Công tác kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự: Những khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ

Cập nhật lúc 09:35, Thứ Tư, 17/04/2013 (GMT+7)

(QBĐT) - Vừa qua, tại hội nghị trực tuyến tập huấn công tác kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự của ngành Kiểm sát, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh đã nêu lên những khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ trong hoạt động tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự trên địa bàn tỉnh ta.

Đối với công tác kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam theo quy định của bộ Luật tố tụng hình sự, Pháp lệnh tổ chức điều tra hình sự, thì đồn trưởng các đồn biên phòng có quyền bắt, tạm giữ hình sự, điều tra các loại tội phạm ít nghiêm trọng thuộc địa bàn, lĩnh vực quản lý.

Tuy nhiên, tại các đồn biên phòng đóng trên địa bàn một số huyện không có buồng giam để tạm giữ các đối tượng hình sự. Việc tạm giữ số đối tượng này phải gửi tại nhà tạm giữ Công an huyện. Hơn nữa, các đồn biên phòng ở xa trung tâm nên việc dẫn giải phạm nhân gặp nhiều khó khăn và không an toàn; đồng thời sẽ mất thời gian dẫn giải nên có trường hợp sẽ quá hạn tạm giữ theo quy định của pháp luật, dẫn đến vi phạm pháp luật về thời hiệu tạm giữ.

Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh ta hiện có 5 nhà tạm giữ trên tuyến biên giới Việt-Lào. Tuy nhiên, kết cấu các buồng tạm giữ này chưa hợp lý, nhỏ hẹp, phần lớn đã bị xuống cấp. Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho công tác tạm giữ thiếu thốn, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ và chuyên môn. Việc tạm giữ hình sự chủ yếu tại các phòng trực ban, hội trường sẽ không bảo đảm, đặc biệt là các vụ án phức tạp, nghiêm trọng.

Cũng trong tình trạng tương tự, tại hầu hết các nhà tạm giữ Công an cấp huyện đã xuống cấp. Các nhà tạm giữ này xây dựng đã lâu, kết cấu ít buồng (có huyện chỉ có 2 buồng); diện tích mỗi buồng tạm giữ là 3,8m2, buồng tạm giam là 2,8m2. Nhiều lúc, số người bị tạm giữ, tạm giam bị bắt vào đông, nên có khi 3, 4 người cùng bị tạm giữ, tạm giam chung một buồng, vi phạm điều 26, Nghị định 89/1998 NĐ-CP (bình quân 2m2/người bị tạm giữ, tạm giam). Theo quy định tại điều 16, Nghị định 89/1998 NĐ-CP của Chính phủ: Khi tiếp nhận người bị tạm giữ, tạm giam thì trưởng nhà tạm giữ phải xác định tình trạng sức khoẻ của họ. Tuy nhiên, tại các nhà tạm giữ cấp huyện chưa có y, bác sĩ để thực hiện công việc này.

Trong công tác kiểm sát thi hành án hình sự, đối với việc quản lý án treo và cải tạo không giam giữ, theo Nghị định 61, thì sổ theo dõi án treo là một tài liệu bắt buộc phải có trong hồ sơ quản lý giáo dục án treo. Thực tế cho thấy, khi kiểm sát tại một số xã, đa số hồ sơ quản lý không có sổ án treo do tòa án cấp, dẫn đến người đang chấp hành hình phạt tù cho hưởng án treo, cải tạo không giam giữ bỏ đi khỏi địa phương hoặc không được quản lý, giám sát chặt chẽ.

Mặt khác, tại UBND cấp xã, phường thường bố trí một, hai cán bộ tư pháp kiêm nhiệm nhiều việc, luôn thay đổi, chưa tập huấn chuyên sâu để phối hợp với công an trong việc lập hồ sơ quản lý người đang thi hành án tại địa phương.

                                                                                        D. C. H





 

,
.
.
.