.
Phòng, chống tham nhũng:

Quy định về minh bạch tài sản, thu nhập: Quy định về xác minh tài sản, thu nhập

Thứ Sáu, 14/03/2014, 14:30 [GMT+7]

(QBĐT) - Nghị định số 78/2013/NĐ-CP, ngày 17-7-2013 của Chính phủ về minh bạch tài sản, thu nhập quy định về việc xác minh tài sản, thu nhập tại các điều từ điều 17 đến điều 27.

Theo đó, tại điều 17 quy định về việc xác minh tài sản, thu nhập như sau: Trong trường hợp xét thấy việc giải trình của người dự kiến được xác minh chưa rõ thì người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền ban hành quyết định xác minh tài sản, thu nhập (sau đây gọi tắt là quyết định xác minh). Quyết định xác minh phải có các nội dung sau: Căn cứ ban hành quyết định xác minh; họ, tên, chức vụ, nơi công tác của người được xác minh; họ, tên, chức vụ, nơi công tác của người xác minh; trường hợp thành lập đoàn xác minh thì phải ghi rõ họ, tên, chức vụ, nơi công tác của trưởng đoàn, thành viên đoàn xác minh (gọi chung là người xác minh); nội dung xác minh; thời hạn xác minh; nhiệm vụ, quyền hạn của người xác minh và các cơ quan, tổ chức, đơn vị phối hợp (nếu có).

Thời hạn xác minh được quy định là 15 ngày làm việc, trường hợp phức tạp thì thời hạn tối đa không quá 30 ngày làm việc. Và trong trường hợp nội dung xác minh có tình tiết phức tạp, liên quan đến nhiều lĩnh vực, địa bàn xác minh rộng thì người quyết định xác minh thành lập đoàn xác minh và có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan cử cán bộ tham gia đoàn xác minh.

Đối với cơ quan, đơn vị xác minh tài sản, thu nhập tại điều 18 Nghị định này quy định:

1. Trong trường hợp người được xác minh do cấp ủy đảng quản lý thì cơ quan có thẩm quyền xác minh là cơ quan Kiểm tra Đảng cùng cấp, cụ thể như sau: Cơ quan Kiểm tra Đảng cấp Trung ương có thẩm quyền xác minh đối với người được xác minh là cán bộ, công chức thuộc diện Trung ương quản lý và trong trường hợp cần thiết thì trưng tập cán bộ của Thanh tra Chính phủ tham gia xác minh; cơ quan Kiểm tra Đảng cấp tỉnh có thẩm quyền xác minh đối với người được xác minh là cán bộ, công chức thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy và cấp tương đương quản lý, trường hợp cần thiết thì trưng tập cán bộ của Thanh tra tỉnh, thanh tra bộ tham gia xác minh; cơ quan Kiểm tra Đảng cấp huyện có thẩm quyền xác minh đối với người được xác minh là cán bộ, công chức thuộc diện Ban Thường vụ Huyện ủy và cấp tương đương quản lý, trường hợp cần thiết thì trưng tập cán bộ của Thanh tra huyện tham gia xác minh.

2. Trong trường hợp người được xác minh công tác tại các cơ quan của Đảng mà không thuộc diện cấp ủy quản lý thì đơn vị có thẩm quyền xác minh được xác định như sau: Đơn vị phụ trách công tác tổ chức, cán bộ của cơ quan Đảng ở cấp Trung ương, cấp tỉnh có thẩm quyền xác minh đối với người được xác minh đang công tác tại cơ quan, tổ chức, đơn vị đó; Ban Tổ chức huyện ủy và tương đương có thẩm quyền xác minh đối với người được xác minh đang công tác tại cơ quan Đảng ở cấp huyện, cấp xã.

