.

Triển khai quy định xử phạt vi phạm hành chính về quản lý rừng, phát triển rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản

Thứ Ba, 24/12/2013, 16:53 [GMT+7]

(QBĐT) - Chiều 23-12, Chi cục Kiểm lâm tổ chức hội nghị triển khai Nghị định số 157/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về quản lý rừng, phát triển rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản. Tham dự có đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành địa phương, đơn vị liên quan…

 

Quang cảnh hội nghị.
Quang cảnh hội nghị.

Ngày 11-11-2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 157/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về quản lý rừng, phát triển rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản thay thế Nghị định số 99/2009/NĐ-CP ngày 2-11-2009 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản.

Nghị định số 157/2013/NĐ-CP của Chính phủ bao gồm 4 chương và 33 điều, trong đó: Chương I là những quy định chung; Chương II quy định về hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả; Chương III quy định về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính; Chương IV quy định về điều khoản thi hành.

Điểm đáng lưu ý ở một số chương, điều, khoản của Nghị định nói trên, đó là: người có hành vi dịch chuyển mốc ranh giới rừng để chiếm giữ, sử dụng rừng trái pháp luật của chủ rừng khác, của nhà nước bị xử phạt tiền từ mức 2 đến 50 triệu đồng; khai thác trái phép cảnh quan, môi trường và các dịch vụ lâm nghiệp bị xử phạt từ 50 nghìn đồng đến 20 triệu đồng; người vi phạm các quy định về thiết kế khai thác gỗ bị xử phạt tiền mức 3 triệu đồng đến 15 triệu đồng; người có hành vi khai thác gỗ không đúng trình tự, thủ tục và các yêu cầu kỹ thuật theo thiết kế được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt bị xử phạt tiền từ mức 3 đến 15 triệu đồng; người có hành vi lấy lâm sản trong rừng không được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc được phép nhưng đã thực hiện không đúng quy định cho phép bị xử phạt mức 600 nghìn đồng đến 100 triệu đồng (khai thác trái phép rừng sản xuất), xử phạt mức từ 1 đến 200 triệu đồng (khai thác trái phép đối với gỗ thuộc loài nguy cấp, quý, hiếm nhóm IIA); phạt tiền từ 20 đến 200 triệu đồng (khai thác trái phép đối với gỗ thuộc loài nguy cấp, quý, hiếm nhóm IA); xử phạt 500 nghìn đồng đến 200 triệu đồng (đối với khai thác rừng phòng hộ trái phép)…

Bên cạnh đó, Nghị định còn quy định mức xử phạt cụ thể đối với những hành vi vi phạm các quy định về quản lý, bảo vệ động vật rừng; vận chuyển lâm sản trái pháp luật; mua, bán, cất giữ, chế biến, kinh doanh lâm sản trái với các quy định của nhà nước…; thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của lực lượng Công an, Bộ đội Biên phòng, Quản lý thị trường, Thanh tra chuyên ngành, Kiểm lâm, Chủ tịch UBND các cấp…

Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 25-12.

Văn Minh