.
Thông tin thêm về bài báo “Người dân điêu đứng vì doanh nghiệp xuất khẩu lao động” ở Minh Hóa:

Cần có biện pháp xử lý đối với doanh nghiệp tuyển dụng lao động

.
23:01, Thứ Ba, 06/12/2011 (GMT+7)

(QBĐT) - Tháng 5- 2011, Báo Quảng Bình đã có loạt bài phản ánh về sự nhập nhằng trong hoạt động xuất khẩu lao động (XKLĐ) trên địa bàn huyện Minh Hóa, trong đó phân tích những nguy cơ tiềm ẩn trong lĩnh vực này, đồng thời cảnh báo dấu hiệu lừa đảo của đơn vị tuyển dụng. Tuy vậy, đến nay việc xử lý của các ngành chức năng vẫn chưa thực sự hiệu quả và hoạt động XKLĐ ở huyện nghèo này vẫn còn những tồn đọng rất khó giải quyết.

>> Bài 1: Những khoản nợ xấu

>> Bài 2: Hé lộ dấu hiệu chiếm đoạt tài sản?

Theo báo cáo của Ngân hàng chính sách xã hội huyện Minh Hóa (Ngân hàng CSXH), đến ngày 15-11-2011, Ngân hàng CSXH huyện được giao tổng nguồn vốn trên 8,5 tỷ đồng, tổng doanh số cho vay 7.279 triệu đồng, với 228 hộ vay cho 246 lao động (cho vay theo quyết định 71/2009/QĐ-TTg ngày 29-4-2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt đề án hỗ trợ các huyện nghèo đẩy mạnh XKLĐ); tổng doanh số thu nợ 637 triệu đồng và tổng dư nợ là 6.735 triệu đồng, với 226 hộ vay cho 244 lao động. Riêng trong 9 tháng năm 2011, ngân hàng đã giải ngân được 1.050 triệu đồng cho 30 lao động, do Công ty cổ phần xây dựng và cung ứng nhân lực Quang Trung tuyển dụng.

Nguyên nhân doanh số cho vay XKLĐ từ quý IV năm 2010 và 9 tháng đầu năm 2011 giải ngân thấp, là do một số công ty được phép tuyển lao động trên địa bàn huyện Minh Hóa cố tình không thực hiện đúng những cam kết khi tuyển lao động khiến cho các hộ vay và lao động không mặn mà với chính sách này. Đặc biệt nổi lên có Công ty cổ phần dịch vụ XKLĐ chuyên gia Thanh Hóa- Chi nhánh Hà Tĩnh do bà Trần Thị Thu Hoài làm giám đốc, với những biểu hiện khuất tất hiện đang được các cơ quan chức năng vào cuộc xử lý. Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, tổng dư nợ của Công ty cổ phần dịch vụ XKLĐ chuyên gia Thanh Hóa- Chi nhánh Hà Tĩnh hiện nay là 2,5 tỷ đồng, gồm 95 hộ vay vốn cho 113 lao động.

Gia đình anh Hồ Vay càng khó khăn hơn vì khoản nợ ngân hàng. Ảnh: M.V
Gia đình anh Hồ Vay càng khó khăn hơn vì khoản nợ ngân hàng. Ảnh: M.V