3. Trong trường hợp người được xác minh không thuộc diện cấp ủy quản lý, không công tác tại các cơ quan của Đảng thì cơ quan có thẩm quyền xác minh được xác định như sau:
- Ở cấp Trung ương: Thanh tra bộ, cơ quan ngang bộ, đơn vị phụ trách tổ chức, cán bộ của cơ quan thuộc Chính phủ có thẩm quyền xác minh đối với người được xác minh đang công tác tại cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ. Trong trường hợp cần thiết thì cơ quan thanh tra chủ trì, phối hợp, huy động cán bộ của đơn vị phụ trách công tác tổ chức, cán bộ của cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc bộ, cơ quan ngang bộ tham gia xác minh.
-  Ở cấp tỉnh: Thanh tra tỉnh có thẩm quyền xác minh đối với người được xác minh công tác tại cơ quan, tổ chức, đơn vị ở tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Trong trường hợp cần thiết thanh tra tỉnh chủ trì, phối hợp, huy động cán bộ của Sở Nội vụ, của thanh tra sở tham gia xác minh. Thanh tra sở có thẩm quyền xác minh đối với người được xác minh công tác tại cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc sở. Trong trường hợp cần thiết thanh tra sở chủ trì, phối hợp, huy động cán bộ của đơn vị phụ trách công tác tổ chức, cán bộ của cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc sở tham gia xác minh.
-  Ở cấp huyện: Thanh tra huyện có thẩm quyền xác minh đối với người được xác minh công tác tại cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, cán bộ, công chức cấp xã. Trong trường hợp cần thiết thanh tra huyện chủ trì, phối hợp, huy động cán bộ của phòng nội vụ, phòng, ban chuyên môn có liên quan thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện tham gia xác minh.
- Ở doanh nghiệp nhà nước: Đơn vị phụ trách công tác thanh tra, kiểm tra nội bộ, tổ chức cán bộ có thẩm quyền xác minh đối với người được xác minh công tác tại tổ chức, đơn vị thuộc doanh nghiệp đó.
-  Cơ quan thanh tra, kiểm tra, đơn vị phụ trách công tác tổ chức, cán bộ thuộc các cơ quan khác của Nhà nước ở Trung ương, cơ quan Trung ương của các đoàn thể, cơ quan cấp tỉnh của tổ chức chính trị - xã hội có thẩm quyền xác minh đối với người được xác minh công tác tại cơ quan, tổ chức đó mà không thuộc diện cấp ủy quản lý. Đơn vị phụ trách công tác tổ chức, cán bộ có thẩm quyền xác minh đối với người được xác minh công tác tại cơ quan cấp huyện của tổ chức chính trị - xã hội; trường hợp cần thiết thì có văn bản đề nghị Ủy ban kiểm tra cấp huyện phối hợp tiến hành xác minh.
- Thanh tra Chính phủ có thẩm quyền xác minh lại việc xác minh tài sản, thu nhập của các cơ quan quy định tại điểm 3  nói trên khi phát hiện có vi phạm pháp luật.

Về nội dung xác minh tài sản, thu nhập, điều 19 quy định: Nội dung xác minh tài sản, thu nhập là tính trung thực, đầy đủ, rõ ràng, đúng thời hạn của những thông tin về số lượng, giá trị các loại tài sản, các khoản thu nhập, mô tả về tài sản, thu nhập, biến động tài sản, việc giải trình về biến động tài sản, nguồn gốc tài sản tăng thêm và những nội dung khác có liên quan trong bản kê khai của người được xác minh.

Người được giao trách nhiệm thực hiện công tác xác minh tài sản, thu nhập phải tiến hành các hoạt động sau: Nghiên cứu hồ sơ, tài liệu có liên quan đến nội dung xác minh; làm việc trực tiếp với người được xác minh; xác minh tại chỗ đối với tài sản, thu nhập được xác minh; làm việc với cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý, lưu trữ hồ sơ, tài liệu về tài sản, thu nhập được xác minh; làm việc với cơ quan, tổ chức, cá nhân có chuyên môn - kỹ thuật về tài sản, thu nhập được xác minh để đánh giá, giám định tài sản, thu nhập đó; làm việc với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan khác để phục vụ cho việc xác minh tài sản, thu nhập; hoạt động khác cần thiết cho việc xác minh tài sản, thu nhập (điều 20).

Trong quá trình thực hiện hoạt động xác minh tài sản, thu nhập, người xác minh có các quyền hạn và trách nhiệm sau: Yêu cầu người được xác minh giải trình, cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung xác minh; yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung xác minh cung cấp thông tin, tài liệu đó; kiến nghị cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền áp dụng các biện pháp cần thiết ngăn chặn hành vi tẩu tán tài sản, thu nhập, hành vi cản trở, can thiệp trái pháp luật vào hoạt động xác minh; bảo đảm tính khách quan, trung thực, chính xác, kịp thời, đúng nội dung, thời hạn ghi trong quyết định xác minh; giữ bí mật thông tin, tài liệu thu thập được trong quá trình xác minh; báo cáo kết quả xác minh với người thẩm quyền và chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực, khách quan của nội dung báo cáo (điều 21).

