Người dân điêu đứng vì doanh nghiệp xuất khẩu lao động

Cập nhật lúc 09:27, Thứ Sáu, 03/06/2011 (GMT+7)

 Bài 1: Những khoản nợ xấu

Bài 2: Hé lộ dấu hiệu chiếm đoạt tài sản?

 Với ước muốn XKLĐ để tăng thu nhập cải thiện đời sống, nhiều lao động ở huyện Minh Hóa đã đăng ký làm thủ tục vay vốn để nộp cho đơn vị tuyển dụng. Tuy nhiên, sau khi nhận tiền của người lao động các công ty này đã ra đi không hẹn ngày trở lại. Vậy những trường hợp này là do nguyên nhân khách quan hay hé lộ dấu hiệu chiếm đoạt tài sản của một số người có liên quan.

Đã nộp tiền xuất cảnh nhưng phải ở nhà

Theo báo cáo của UBND xã Trọng Hóa (Minh Hóa), trên địa bàn có 6 lao động do Công ty cổ phần XNK tổng hợp Sơn La- Chi nhánh Hòa Bình tuyển dụng đi làm việc ở Malaysia với thời hạn 3 năm, gồm: Hồ Vay (sinh năm 1988) ở bản Pa Choong; Hồ Chăn (sinh năm 1990), Hồ Nín (sinh năm 1990) và Hồ Ten (sinh năm 1987) đều ở bản Ra Mai; Hồ Ka (sinh năm 1990, con bà Hồ Thị Phình) và Hồ Ka (sinh năm 1990, con ông Hồ Liên) đều ở bản Ka Rét.

Gia đình anh Hồ Vay càng khó khăn hơn vì khoản nợ ngân hàng.
Gia đình anh Hồ Vay càng khó khăn hơn vì khoản nợ ngân hàng.

Được biết, 6 lao động trên vay 150 triệu đồng tại Ngân hàng chính sách xã hội huyện và đã giao tiền cho bà Trần Thị Thu Hoài từ tháng 2- 2010 nhưng đến nay vẫn chưa xuất cảnh.

 

Trên thực tế, việc ký kết hợp đồng tuyển dụng lao động và hồ sơ vay vốn tại Ngân hàng chính sách xã hội huyện đều do ông Bùi Việt Hưng (sinh năm 1976), Giám đốc Chi nhánh công ty cổ phần XNK tổng hợp Sơn La- Chi nhánh Hòa Bình ký (công ty này có trụ sở tại số nhà 142, TK6, thị trấn Lương Sơn, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình). Và người trực tiếp lập hồ sơ, đồng thời nhận tiền vay của 6 lao động là bà Trần Thị Thu Hoài (theo giấy cam kết bà Hoài là Phó giám đốc Chi nhánh).

Để giải quyết những vướng mắc cho người lao động, ngày 7- 12- 2010, UBND huyện Minh Hóa đã có buổi làm việc với bà Trần Thị Thu Hoài (lúc này bà Hoài là Giám đốc Công ty dịch vụ XKLĐ chuyên gia Thanh Hóa- Chi nhánh Hà Tĩnh) và ông Trần Anh Tuấn, cán bộ Công ty cổ phần XNK tổng hợp Sơn La- Chi nhánh Hòa Bình.

Tại buổi làm việc này, ông Tuấn đã hứa trong tháng 12- 2010, Công ty sẽ trả toàn bộ số tiền gốc và lãi cho 6 lao động qua tài khoản của Ngân hàng chính sách xã hội huyện Minh Hóa, nhưng đến nay sự việc này vẫn chưa được giải quyết. Trao đổi với chúng tôi, anh Hồ Vay cho biết: Sau khi làm thủ tục vay vốn, bà Hoài hẹn tháng 2- 2010 sẽ đưa xe ô tô về chở tôi và một số người khác để hoàn tất thủ tục xuất cảnh sang làm việc ở Malaysia với mức lương 4,5 triệu đồng/tháng.

Tuy nhiên, họ đã không giữ lời hứa khiến gia đình tôi lâm vào hoàn cảnh nợ nần, khó khăn chồng chất. Cũng trong hoàn cảnh tương tự, anh Hồ Ten cho hay: Sau khi bố tôi ký sổ vay 25 triệu đồng, Ngân hàng chính sách xã hội huyện đã giao số tiền này cho bà Hoài để làm thủ tục cho tôi đi XKLĐ ở Malaysia. Nhưng đến nay, bà Hoài đã ra đi không hẹn ngày trở lại khiến gia đình phải gánh một món nợ không có khả năng chi trả. 

