, cho gia đình nhưng việc viết thư xin lỗi cũng là cách để họ tìm lại sự cảm thông, sẻ chia từ mọi người.

Thượng tá Nguyễn Xuân Thảo, Phó giám thị, Trại tạm giam Công an tỉnh cho biết: Viết thư xin lỗi là cầu nối để giúp mỗi phạm nhân hướng thiện. Đây cũng là một việc làm hết sức ý nghĩa, nhân văn. Bởi sự tha thứ không chỉ giúp cho phạm nhân được giải tỏa nỗi lòng để tập trung cải tạo thành người lương thiện mà còn giúp cho toàn xã hội bớt đi một tội phạm.

Ngọc Oanh