.

Luật Thi hành án dân sự hiệu quả và vướng mắc

Thứ Sáu, 04/07/2014, 16:56 [GMT+7]

(QBĐT) - Có thể nói, trong những năm gần đây, sự ra đời của Luật Thi hành án dân sự (THADS) 2008 đã tạo được bước chuyển biến cơ bản cho ngành THADS trên địa bàn tỉnh ta thực hiện có hiệu quả hơn. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt đã đạt được, trong quá trình triển khai thực hiện Luật THADS đã gặp nhiều khó khăn, vướng mắc cần có điều chỉnh để phù hợp với những hoạt động thực tiễn. 

Những chuyển biến tích cực

Đối với các cơ quan THADS trên địa bàn tỉnh, sau hơn bốn năm triển khai thực hiện Luật THADS cho thấy, tổ chức bộ máy các cơ quan THADS tỉnh ta ngày càng được củng cố, kiện toàn ổn định và phát triển, đến nay Cục THADS tỉnh và 8 đơn vị cấp huyện có 108 cán bộ, công chức, trong đó có 47 chấp hành viên; công tác THADS đã có những chuyển biến tích cực và đạt kết quả khả quan, góp phần vào việc giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội, bảo đảm tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước, tổ chức và công dân.

Thực tế đã chứng minh, kể từ khi Luật THADS có hiệu lực thi hành, kết quả thi hành án của tỉnh năm sau cao hơn năm trước và mang tính bền vững. Từ năm 2009 đến năm 2013, toàn tỉnh đã thụ lý 10.365 việc, với số tiền và giá trị tài sản là 106.989.953.000. Kết quả đã giải quyết được 9.570 việc, đạt 92,3% so với tổng số thụ lý; về tiền và giá trị tài sản đã giải quyết được 80.477.847.000 đồng, đạt 82,9% so với tổng số thụ lý.

Đặc biệt, tỷ lệ giảm việc chuyển kỳ sau luôn vượt chỉ tiêu giao, từ năm 2010 trở lại đây, bình quân mỗi năm giảm được gần 500 việc. Riêng trong 6 tháng đầu năm 2014, đã thụ lý 2.166 việc, với số tiền 94.244.884.000 đồng. Đã giải quyết xong 1.166 việc (đạt tỷ lệ 71,2%, cao hơn 3,2% so với cùng kỳ), về tiền được 23.243.436.000 đồng.

Chính vì hiệu quả thi hành án (THA) đạt cao nên lượng đơn thư khiếu nại, tố cáo trong hoạt động THADS ngày càng giảm dần và được kiểm soát tốt hơn. Đặc biệt, những năm gần đây không xảy ra những vụ việc bức xúc và phức tạp. Kết quả này của ngành đã góp phần làm giảm lượng án tồn đọng của cả nước.

Khó khăn, hạn chế

Bên cạnh những kết quả đã đạt được trong thời gian qua thì hiện tại, công tác THA trên địa bàn cũng gặp phải rất nhiều khó khăn. Theo báo cáo của ngành, hằng năm số vụ án thụ lý và số vụ việc có giá trị lớn ngày càng gia tăng, từ đó khiến cho lượng tiền chưa có điều kiện thi hành cũng tăng lên so với những năm trước đây.

Hội đồng cưỡng chế Chi cục THADS Đồng Hới đang tiến hành cưỡng chế THA một vụ việc.
Hội đồng cưỡng chế Chi cục THADS Đồng Hới đang tiến hành cưỡng chế THA một vụ việc.

Nhiều vụ việc liên quan đến đất đai, kinh doanh thương mại, tín dụng ngân hàng, tranh chấp dân sự với giá trị thi hành lớn. Trong khi đó, Luật THADS và các văn bản hướng dẫn thi hành vẫn có nhiều quy định chưa hợp lý, gây khó khăn trong quá trình thực hiện. Các quy định kê biên, cưỡng chế THA, quy định bán đấu giá tài sản THA còn chưa phù hợp. Tài sản của người THA khi được bán đấu giá nếu không có người mua thì Chấp hành viên ra quyết định giảm giá cho đến khi có người mua tài sản nhưng không được thấp hơn chi phí cưỡng chế.

