.

Phòng, chống tham nhũng: Có chuyển biến nhưng hiệu quả chưa cao

Thứ Sáu, 10/10/2014, 14:12 [GMT+7]

(QBĐT) - Theo đánh giá chung của UBND tỉnh, công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) 9 tháng đầu năm 2014 tuy có chuyển biến tích cực, song vẫn còn bộc lộ một số hạn chế, hiệu quả chưa cao. Đặc biệt, chưa thực sự ngăn chặn, đẩy lùi tình hình tham nhũng.

Tiếp tục có chuyển biến...

Theo đánh giá chung của UBND tỉnh, công tác PCTN 9 tháng đầu năm 2014 trên địa bàn tỉnh ta có chuyển biến tích cực. Cấp ủy, chính quyền các địa phương, cơ quan, tổ chức, đơn vị đã tổ chức nhiều hoạt động nhằm nâng cao ý thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân trong công tác đấu tranh phòng ngừa tham nhũng.

Theo đó, công tác quán triệt, tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật được các cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp tục quan tâm; tích cực tham mưu giúp thủ trưởng cùng cấp đẩy mạnh thực hiện các chủ trương của Ban chỉ đạo PCTN Trung ương, Chương trình hành động của Chính phủ, Thanh tra Chính phủ, Tỉnh uỷ và của UBND tỉnh gắn với việc tiếp tục thực hiện "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về công tác PCTN, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về PCTN được cấp uỷ, chính quyền các cấp chú trọng, với nhiều hình thức phong phú, đa dạng và hiệu quả. Nhờ vậy, nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân về công tác PCTN tiếp tục được nâng cao.

Kết quả thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng cũng đã có chuyển biến nhất định. Thể hiện rõ qua việc các cơ quan, tổ chức, đơn vị và địa phương tiếp tục xây dựng và tổ chức thực hiện công khai, minh bạch trong hoạt động nội quy, quy chế, quy hoạch, kế hoạch quản lý, sử dụng đất; tài chính, đấu thầu các công trình xây dựng cơ bản, tiếp nhận, bố trí, sử dụng, đề bạt, bổ nhiệm và quản lý cán bộ; quy trình, thủ tục, thời gian giải quyết công việc, các thủ tục hành chính... qua đó đã tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ và nhân dân tham gia quản lý, giám sát các vấn đề nói trên.

Việc thực hiện các quy định về minh bạch tài sản và thu nhập tiếp tục được các cấp ủy đảng, chính quyền trong tỉnh quan tâm; chỉ đạo các cơ quan, địa phương, đơn vị thực hiện việc kê khai tài sản, thu nhập và công khai kết quả kê khai năm 2013 theo quy định.

Cụ thể, về kê khai tài sản, thu nhập đã có 60/60 cơ quan, tổ chức, đơn vị tổ chức thực hiện việc kê khai và có 7.624 người/7.624 người  phải kê khai tài sản đã thực hiện việc kê khai tài sản. Đối với việc công khai kết quả kê khai tài sản theo quy định tại Nghị định 78/2013/NĐ-CP, ngày 17-7-2013 của Chính phủ, Thông tư số 08/TT-TTCP, ngày 31-10-2013 của Thanh tra Chính phủ, các đơn vị đã thực hiện công khai bản kê khai tài sản, thu nhập.

Trong đó số bản kê khai được công khai bằng hình thức niêm yết là  3.584 bản (chiếm tỷ lệ 47,14%), số bản kê khai được công khai bằng hình thức công bố tại cuộc họp là 4.388 bản (chiếm tỷ lệ 57,72%), số bản kê khai chưa được công khai theo thời gian quy định 391 bản thuộc UBND huyện Bố Trạch (chiếm 5,14%).

Từ dư luận phản ánh, Công an tỉnh đã vào cuộc điều tra làm rõ những sai phạm nghiêm trọng trong việc quản lý xây dựng công trình nhà bán trú dân nuôi ở xã Dân Hóa (Minh Hóa).
Từ dư luận phản ánh, Công an tỉnh đã vào cuộc điều tra làm rõ những sai phạm nghiêm trọng trong việc quản lý xây dựng công trình nhà bán trú dân nuôi ở xã Dân Hóa (Minh Hóa).

Thực hiện vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong việc PCTN, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND các huyện, thành phố, thị xã triển khai thực hiện nghiêm túc việc xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức vi phạm pháp luật trong hoạt động công vụ, nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ, góp phần thực hiện có hiệu quả công tác PCTN, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Qua công tác thanh tra, kiểm tra, chưa phát hiện các vụ việc tham nhũng nên chưa có xử lý trách nhiệm người đứng đầu, nhưng cũng qua công tác thanh tra, kiểm tra đã phát hiện sai phạm trong quản lý và đã kiến nghị tổ chức kiểm điểm, xử lý hành chính đối với các tập thể và cá nhân có sai phạm.

