.

Chương trình 212: Một năm nhìn lại

Thứ Hai, 06/01/2014, 09:13 [GMT+7]

(QBĐT) - Chương trình 212 là chương trình quốc gia phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL); nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ, nhân dân ở xã, phường, thị trấn. Như tên gọi, mục tiêu của chương trình nhằm hướng đến đối tượng ở cấp cơ sở, là những người trực tiếp triển khai, thực hiện nội dung của các văn bản pháp luật.

Chương trình 212 được triển khai thực hiện với 4 đề án: đưa thông tin pháp luật đến cán bộ, nhân dân thông qua các phương tiện thông tin đại chúng và thiết chế văn hoá thông tin cơ sở (Đề án 1); xây dựng và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động chấp hành pháp luật trong cộng đồng dân cư (Đề án 2); tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về khiếu nại, tố cáo ở xã, phường, thị trấn (Đề án 3); phát huy vai trò của cơ quan và cán bộ tư pháp trong phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật trong cán bộ, nhân dân ở xã, phường, thị trấn (Đề án 4). Trong năm 2013, toàn tỉnh đã có nhiều nỗ lực trong việc thực hiện chương trình và đạt được những kết quả khá đồng đều trên các nội dung đề án.

Về công tác xây dựng, củng cố lực lượng thực hiện công tác PBGDPL, Ban điều hành Đề án 02 đã chỉ đạo, hướng dẫn ban điều hành Đề án cấp huyện xây dựng 25 "Điểm sáng chấp hành pháp luật trong cộng đồng dân cư" của năm 2013 gắn với cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư" trong giai đoạn mới với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Đến nay toàn tỉnh có 522 "Nhóm nòng cốt" và 192 "Điểm sáng chấp hành pháp luật trong cộng đồng dân cư". Các hoạt động trên đã và đang phát huy vai trò tích cực trong việc tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân thực hiện tốt các chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, góp phần đưa pháp luật vào thực tiễn cuộc sống.

Đội ngũ báo cáo viên pháp luật các cấp, hòa giải viên cơ sở được kiện toàn về bộ máy. Hiện toàn tỉnh có 158 báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh, 157 báo cáo viên pháp luật cấp huyện, 1.351 tuyên truyền viên pháp luật cấp xã và 9.602 hòa giải viên. Đây là những nhân tố tích cực trong việc nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật trong cán bộ và nhân dân ở các đơn vị, địa phương.

Để các mục tiêu đề ra đạt được hiệu quả cao, Ban chỉ đạo Chương trình 212 chú trọng đến việc tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật và kỹ năng nghiệp vụ về công tác PBGDPL. Trong năm 2013, Sở Thông tin và Truyền thông (đơn vị chủ trì thực hiện Đề án 01) đã tổ chức 5 lớp tập huấn cho trên 200 lượt học viên là phóng viên, biên tập viên văn hóa xã hội các cơ quan báo chí tỉnh; cán bộ phòng Văn hóa- Thông tin, biên tập viên, phóng viên Đài truyền thanh, cán bộ phụ trách bản tin, cán bộ làm công tác thông tin, truyền thông ở xã, phường, thị trấn...

Ban điều hành Đề án 02 các huyện, thành phố tổ chức 51 buổi tập huấn bồi dưỡng kỹ năng tuyên truyền, vận động chấp hành pháp luật cho 2.657 cán bộ Mặt trận cấp xã, Ban công tác Mặt trận, cán bộ chi đoàn, chi hội và "Nhóm nòng cốt" ở khu dân cư trên địa bàn toàn tỉnh. Thanh tra tỉnh và các cơ quan phối hợp thực hiện Đề án 03 đã tổ chức 2 hội nghị tập huấn nghiệp vụ về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; công tác phòng, chống tham nhũng và triển khai quán triệt Luật Thanh tra năm 2010 với 135 người tham gia.

Sở Tư pháp cũng đã tổ chức 4 hội nghị triển khai, phổ biến, quán triệt văn bản luật mới ban hành; và 4 lớp bồi dưỡng kiến thức pháp luật và tập  huấn nghiệp vụ cho cán bộ Tư pháp- Hộ tịch cấp xã và giáo viên dạy bộ môn Giáo dục công dân, Giáo dục pháp luật. Những lớp tập huấn này đã góp phần nâng cao kiến thức pháp luật, kỹ năng trong việc tuyên truyền PBGDPL cho đội ngũ làm công tác này, trang bị cho họ "công cụ" để thực hiện tốt hơn nhiệm vụ của mình.

Kết thúc năm 2013, các cơ quan thực hiện Đề án 01 đã tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, PBGDPL thông qua các phương tiện thông tin đại chúng. Báo Quảng Bình, Đài PT- TH tỉnh có nhiều đổi mới về nội dung và hình thức thể hiện trong tuyên truyền PBGDPL. Ngoài những chuyên trang, chuyên mục quen thuộc như "Pháp luật- Bạn đọc", "Pháp luật và Đời sống", "Ký sự pháp đình", "Tiếp chuyện bạn nghe đài", "An toàn giao thông",... thì các tin bài phản ảnh hoạt động của các ngành, đơn vị phối hợp khác cũng có nhiều nội dung liên quan thiết thực đến tuyên truyền PBGDPL.

Đề án 02 tổ chức được 2.381 buổi tuyên truyền với trên 142.747 lượt người tham dự. Với Đề án 03, đã có 1.288 lượt người được tuyên truyền, hướng dẫn về thực hiện pháp luật khiếu nại, tố cáo. Đề án 04 với sự chủ trì của Sở Tư pháp tổ chức được 17.841 hội nghị, cuộc họp, buổi nói chuyện tuyên truyền cho hơn 1,2 triệu lượt người. Nét nổi bật của công tác PBGDPL năm 2013 đó là đã tập trung tuyên truyền PBGDPL trong các lĩnh vực ATGT; khiếu nại, tố cáo; pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo; pháp luật về đất đai, về đền bù giải phóng mặt bằng, bồi thường hỗ trợ tái định cư; về chủ quyền biển đảo. Công tác tuyên truyền PBGDPL thực sự hướng về cơ sở; chú trọng các địa bàn có các dự án đầu tư xây dựng, vùng có đồng bào tôn giáo; các địa bàn, vùng thường có khiếu nại, vùng biên giới.

Có được kết quả đó là nhờ các cơ quan chủ trì thực hiện các Đề án đã bám sát mục tiêu đề ra và không ngừng tăng cường công tác phối hợp trong quá trình triển khai. Và đây sẽ là tiền đề quan trọng cho các nhiệm vụ của những năm tiếp theo.

P.V