Kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng rựơu, bia khi tham gia giao thông

Cập nhật lúc 15:29, Thứ Ba, 16/04/2013 (GMT+7)

(QBĐT) - Rượu, bia và vấn đề an toàn giao thông (ATGT) là nội dung không mới nhưng lại luôn "nóng" khi mà các vụ tai nạn xảy ra trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua phần lớn đều có liên quan đến việc sử dụng rượu, bia.

Tuy 3 tháng đầu năm, số vụ tai nạn giao thông có giảm 58 vụ nhưng theo đánh giá của các ngành chức năng thì nguyên nhân gây ra TNGT có liên quan đến sử dụng rượu, bia lại không hề giảm. Vì vậy, nâng cao nhận thức cho người điều khiển phương tiện giao thông không sử dụng rượu, bia cũng là một trong những vấn đề được quan tâm hiện nay.

Thời gian gần đây, những vi phạm về luật giao thông có nhiều diễn biến phức tạp, trong đó có nguyên nhân liên quan đến rượu, bia được đánh giá là khá nghiêm trọng. Ông Từ Nhật Tú, Phó phòng CSGT Công an tỉnh cho biết, thông thường, sau khi uống khá nhiều bia, rượu mà vẫn điều khiển phương tiện tham gia giao thông, người lái xe sẽ không làm chủ được bản thân, hạn chế khả năng quan sát và không kiểm soát được tay lái. Bởi vậy, rất nhiều trường hợp bị CSGT xử lý vì lạng lách, đánh võng, chạy tốc độ cao, vượt sai quy định, đi sai làn đường. Nhiều trường hợp khác khi bị CSGT dừng kiểm tra còn có thái độ chống đối, không chấp hành hiệu lệnh gây rất nhiều khó khăn cho lực lượng làm việc. Trong thời gian qua lực lượng CSGT đã nhiều lần tổ chức đo nồng độ cồn của người tham gia giao thông để hạn chế tình trạng này nhưng vẫn không xuể.

Lực lượng CSGT kiểm tra nồng độ cồn  của người tham gia giao thông
Lực lượng CSGT kiểm tra nồng độ cồn của người tham gia giao thông

Theo số liệu tổng hợp 3 tháng đầu năm 2013 của Phòng CSGT Công an tỉnh thì lực lượng CSGT toàn tỉnh đã tổ chức được 3.071 ca tuần tra và đã lập biên bản xử lý 11.937 trường hợp vi phạm. Trong đó, đã xử lý 128 trường hợp vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông. Hiện tại công tác tăng cường kiểm tra và xử phạt đối với người điều khiển phương tiện sử dụng bia, rượu vượt quá mức cho phép được triển khai tại tất cả các huyện, thành phố. Tùy vào từng đợt cao điểm, có đêm lực lượng CSGT xử phạt 30 trường hợp vi phạm, còn thông thường thì từ 10 đến 15 trường hợp mỗi đêm. Điển hình, tại huyện Lệ Thủy tối ngày 14 - 3 - 2013, lực lượng CSGT đã xử phạt 12 trường hợp sử dụng rượu, bia quá mức quy định khi tham gia điều khiển phương tiện.

Ông Từ Nhật Tú cho biết thêm, để kiềm chế và giảm dần TNGT do người điều khiển phương tiện có sử dụng rượu, bia gây ra, về phía lực lượng CSGT đã tiến hành đồng bộ các biện pháp. Ngoài việc làm tốt công tác tham mưu cho Ban ATGT các huyện, thành phố còn tổ chức hiệu quả nhiều đợt tuyên truyền pháp luật về ATGT trong đó chú trọng tuyên truyền theo chủ đề "Không điều khiển phương tiện sau khi đã uống rượu, bia"; đồng thời, tăng cường triển khai các đợt cao điểm tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm, trong đó tập trung xử lý người điều khiển phương tiện tham gia giao thông vi phạm pháp luật về nồng độ cồn, cương quyết thực hiện các biện pháp ngăn chặn và các hình thức xử phạt bổ sung như tạm giữ phương tiện, tước giấy phép lái xe. "Chúng tôi sẽ tập trung chốt chặn và kiểm tra nồng độ cồn ở các khu vực tập trung nhiều quán nhậu để hạn chế tận gốc tình trạng này. Việc này sẽ được tổ chức thường xuyên", ông Tú nói.

Tuy nhiên, ông Tú cũng khẳng định để giảm bớt tình trạng TNGT có liên quan đến việc lạm dụng rượu, bia khi tham gia giao thông, ngoài việc giáo dục quản lý và xử lý nghiêm khắc đối với các trường hợp vi phạm, cần phải nâng cao hơn nữa nhận thức của cộng đồng về tác hại của rượu, bia đối với sức khỏe. Bởi vậy, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cá nhân, gia đình, địa phương và các cơ quan chức năng. Nhưng trên hết, ý thức tham gia giao thông là yếu tố quan trọng hàng đầu, mỗi người tham gia giao thông nếu không nhận thức rõ hậu quả của bia, rượu, để tự bảo vệ chính mình và mọi người thì cho dù các cơ quan, ban, ngành có vào cuộc quyết liệt hơn nữa thì cũng không mang lại hiệu quả bền vững.

                   Rượu, bia làm mất kiểm soát

Trên thực tế, số người không tự kiểm soát được hành động của mình sau khi uống rượu, bia là rất lớn. Theo sự đánh giá của các chuyên gia y tế thì với nồng độ cồn ở mức 0,05mg/1lít khí thở thì người uống đã bị giảm sút suy nghĩ và bị kích động nhẹ dẫn đến nói nhiều hơn bình thường, từ 0,1mg/1lít khí thở thì người uống sẽ gặp khó khăn trong việc cầm nắm, đi lại sẽ vụng về hơn, từ 0,2mg/ 1lít khí thở sẽ khiến người uống dễ bị ức chế, dễ giận dữ và đi lại loạng choạng, mất thăng bằng. Tùy vào mức độ, nếu uống nhiều hơn nữa sẽ dẫn tới tình trạng có thể bị lú lẫn, không thể nhận thức được mọi việc diễn ra xung quanh. Chính vì vậy, số người bị tai nạn, thậm chí chấn thương sọ não do điều khiển phương tiện khi sử dụng rượu, bia luôn ở mức đáng báo động.

                                                                                Lan Chi

,
.
.
.