Đối với cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan phải có những trách nhiệm sau: UBND các cấp, cơ quan công an, cơ quan quản lý nhà, đất, cơ quan thuế, ngân hàng và các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan có trách nhiệm: Cử người làm việc với người xác minh để phục vụ hoạt động xác minh; cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung xác minh và chịu trách nhiệm về tính chính xác, đầy đủ của thông tin, tài liệu đã cung cấp; tiến hành các hoạt động thuộc phạm vi thẩm quyền, chuyên môn của mình để phục vụ cho việc xác minh, làm rõ các thông tin cần thiết trong quá trình xác minh hoặc ngăn chặn hành vi tẩu tán tài sản, thu nhập, hành vi cản trở hoạt động xác minh tài sản, thu nhập (điều 22).

Theo quy định tại điều 23 thì các buổi làm việc giữa người xác minh với người được xác minh, giữa người xác minh với cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan phải được lập biên bản. Và biên bản làm việc phải có các nội dung sau: Thời gian, địa điểm làm việc; thành phần tham gia; nội dung làm việc; nội dung được thống nhất tại buổi làm việc; ý kiến bảo lưu (nếu có).

Sau khi thực hiện xong công tác xác minh tài sản, thu nhập, trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày kết thúc xác minh, người xác minh phải có báo cáo kết quả xác minh tài sản, thu nhập gửi người ban hành quyết định xác minh. Báo cáo kết quả xác minh tài sản, thu nhập phải có các nội dung sau: Nội dung xác minh, hoạt động xác minh đã được tiến hành và kết quả xác minh; nhận xét của người xác minh về việc kê khai tài sản, thu nhập; kiến nghị việc xử lý đối với Người có nghĩa vụ kê khai không trung thực (điều 24).

Tiếp đó, trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được báo cáo kết quả xác minh, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền quản lý người có nghĩa vụ kê khai phải kết luận về sự minh bạch trong kê khai tài sản, thu nhập. Nội dung kết luận về sự minh bạch trong kê khai tài sản, thu nhập phải nêu rõ sự phù hợp hay không phù hợp giữa bản kê khai và kết quả xác minh. Trường hợp có sự không phù hợp giữa kết quả xác minh và bản kê khai thì kết luận không trung thực và nêu rõ sự sai lệch về số lượng tài sản, thu nhập, thông tin mô tả về tài sản, thu nhập, biến động tài sản, thu nhập, nguồn gốc tài sản tăng thêm; quyết định hoặc kiến nghị người có thẩm quyền xử lý người có nghĩa vụ kê khai không trung thực. Kết luận về sự minh bạch phải gửi cho người được xác minh.

Trong trường hợp người được xác minh tài sản, thu nhập đề nghị xem xét lại kết luận thì người có thẩm quyền kết luận có trách nhiệm xem xét và trả lời trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đề nghị. Trường hợp người được xác minh không đồng ý thì kiến nghị người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp trên trực tiếp của người có thẩm quyền kết luận xem xét giải quyết. Trong thời hạn 5 ngày làm việc, người nhận được kiến nghị phải xem xét, và trả lời người được xác minh (điều 25).

Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được yêu cầu công khai bản kết luận về sự minh bạch trong kê khai tài sản, thu nhập của cơ quan, tổ chức đã yêu cầu xác minh, người đã ban hành kết luận về sự minh bạch trong kê khai tài sản, thu nhập phải công khai bản kết luận đó. Đối với việc xác minh tài sản, thu nhập phục vụ cho việc miễn nhiệm, bãi nhiệm, kỷ luật hoặc khi có hành vi tham nhũng thì người đã ban hành kết luận về sự minh bạch trong kê khai tài sản, thu nhập phải công khai ngay bản kết luận đó. Bản kết luận về sự minh bạch trong kê khai tài sản, thu nhập được công khai tại các địa điểm sau đây: Trong cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi người được xác minh tài sản, thu nhập làm việc; tại hội nghị cử tri nơi người được xác minh tài sản, thu nhập ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND; tại kỳ họp hoặc đại hội, nơi người được xác minh tài sản, thu nhập được đề cử để Quốc hội, HĐND hoặc đại hội của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội bầu, phê chuẩn (điều 26).

Theo quy định tại điều 27, việc xác minh tài sản, thu nhập phải được lập thành hồ sơ; hồ sơ xác minh tài sản, thu nhập được quản lý tại cơ quan, đơn vị có thẩm quyền xác minh. Hồ sơ xác minh gồm có: Quyết định xác minh; biên bản làm việc; giải trình của người được xác minh; báo cáo kết quả xác minh; kết luận về sự minh bạch trong kê khai tài sản, thu nhập; văn bản yêu cầu, kiến nghị của người ban hành quyết định xác minh, người xác minh; kết quả đánh giá, giám định trong quá trình xác minh (nếu có); các tài liệu khác có liên quan đến việc xác minh.     

Đ.T