Hiện các sở, ban, ngành cấp tỉnh, các địa phương, đơn vị đang tiếp tục việc rà soát, bổ sung, sửa đổi quy chế làm việc cho phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ, đặc biệt chú trọng đến trách nhiệm của người đứng đầu; đổi mới tác phong, lề lối làm việc và phong cách chỉ đạo, điều hành, nâng cao tính chuyên nghiệp, kỹ năng hành chính cho cán bộ, công chức; cải tiến chế độ hội họp, giảm bớt giấy tờ hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước. Công tác thanh tra, kiểm tra, điều tra, truy tố xét xử được tăng cường và đã có sự phối hợp chặt chẽ. Một số vụ việc được phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm túc, thu hồi tài sản do hành vi vi phạm gây ra.

... Nhưng hiệu quả còn thấp

Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, mặc dù các cấp, ngành, địa phương, đơn vị... đã có nhiều cố gắng, nỗ lực trong triển khai thực hiện các quy định của Đảng và Nhà nước về PCTN, tuy nhiên do tính chất khó khăn, phức tạp của công tác PCTN, vì vậy đến nay việc thực hiện công tác PCTN còn bộc lộ một số hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu, hiệu lực, hiệu quả chưa cao, chưa thực sự ngăn chặn, đẩy lùi tình hình tham nhũng.

Nguyên nhân trước hết là do còn nhiều địa phương, đơn vị chưa thật sự quan tâm đến công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các quy định của pháp luật về PCTN, lãng phí đến cán bộ, công chức, viên chức và người lao động.

Việc thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, nhất là việc công khai, minh bạch trong hoạt động ở một số cơ quan, tổ chức, đơn vị còn mang tính hình thức. Cụ thể, việc tổ chức thực hiện kê khai tài sản, thu nhập và công khai bản kê khai ở một số cơ quan, tổ chức, đơn vị chậm và còn nặng về tính hình thức, mà chưa có các giải pháp kiểm tra, xác minh việc kê khai tài sản, thu nhập.

Cùng với đó, việc báo cáo kê khai minh bạch tài sản, thu nhập chưa kịp thời. Đến nay mới có 16/77 vị trí đã thực hiện chuyển đổi vị trí công tác theo quy định và còn 22/32 cơ quan, đơn vị, địa phương (chiếm tỷ lệ 68,75%) chưa thực hiện nghiêm túc nghị định của Chính phủ và hướng dẫn của UBND tỉnh nên việc triển khai chuyển đổi, vị trí công tác tỷ lệ đạt thấp.

Vấn đề đáng nói là tình hình tham nhũng vẫn xảy ra với thủ đoạn tinh vi, phức tạp và ngày càng khó phát hiện, trong khi cơ chế, khả năng phòng ngừa, phát hiện để xử lý  tham nhũng đạt hiệu quả rất  thấp và đang gặp nhiều khó khăn. Công tác phối hợp trong đấu tranh PCTN của các cấp, ngành chưa đồng bộ, chưa chặt chẽ và thực hiện chế độ thông tin về PCTN chưa kịp thời. Tổ chức và hoạt động của các cơ quan chuyên trách về PCTN chưa đủ mạnh về lực lượng, cơ sở vật chất, trang thiết bị... để làm nòng cốt cho cuộc đấu tranh chống tham nhũng.

Một vấn đề mà dư luận hết sức bức xúc và đang đặt ra câu hỏi, đó là tại sao việc tự kiểm tra, phát hiện và xử lý các hành vi tham nhũng, tiêu cực trong nội bộ các cơ quan, đơn vị, địa phương còn yếu và đến nay chưa tự phát hiện được trường hợp nào.

Trong lúc đó, các vụ việc tham nhũng chủ yếu là do báo chí và quần chúng nhân dân phát hiện, cung cấp thông tin, cơ quan điều tra phát hiện. Tình trạng nhũng nhiễu, vòi vĩnh chưa giảm. Việc phát hiện sai phạm tham nhũng, lãng phí ở một số lĩnh vực mà dư luận quan tâm còn quá ít, nhất là tham nhũng trong lĩnh vực ngân hàng, tài chính, ngân sách, dự án đầu tư, cấp phép xây dựng, giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất...

Theo đề xuất của một số cán bộ, bạn đọc có tâm huyết đối với công cuộc PCTN thì, các cơ quan chức năng cần thực hiện ngay các vấn đề sau: Đề xuất việc hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, pháp luật trên các lĩnh vực, trong đó chú trọng các lĩnh vực có nguy cơ tham nhũng cao. Tăng cường tính công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan Nhà nước, hoàn thiện pháp luật về PCTN. Tăng cường địa vị pháp lý và  trách nhiệm, nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ quan chuyên trách về PCTN.

Trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về PCTN còn khá nhiều thủ trưởng cơ quan, đơn vị chưa phát huy hết vai trò, trách nhiệm của mình, thậm chí là chưa quyết liệt và còn buông lỏng trách nhiệm của người đứng đầu.

Trong quá trình xử lý các vụ việc tham nhũng, đa phần chưa làm tốt việc xem xét, làm rõ và xử lý trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị đối với việc thực hiện sai hoặc có sai phạm trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về PCTN... Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân gián tiếp làm cho việc kiểm tra, thanh tra phát hiện tham nhũng kém hiệu quả...

Bùi Thành