.

Cải cách tư pháp: Đã có sự chuyển biến

Thứ Hai, 17/02/2014, 08:25 [GMT+7]

(QBĐT) - Trong năm 2013 hoạt động tư pháp và cải cách tư pháp của các cơ quan, tổ chức có sự tiến bộ. Cơ bản các vụ án được điều tra, truy tố, xét xử kịp thời, nghiêm minh, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Tuy nhiên, so với yêu cầu đổi mới mạnh mẽ của cải cách tư pháp mà Ban chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương đề ra thì công tác cải cách tư pháp ở tỉnh ta còn rất nhiều việc phải làm.

Thời gian qua công tác cải cách tư pháp đã được Ban Thường vụ Tỉnh uỷ và Ban Thường vụ cấp uỷ các cấp hết sức quan tâm chỉ đạo thực hiện. Phương thức lãnh đạo của cấp ủy đảng đối với công tác cải cách tư pháp có sự đổi mới, tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm, chỉ đạo khắc phục những vấn đề còn tồn tại hạn chế, tháo gỡ khó khăn vướng mắc liên quan hoạt động tư pháp.

Trong đó, năm 2013, Tỉnh uỷ đã chỉ đạo việc kiện toàn cán bộ lãnh đạo VKSND tỉnh, kiện toàn Ban chỉ đạo cải cách tư pháp tỉnh; kịp thời thành lập, bố trí, sắp xếp cán bộ, tạo điều kiện thuận lợi để Ban Nội chính Tỉnh ủy sớm đi vào hoạt động ổn định; chỉ đạo cơ quan tư pháp tập trung điều tra, giải quyết các vụ án nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, giải quyết kịp thời đơn thư khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực tư pháp.

Kết quả rõ nét là, các cơ quan tư pháp đã nỗ lực thực hiện nhiệm vụ tư pháp và cải cách tư pháp đạt kết quả khá toàn diện, chất lượng điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tiếp tục được nâng lên. Cơ bản các vụ án được điều tra, truy tố, xét xử kịp thời, nghiêm minh, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Tỷ lệ án bị sửa do lỗi chủ quan của thẩm phán năm 2013 là 1,95%, thấp hơn năm 2012 (3%) và tỷ lệ vụ án bị cấp phúc thẩm xử hủy năm 2013 là 0,71%, thấp hơn so với quy định của TAND tối cao (1,16%). Hầu hết các vụ án đều được giải quyết trong thời hạn luật định, không có tình trạng án tồn đọng, nhiều vụ án đã được rút ngắn thời hạn giải quyết so với quy định pháp luật, tỷ lệ số vụ án đã giải quyết trên tổng số vụ án thụ lý trong năm là 97,6% (tăng 0,8% so với năm 2012).

Trong giải quyết, xét xử các loại án khác (dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh thương mại, lao động và hành chính), nhìn chung các Tòa án đã tuân thủ quy định của pháp luật về lấy lời khai, thu thập chứng cứ, thẩm tra, xác minh chứng cư, trưng cầu giám định, yêu cầu các cơ quan, tổ chức giao nộp chứng cứ khi đương sự không tự mình thực hiện được, xem xét thẩm định tại chỗ, tổ chức hòa giải, đối thoại, tạo điều kiện cho các bên tranh tụng tại phiên tòa... nên các phán quyết của Tòa án có căn cứ pháp luật. Đã có gần 40% tổng số vụ việc dân sự được hòa giải thành, đạt hiệu quả cao, góp phần ổn định tình hình cơ sở.

Xét xử lưu động vụ án bị cáo vị thành niên phạm tội.
Xét xử lưu động vụ án bị cáo vị thành niên phạm tội.

Năm 2013, Viện Kiểm sát hai cấp đã thụ lý kiểm sát hoạt động điều tra 496 vụ/832 bị can, truy tố chuyển Toà án để xét xử 368 vụ/645 bị can. Thông qua hoạt động kiểm sát, Viện Kiểm sát hai cấp đã trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung 4 vụ (VKSND tỉnh 1 vụ, VKSND huyện 3 vụ); phát hiện một số vi phạm của Cơ quan Điều tra, Toà án trong hoạt động điều tra, xét xử và đã ban hành 1 kiến nghị với cơ quan Điều tra, 5 kháng nghị phúc thẩm các bản án của Toà án cấp huyện.

Thông qua các cuộc họp liên ngành Công an, Viện kiểm sát, Toà án, Viện Kiểm sát đã chủ trì đề xuất nội dung để lãnh đạo các ngành tố tụng bàn bạc đẩy nhanh tiến độ giải quyết án trọng điểm, tháo gỡ vướng mắc trong việc đánh giá chứng cứ, áp dụng pháp luật, phục vụ kịp thời nhiệm vụ chính trị trên địa bàn.

Ngoài ra VKSND tỉnh đã phối hợp với TAND tỉnh, Toà án cấp huyện để tổ chức các phiên toà mẫu rút kinh nghiệm, bảo đảm cho mỗi kiểm sát viên được phân công thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp trong lĩnh vực hình sự phải tham gia phiên toà rút kinh nghiệm theo tinh thần cải cách tư pháp ít nhất 1 vụ/năm, qua đó, nâng cao nhận thức, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng tranh tụng của kiểm sát viên tại phiên toà.