Mới đây, các cơ quan chức năng đã có đề nghị UBND huyện Minh Hóa chỉ đạo các phòng ban triệu tập bà Trần Thị Thu Hoài và ông Trần Anh Tuấn để buộc phải tiếp tục giải quyết sự việc đối với người lao động như đã cam kết. Trong trường hợp bà Hoài và ông Tuấn dây dưa trốn tránh trách nhiệm, đề nghị cơ quan chức năng mở rộng điều tra xử lý theo quy định của pháp luật để bảo vệ quyền lợi cho người lao động.

Nhập nhằng với người lao động

Không dừng lại đó, Công ty cổ phần dịch vụ XKLĐ chuyên gia Thanh Hóa- Chi nhánh Hà Tĩnh (địa chỉ số 150 quốc lộ 1A, Thạch Trung, Hà Tĩnh), do bà Trần Thị Thu Hoài làm Giám đốc đã bộc lộ hiện tượng nhập nhằng đối với người lao động. Đó là trường hợp 42 lao động do Công ty này tuyển dụng, đã vay 1.050 triệu đồng tại Ngân hàng chính sách xã hội huyện Minh Hóa, trong đó tại xã Tân Hóa có 11 lao động vay 275 triệu đồng nhưng không đi XKLĐ  do không ghi rõ mức lương trong hợp đồng; xã Thượng Hóa có 20 lao động vay 500 triệu đồng; xã Dân Hóa có 11 lao động vay 275 triệu đồng và xã Hóa Sơn có 1 lao động vay 25 triệu đồng.

 

Để đi XKLĐ ở Malaysia, Công ty cổ phần XNK tổng hợp Sơn La- Chi nhánh Hòa Bình đã thu của người lao động 25 triệu đồng, bao gồm các khoản chi phí sau: Vé máy bay lượt đi, phí làm chứng chỉ CE, phí đào tạo và giáo dục định hướng, khám sức khỏe, lệ phí sân bay, đồng phục giáo trình, đóng quỹ bảo hiểm rủi ro, phí khai thác hợp đồng, phí quản lý thu trước (3 năm) và phí dịch vụ.

Qua tìm hiểu hồ sơ vay vốn và phản ánh của các hộ vay, người lao động đã đi làm việc tại Malaysia cũng như số lao động chưa xuất cảnh thì Công ty cổ phần dịch vụ XKLĐ chuyên gia Thanh Hóa- Chi nhánh Hà Tĩnh đã biểu hiện sự thiếu thiện chí và trách nhiệm đối với người lao động. Trong khi lại làm mọi cách để nhận được tiền của người lao động như: làm hợp đồng cho chồng thì đưa vợ đi và ngược lại, một số trường hợp chưa đủ tuổi nhưng làm chứng minh thêm tuổi để đưa đi lao động…

 

Do vậy, đối với những trường hợp người lao động vì ốm đau, vi phạm hợp đồng... UBND huyện Minh Hóa cần yêu cầu Công ty này trực tiếp về tại địa bàn để phân định rõ trách nhiệm nhằm thanh lý hợp đồng trả lại tiền cho người dân.

Ông Đinh Thanh Văn, Phó Chủ tịch UBND xã Thượng Hóa cho biết: Không thông qua UBND xã, Công ty cổ phần dịch vụ XKLĐ chuyên gia Thanh Hóa- Chi nhánh Hà Tĩnh đã trực tiếp đến các bản tuyển dụng một số lao động sang Malaysia làm việc nhưng sau đó bị đơn vị sử dụng lao động trả về nước vì mắc bệnh, nên cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn.

Để thực hiện có hiệu quả chính sách hỗ trợ XKLĐ, đồng thời hạn chế những rủi ro đối với người dân, UBND huyện Minh Hóa cần yêu cầu đơn vị tuyển dụng phải có văn phòng đại diện trên địa bàn, cam kết với Ban chỉ đạo XKLĐ để có phương án thu hồi khoản tiền vay cho người lao động.

  
                                                               Bài, ảnh: Minh Văn- Ngọc Hải

,
.
.
.