Quy định này khiến cho việc THA kéo dài, giá của tài sản kê biên bị giảm giá nhiều lần, thấp hơn giá trị thực của tài sản. Ý thức tuân thủ pháp luật của một số tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc THA, nhất là những người phải THA còn chưa cao. Nhiều trường hợp người THA cố tình chây ì, tẩu tán tài sản, khiếu nại vượt cấp nhằm kéo dài hoặc trốn tránh việc THA.

Nhiều vụ việc, án tuyên không rõ, có sự sai sót nên không thể tổ chức thi hành. Cơ quan THA và Ban chỉ đạo THADS đã đề nghị Tòa án xem xét lại bản án nhưng vẫn không được giải quyết kịp thời dẫn đến bị tồn đọng không thể giải quyết được. Ngoài ra, để giải quyết những vụ việc phức tạp thì vai trò của việc phối hợp với các cơ quan ban, ngành là rất quan trọng. Tuy nhiên, hiện nay, các cơ quan hữu quan vẫn chưa tạo điều kiện, tích cực hỗ trợ để giải quyết những vụ việc này.

Thực tiễn và Luật THADS

Có thể khẳng định rằng, Luật THADS trong thời gian qua đã tạo được hành lang pháp lý cơ bản bảo đảm công tác THADS hiệu quả hơn. Hệ thống tổ chức THADS được thành lập phù hợp với yêu cầu thực tiễn và tính chất đặc thù của hoạt động THADS. Thế nhưng, theo ông Phạm Văn Lãnh, Cục trưởng Cục THADS tỉnh với những khó khăn, hạn chế và tồn tại mà ngành THA đang gặp phải, thì Luật THADS đang bộc lộ những điểm hạn chế.

Một trong những quy định còn thiếu hợp lý trong Luật THADS là những quy định về trình tự, thủ tục THA. Mặc dù Luật THADS đã có một chương quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, tổ chức hữu quan trong THADS, tuy nhiên công tác THADS được thực hiện với sự tham gia của nhiều ngành nhưng pháp luật hiện hành chưa quy định rõ trách nhiệm của các ngành phải tham gia hoặc hỗ trợ hoạt động THADS, đặc biệt là trách nhiệm của Tòa án. Do vậy, nhiều vụ việc khó thi hành vì thiếu sự phối hợp quyền hạn của cơ quan, tổ chức hữu quan.

Trong điều 104 của Luật THADS quy định bán đấu giá tài sản theo nguyên tắc đến cùng, điều này làm kéo dài thời gian, gây khó khăn cho Chấp hành viên trong việc tổ chức thi hành án. Vì vậy, để việc bán đấu giá có hiệu quả, Luật THADS cần quy định sau bao nhiêu lần đấu giá mà không có người mua thì giao cho người được thi hành án, nếu người được thi hành án không nhận thì trả đơn yêu cầu thi hành án. Theo điểm a khoản 1 điều 99 Luật THADS thì một trong các căn cứ để định giá lại tài sản kê biên là “Chấp hành viên có vi phạm nghiêm trọng quy định tại điều 98 Luật THADS dẫn đến sai lệch kết quả định giá tài sản”. Tuy nhiên, luật lại không quy định những trường hợp nào được xem là vi phạm nghiêm trọng.

Do đó, cần có quy định cụ thể trường hợp nào được xem là Chấp hành viên vi phạm nghiêm trọng quy định tại điều 98 Luật THADS. Bên cạnh đó, quyền yêu cầu định giá tài sản chưa được quy định cụ thể. Theo quy định tại điều 99, điều 104 Luật THADS thì hiện nay quyền yêu cầu định giá lại của đương sự là quá rộng và không hợp lý. Pháp luật về THADS không quy định số lần yêu cầu định giá lại và cũng không buộc đương sự phải đưa ra lý do khi yêu cầu định giá lại, nên người phải thi hành án lợi dụng quyền yêu cầu định giá lại để kéo dài thời gian thi hành án, ảnh hưởng tính nghiêm minh của bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật....

Để pháp luật về THADS nói chung và Luật THADS nói riêng ngày càng được hoàn thiện, áp dụng hiệu quả vào thực tiễn, góp phần tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác THADS thì việc bổ sung và hoàn thiện Luật THADS là việc làm có ý nghĩa quan trọng, góp phần giúp ngành THADS ngày càng phát huy hiệu quả hơn.

Đ.Nguyệt