Ký sự pháp đình:

Nỗi niềm "khổ chủ" và những "vị khách không mời mà đến"...

Cập nhật lúc 16:28, Thứ Năm, 18/04/2013 (GMT+7)

(QBĐT) - Không phải người mẹ mà chính là người cha đau khổ kia đã phải khóc nấc lên khi nhìn thấy con trai mình run run đưa hai tay vào còng: “Hai mươi năm nay, con mới xa vòng tay của bố mẹ, con ơi”. Thế rồi, thằng bé lầm lũi men theo bước chân của các chú công an, vì mắt nó từ khi sinh ra đã không thấy gì...

Chỉ vì không muốn cho mượn máy nghe nhạc, cùng với thái độ khiếm nhã của những người đến mượn, mà thằng bé đã vung dao chém 4 nhát vào người những vị “khách không mời mà đến”.

Bước xuống xe chở phạm nhân, nó dò dẫm như đếm từng bước chân của mình vào hội trường xử án. Khốn nỗi, càng bước về phía vành móng ngựa, ánh sáng càng tối dần. Mấy lần, nó bước đụng phải những hàng ghế hai bên lối đi.

Không may mắn như bao người khác, từ khi sinh ra mắt nó đã chỉ còn nhìn thấy được 1/10. Bước vào tuổi đến trường mầm non hôm trước, hôm sau cô giáo đã nói với bố mẹ nó rằng: anh chị coi lại chứ mắt cháu hình như kém lắm, không thấy được gì cả. Lúc này, bố mẹ nó mới giật mình, bởi trông bề ngoài nó không có vẻ gì “khuyết tật” cả, mà sao thấy nó làm gì cũng chậm. Dẫu biết là vậy nên bấy lâu nay, vì thương con nên anh chị đều làm thay tất cả, kể cả việc học hành. “Nói thật với chú, nó học được lên lớp 9 đó cũng là nhờ thầy cô thương tình. Cứ mỗi kỳ thi là vợ chồng tui lại đi xin điểm. Nếu chúng tôi không làm như vậy thì chú coi mắt mũi 10 phần chỉ còn được 1 thế kia thì sao mà học hành được. Khốn nỗi gia đình nghèo quá, không có tiền chạy chữa. Mãi đến năm lớp 6, bóp bụng mãi, vợ chồng tui mới đưa nó đi khám mắt ngoài Hà Nội, mới biết, nó bị sẹo đáy mắt, không chữa được”, chị tâm sự trong nước mắt.

Học hết lớp 9, nó phải bỏ học. Từ đó, vì mặc cảm với bạn bè, nó cứ ru rú ở nhà. “Ở nhà mãi, thấy nó cũng tội, đầu năm 2012, nhân tiện ba nó làm thuê ở Lào, đã cho nó đi theo, cũng là để có cha có con cho vui, chứ mắt mũi thế kia thì làm được việc gì”.

“Khi vợ chồng tui vô thăm nó trong tù, mấy chú công an nói: Anh chị xem thế nào chứ mắt mũi đi đâu ngã đó thì mần răng được”.

Đứng trước tòa, tôi tin rằng, nó không thể nhìn thấy 3 vị thẩm phán đang ngồi trên kia. Thay vì phải nhìn, nó đã cúi đầu lắng nghe lần lượt những câu hỏi của ba vị thẩm phán. Thỉnh thoảng, nó nhướng nhướng đôi mắt nhập nhòe hướng về phía người hỏi.

Vị chủ tọa hỏi: “Vì sao, mắt bị cáo kém thế mà vẫn chạy đi tìm được dao và rựa để dẫn đến trong lúc giằng co chiếc máy nghe nhạc đã vung dao chém người?”

- Bị cáo đi tìm dao để đề phòng, vì bị cáo sợ bố mình sẽ gặp nguy hiểm, nó trả lời.

- Vị chủ toạ lại hỏi: “Vì sao, mắt kém lại ở trong điều kiện thiếu ánh sáng mà bị cáo vẫn chém “chính xác” 4 nhát vào 2 người bị hại mà không phải là bố bị cáo?”.

Ngập ngừng một lát, nó trả lời: “Do bị cáo nghe được giọng của bố mình rồi phán đoán được”.

Sau khi nghe xong lời khai của bị cáo, bỗng nhiên, vị chủ tọa quay sang hỏi 1 trong số 2 người bị hại.

- Anh có đến nhà trọ thuê của bị cáo để mượn máy nghe nhạc không?

- Dạ có.

- Thế, tại sao bị cáo đã không cho mượn mà anh còn đánh bị cáo, rồi sau đó trở lại gây gổ với bị cáo?
Trước câu hỏi này, người bị hại im lặng.

- Khi bố của bị cáo can thiệp nhẹ nhàng: “Chúng mày đừng trẻ con, lớn cả rồi”, anh lại bất lịch sự, lên nhà đòi đánh luôn cả bố của bị cáo. Trước đó, anh có nghe lời can thiệp của bố bị cáo không?

- Dạ có.

- Câu nói của bố bị cáo có gì xúc phạm anh không?

- Dạ không.

- Thế vì sao anh lại xông lên nhà đòi đánh bố bị cáo?

- Tại vì lúc đó tôi bức xúc nên không kìm chế được mình.

Quay sang người anh, chủ tọa phiên tòa hỏi:

- Anh có biết, ai chém em của anh không, mà sau đó, nghe tin anh lại xông vào đánh 2 đấm vào mặt của bố bị cáo. Trong khi, bố của bị cáo đang băng bó vết thương cho em mình?

- Dạ không. Chỉ vì do bức xúc, tôi thấy bố của bị cáo ở đó nên đánh.

- Và sau đó, anh bị chém 3 nhát?

- Dạ.

Sự việc sau đó, dường như đã sáng tỏ, khi vị chủ tọa kết luận: "Hai anh có biết, một phần lỗi của bị cáo là do 2 anh không? Nếu 2 anh không có hành động côn đồ, trái với đạo đức, khi xúc phạm và đánh bố của bị cáo không?”. Hai nạn nhân trả lời lý nhí: “Dạ biết”. "Bị cáo chém 2 anh là hành động vi phạm pháp luật, nhưng hai anh cũng phải nhận thức được những hành động quá đáng của mình".

Dường như biết được lỗi lầm của mình, trong giờ nghỉ để hội đồng xét xử nghị án, hai bên gia đình bị cáo và người bị hại đã cùng nhau bước ra sảnh hội trường để “nói chuyện”. Câu chuyện giữa họ diễn ra cũng bình thường như bao câu chuyện khác. Hai bên cùng xin lỗi nhau và gia đình người bị hại hứa sẽ trả dần những khoản bồi thường sau khi có quyết định của tòa án. Một người chứng kiến câu chuyện đứng bên cạnh tôi nói nhỏ: “Giá như, lúc trước, họ cũng biết điều, biết kiềm chế và hòa nhã, lịch sự như thế thì đâu xảy ra chuyện như bây giờ”.

Thế nhưng đã quá muộn, hai anh em bị hại, từ những con người lành lặn, bình thường lại phải mang những thương tích không đáng có (một người bị thương tích 15% tạm thời và một người bị thương tích 24% tạm thời) vì hành vi khiếm nhã của mình. Còn nó, đứa trẻ có đôi mắt chỉ còn 1/10, sau phiên tòa, lầm lũi bước dò dẫm lên xe chở phạm nhân trở về nơi giam giữ với mức án 4 năm tù và buộc phải bồi thường cho hai người bị hại hơn 60 triệu đồng.

                                                                             Dương Công Hợp









 

,
.
.
.