.
Ký sự pháp đình:

Con bò mà biết "nói năng"

Thứ Sáu, 21/02/2014, 09:05 [GMT+7]

(QBĐT) - Chuyện xảy ra vào một buổi chiều cuối năm. Trên đường đi ăn giỗ về thì ông Nguyễn Mạnh Thành phát hiện 2 cậu thanh niên đang dắt con bò của mình đi. Chạy tới hóa ra Hiển (con của ông Võ Xuân Hải) và Toàn đều là người cùng thôn. Ông lên tiếng ngăn cản, giành lại con bò và dắt về nhà.

Ngay lập tức, ông Hải vội chạy sang nhà, tố ông Thành đã cướp con bò của mình. Ông Hải lớn tiếng: Con bò này là của nhà tôi thả cùng đàn trong Roòng. Tôi sai con ra dắt về. Tại sao ông lại không cho rồi dắt về nhà ông?! Ông Thành cũng khẳng định: Đây rõ ràng là bò của nhà tôi, ông đòi dắt về nhà ông sao được? Hai bên cãi cọ mãi không thôi, rồi quyết định dắt nhau lên trụ sở UBND xã. Mặc dù chính quyền địa phương tiến hành hòa giải cũng chẳng mang lại kết quả. Ông Hải đâm đơn khởi kiện, yêu cầu tòa án giải quyết để bảo vệ quyền lợi cho mình. Hai bên thỏa thuận giá trị con bò 5 triệu đồng.

Trong đơn khởi kiện, ông Hải cho rằng: Con bò đang tranh chấp là con của một con bò mẹ trong đàn bò ông đẻ ra; hiện nay con bò mẹ đã chết. Con bò này được gia đình ông chăn thả cùng với đàn ở vùng Roòng. Lúc bò được khoảng 24 tháng tuổi, ông Hải từng bắt bò về để xỏ mũi, chăn được một thời gian, ông thả lại ăn cùng với đàn. Sau đó dây mũi đứt, không bắt được nhưng hàng tháng, hàng quý ông vẫn đi thăm bò một hai lần để kiểm tra.

Đến lúc xảy ra tranh chấp, con bò đã 72 tháng tuổi và đẻ được khoảng 4-5 con. Đặc điểm con bò mà ông Thành đang tranh chấp với ông Hải là con bò mẹ màu vàng, sừng đen nhọn, hiện đã cắt 2 chót nhọn. và nhát. Tại phiên tòa sơ thẩm, ông Thành thì một mực cho rằng: Đây là con bò của ông. Bò khoảng 84 tháng tuổi, đã đẻ 2 con, có đặc điểm: lông màu vàng sẫm, hai răng cửa chính bị khuyết, cặp sừng bên ngắn, bên dài và con bò này không nhát như ông Hải nói.

Bản án dân sự sơ thẩm của TAND huyện X đã quyết định: “Áp dụng điều 164, 169 và điều 256 Bộ luật Dân sự xử: Bác đơn khởi kiện của ông Võ Xuân Hải”. “Giao cho ông Nguyễn Mạnh Thành được quyền sở hữu con bò mẹ tranh chấp trị giá 5 triệu đồng và con bê (do con bò tranh chấp đẻ ra) trị giá 1 triệu đồng”.

Không đồng tình với bản án nói trên, ông Võ Xuân Hải tiếp tục gửi đơn kháng cáo, đề nghị xét xử phúc thẩm công nhận con bò đang tranh chấp là thuộc quyền sở hữu của ông. Phiên tòa phúc thẩm diễn ra sau đó khoảng 5 tháng. Về cơ bản, đặc điểm con bò đang tranh chấp được 2 người khai gần giống nhau. Tuy nhiên, theo lời ông Thành: con bò của ông hai sừng không bằng nhau, 2 răng cửa chính bị mòn và nó không nhát khi có người đến là phù hợp với đặc điểm con bò đang tranh chấp.

Mặt khác, theo lời khai của nhân chứng là Toàn (người đi tìm bò cùng con trai ông Hải), Hiển biết rõ không phải bò nhà mình nhưng bảo cứ bắt bất kỳ con nào cũng được để lùa những con bò khác về theo. Cuối cùng, ông Hải không đưa ra được chứng cứ thuyết phục để chứng minh con bò đang tranh chấp là của gia đình mình. Tòa quyết định không chấp nhận đơn kháng cáo của ông Võ Xuân Hải, giữ nguyên toàn bộ bản án dân sự của phiên sơ thẩm. Ông Nguyễn Mạnh Thành được quyền sở hữu con bò đang tranh chấp và con bê (do con bò đang tranh chấp đẻ ra).

Chuyện tranh chấp quyền sở hữu trâu, bò ở vùng miền núi không phải là ít khi người dân nơi đây có thói quen nuôi thả đàn trong thung lũng, rừng sâu. Cũng may, con bò tuy không biết nói năng, nhưng những đặc tính của nó đã nói lên sự thật: ai mới là chủ nhân thực sự. Song, người dân ở cùng thôn với ông Thành và ông Hải thì rút ra một bài học: tốt hơn hết của mình thì mình phải lo mà giữ, đừng để đến khi “một mất mười ngờ”, xảy ra xích mích, làm sứt mẻ tình cảm hàng xóm, láng giềng.

Út Nghệ

------------------------------------------------

(Tên nhân vật đã được thay đổi)