So với các năm trước, trong năm 2013, hoạt động của cơ quan điều tra các cấp có tiến bộ rõ rệt. Trong năm các cơ quan điều tra đã khởi tố 476 vụ/750 bị can; trong đó đã kết thúc điều tra đề nghị truy tố 431 vụ/827 bị can, đình chỉ điều tra 6 vụ/6 bị can, tạm đình chỉ điều tra 31 vụ/22 bị can, hết thời hạn điều tra chưa xác định được bị can 20 vụ, bị can bỏ trốn 9 vụ/10 bị can, bị can bị bệnh tâm thần bắt buộc chữa bệnh 2 vụ/2 bị can, số vụ bị trả hồ sơ để bổ sung điều tra 10 vụ/47 bị can (bổ sung thêm chứng cứ), trả hồ sơ để điều tra lại 1 vụ/1 bị can (củng cố chứng cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự). Số vụ án có đối tượng điều tra bị oan sai 1 vụ/1 bị can.

Nét mới của hoạt động tư pháp là, quá trình điều tra có 97 vụ có luật sư hoặc trợ giúp viên pháp lý tham gia bảo vệ quyền lợi cho bị can trong vụ án. Cơ quan điều tra tạo điều kiện thuận lợi để luật sư thực hiện các quyền theo quy định pháp luật. Tổng số đơn thư khiếu nại, tố cáo trên lĩnh vực tư pháp 34 đơn (đã giải quyết theo thẩm quyền 17 đơn, chuyển cơ quan chức năng 17 đơn).

Lực lượng Cảnh sát thi hành án hình sự toàn tỉnh đã tập trung tổ chức thực hiện tốt Luật Thi hành án hình sự, tuyên truyền và triển khai có hiệu quả Nghị định số 80/2011/NĐ-CP ngày 16-9-2011 của Chính phủ quy định các biện pháp bảo đảm tái hoà nhập cộng đồng đối với người chấp hành án xong án phạt tù; phối hợp với chính quyền địa phương đổi mới công tác cảm hoá, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù tại xã, phường, thị trấn. Trong năm, lực lượng thi hành án hình sự các cấp đã tiếp nhận và thi hành 567 quyết định thi hành án hình sự; tổ chức 2.120 lượt cán bộ, chiến sĩ tham gia bảo vệ an toàn tuyệt đối cho 656 phiên toà; bố trí 832 lượt cán bộ, chiến sĩ trích xuất, áp giải 382 bị cáo.

Tuy nhiên, hoạt động của các cơ quan tư pháp nhiều nơi chưa đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp. Chất lượng điều tra, truy tố, xét xử tuy có chuyển biến nhưng vẫn còn có vụ án bị trả hồ sơ để điều tra bổ sung, điều tra lại. Một số vụ án hình sự bị hủy, sửa của cấp phúc thẩm. Một số vụ án sau khi xét xử chưa được dư luận đồng tình dẫn đến đơn thư khiếu nại, tố cáo, kêu oan kéo dài, vượt cấp. Tranh tụng tại phiên tòa tuy có chuyển biến nhưng chưa đáp ứng yêu cầu của cải cách tư pháp.

Đáng lưu ý là năm 2013 đơn thư khiếu nại tố cáo về hoạt động tư pháp tăng; cuối năm 2012, đầu năm 2013 đã xảy ra một trường hợp khởi tố bắt tạm giam oan người vô tội đối với bà Trần Thị Tiểu Minh, Giám đốc doanh nghiệp tư nhân IYK (hiện nay, VKSND tỉnh đang tiến hành các thủ tục để khắc phục hậu quả theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước).

Trong năm cũng xảy ra một trường hợp bản án phúc thẩm của TAND tỉnh tuyên về mức hình phạt đối với các đồng phạm trong cùng một vụ án chưa phân hóa, đánh giá đúng vai trò của bị cáo khi thực hiện tội phạm (người cầm đầu, chủ mưu thì được hưởng án treo, các đồng phạm khác thì bị nhận án tù giam) dẫn đến đơn thư khiếu nại, phản ứng của dư luận về sự công minh, chính xác của Tòa án. Điển hình là vụ án "Cưỡng đoạt tài sản" xảy ra ở xã Quảng Trung, huyện Quảng Trạch (vụ án này VKSND tỉnh đã báo cáo lần hai lên VKSND tối cao để xem xét kháng nghị giám đốc thẩm).

Công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức nghề nghiệp, đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ cho cán bộ tư pháp tuy có chuyển biến nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp. Một số cán bộ có chức danh tư pháp trong thi hành nhiệm vụ còn để xảy ra nhiều sai sót, trong giao tiếp với nhân dân còn chưa khéo léo, bị nhân dân phản ánh về thái độ chưa đúng mực trong điều hành phiên tòa (trường hợp thẩm phán Võ Thị Kim Nhung ở Tòa Dân sự, thẩm phán Trần Thị Cài ở Tòa Hành chính- TAND tỉnh...).

Hoạt động giám sát của HĐND có chuyển biến, nhưng chưa đi vào chiều sâu, chưa chú trọng và tập trung chất vấn những vấn đề lớn thuộc chức năng, nhiệm vụ và trách nhiệm thủ trưởng của các cơ quan tư pháp theo quy định của pháp luật và định hướng cải cách tư pháp theo Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị; trong năm, chưa giám sát vụ việc cụ thể mà cử tri có ý kiến, gửi đơn, thư đến HĐND.

Trọng Thái