Đáng chú ý là trong số hộ vay chỉ có 10 hộ vay vốn ở xã Tân Hóa cho 11 lao động, số hộ còn lại chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã Dân Hóa, Hóa Sơn và Thượng Hóa (chiếm tỷ lệ 97%). Những lao động do công ty này tuyển dụng nhưng không về địa phương đưa đi lao động, không có việc làm hoặc do khám sức khỏe lại... gồm 42 lao động với số tiền vay 1.050 triệu đồng. Trong số lao động này, ngoài 1 lao động ở xã Hóa Sơn với số tiền 25 triệu đồng (do vi phạm hợp đồng), tại xã Tân Hóa có 11 lao động với số tiền vay ngân hàng 275 triệu đồng, thì đã có 10 lao động từ chối xuất cảnh vì không thỏa thuận được mức lương như đã ký kết trong hợp đồng với Công ty cổ phần dịch vụ XKLĐ chuyên gia Thanh Hóa- Chi nhánh Hà Tĩnh (một lao động trúng tuyển nghĩa vụ quân sự-N.V). Xã Thượng Hóa có 20 lao động với số tiền vay là 500 triệu đồng, gồm 4 lao động đã nộp tiền nhưng chưa đi làm việc tại Malaysia (do bị bệnh), 5 lao động đã đi làm việc ở nước ngoài nhưng bị bệnh nên phải trở về nước, 9 lao động vi phạm nội quy tại đơn vị sử dụng và 2 lao động đã đi làm việc nhưng không đáp ứng được yêu cầu. Tại xã Dân Hóa có 11 lao động với số tiền 275 triệu đồng, đã có 7 lao động nộp tiền nhưng chưa xuất cảnh (trong đó có 2 lao động không bảo đảm sức khỏe), 1 lao động đã sang Malaysia làm việc nhưng phải trở về nước vì bệnh tật và 3 lao động vi phạm nội quy của đơn vị sử dụng (theo thông báo của công ty cổ phần dịch vụ XKLĐ chuyên gia Thanh Hóa- Chi nhánh Hà Tĩnh).

Khi đối chiếu hồ sơ vay vốn và lời trình bày của hộ vay, cũng như số lao động đã đi làm việc tại Malaysia và lao động chưa xuất cảnh thì Công ty cổ phần dịch vụ XKLĐ chuyên gia Thanh Hóa đã có biểu hiện thiếu thiện chí và thiếu trách nhiệm đối với người được tuyển dụng, mục đích chủ yếu là nhận được tiền của lao động bằng mọi giá. Cụ thể, có 2 trường hợp ở xã Thượng Hóa và Dân Hóa khi đến hợp đồng thì ghi tên chồng nhưng sau đó lại đưa vợ đi XKLĐ (và ngược lại). Trước biểu hiện không minh bạch của Công ty cổ phần dịch vụ XKLĐ chuyên gia Thanh Hóa- Chi nhánh Hà Tĩnh, Ngân hàng CSXH huyện Minh Hóa đã nhiều báo cáo gửi các ban ngành chức năng để có những biện pháp tháo gỡ và xử lý tồn đọng nhằm giảm thiểu thiệt hại cho người lao động. Sau các cuộc họp này, phía Công ty do bà Trần Thị Thu Hoài làm giám đốc đã cam kết đến ngày 23-8-2011 sẽ chuyển tiền trả nợ cho cho các lao động bị bệnh lý; số lao động chưa xuất cảnh được sẽ được Công ty chuyển trả chậm nhất vào ngày 15-9-2011 (gồm tiền gốc và lãi). Tuy nhiên số liệu về lao động hủy bay, chưa bay và bị bệnh lý của Công ty này công bố (38 lao động) đã bị Ngân hàng CSXH huyện Minh Hóa bác bỏ, đồng thời đề nghị xác minh lại nhưng đến nay bà Hoài vẫn không thực hiện.

Để tiếp tục thực hiện tốt chính sách cho vay đối với lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo quyết định 71/2009/QĐ-TTg, đề nghị các ban ngành liên quan cần có những biện pháp quyết liệt để giải quyết dứt điểm các vấn đề đang tồn tại đối với Công ty cổ phần dịch vụ XKLĐ chuyên gia Thanh Hoá- Chi nhánh Hà Tĩnh nhằm thu hồi tài sản của Nhà nước và bớt đi gánh nặng về vốn vay cho đồng bào dân tộc thiểu số.

                                                                                   Minh Văn

 

 

 

 

 

 

 

 

 

,