Người dân điêu đứng vì doanh nghiệp xuất khẩu lao động:

Bài 1: Những khoản nợ xấu

Cập nhật lúc 10:06, Thứ Năm, 02/06/2011 (GMT+7)

Một số người dân trên địa bàn huyện Minh Hóa đã có đơn khiếu nại  những đơn vị tuyển dụng lao động đi làm việc ở nước ngoài đã nhận tiền chi phí nhưng không thực hiện đúng các điều khoản như hợp đồng đã ký kết. Từ những thông tin này, chúng tôi đã tìm hiểu và nhận thấy việc xuất khẩu lao động ở Minh Hóa nảy sinh nhiều vấn đề rất phức tạp và người lao động có nguy cơ trắng tay bởi những lời hứa đường mật của  doanh nghiệp.

Thực hiện mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững của theo Nghị quyết 30a của Chính phủ và quyết định số 71/2009/QĐ-TTg ngày 29- 4- 2009 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt đề án hỗ trợ các huyện nghèo đẩy mạnh xuất khẩu lao động, góp phần giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2009- 2020.

Với những chính sách ưu đãi hỗ trợ người dân xuất khẩu lao động (XKLĐ), huyện Minh Hóa trở thành một thị trường hấp dẫn đối với những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện đã xuất hiện những nguy cơ rủi ro tiềm ẩn đối với người lao động, đặc biệt là đối với đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn.

Từ năm 2009 đến tháng 4- 2011, trên địa bàn huyện Minh Hóa đã có 700 lao động đăng ký đi làm việc ở nước ngoài, trong đó có 475 lao động đã được đào tạo ngoại ngữ, định hướng nghề nghiệp và có 194 lao động đã xuất cảnh sang các nước vùng Trung Đông, Arập Xê út, Malaysia...

Theo báo cáo đến ngày 15- 3- 2011, tổng doanh số cho vay XKLĐ qua Ngân hàng chính sách huyện Minh Hóa là 4,8 tỷ đồng với 163 lao động, tổng doanh số thu nợ đạt 800 triệu đồng. Ngoài ra, tổng dư nợ cho vay XKLĐ trên địa bàn là 7.218 triệu đồng với 266 hộ vay cho gần 280 lao động, trong đó dư nợ cho vay theo quyết định số 71/2009/QĐ-TTg là 6.206 triệu đồng với 266 lao động. Qua công tác kiểm tra, đối chiếu số lao động đã vay vốn tại Ngân hàng chính sách xã hội huyện đã xuất hiện tình trạng dây dưa về nợ và mất khả năng thanh toán đã xảy ra.

Người lao động tham dự lớp tập huấn đào tạo nghề.
Người lao động tham dự lớp tập huấn đào tạo nghề.



       Hiện nay, trên địa bàn huyện Minh Hóa có 3 đơn vị tuyển dụng lao động theo quyết định số 71/2009/QĐ-TTg, gồm: Công ty cổ phần xây dựng và cung ứng nhân lực Quang Trung, Công ty cổ phần dịch vụ XKLĐ chuyên gia Thanh Hóa- Chi nhánh Hà Tĩnh, Công ty cổ phần XNK tổng hợp Sơn La- Chi nhánh Hòa Bình và hàng loạt đơn vị cùng tham gia đưa người đi làm việc ở nước ngoài.

 

Tùy theo từng thị trường lao động, thông qua Ngân hàng chính sách xã hội huyện, người dân sẽ được hướng dẫn vay vốn để làm các thủ tục xuất cảnh và các chi phí khác. Tuy vậy, đã xuất hiện trường hợp một số đơn vị tuyển dụng lao động cố tình dây dưa không thanh toán tiền đã nhận của lao động để hộ vay trả nợ ngân hàng. Bên cạnh đó, người lao động vi phạm nội quy làm việc ở nước ngoài, số lao động về nước trước thời hạn rất khó thu nợ, thu lãi.

Đến nay, tổng số nợ quá hạn và số nợ khó thu, nợ có vấn đề chưa được xử lý trên địa bàn huyện Minh Hóa là 2.335 triệu đồng, chiếm gần 33% trong tổng dư nợ. Nguyên nhân chủ yếu là do các đơn vị này nhưng không đưa lao động đi xuất cảnh hoặc do lao động đau ốm, vi phạm hợp đồng. Về khoản cho vay XKLĐ truyền thống từ trước đến nay, tổng số lao động đã nhận tiền vay nhưng không đi XKLĐ được là 2 người với số tiền 60 triệu đồng, nguyên nhân là do nhân viên tuyển dụng nhận tiền nhưng không nộp cho công ty và hiện đang bị Công an thành phố Hà Nội bắt giam để điều tra.

Hiện số lao động tại Malaysia hiện nay đã về nước vì khủng hoảng kinh tế và mức thu nhập thấp, nhưng chưa có tiền trả nợ cho ngân hàng là 28 lao động với số tiền 471 triệu đồng.

Người dân ở huyện nghèo Minh Hóa đăng ký XKLĐ với mong muốn tăng thu nhập, góp phần xóa đói giảm nghèo nhưng do thiếu thông tin về các cơ chế chính sách hỗ trợ nâng cao trình độ văn hóa, học nghề, ngoại ngữ… nên gặp không ít khó khăn khi hòa nhập với môi trường làm việc ở nước sở tại.

Trong khi có nhiều doanh nghiệp tham gia vào thị trường này ở trên địa bàn nên lao động có nhu cầu rất khó để chọn cho mình một địa chỉ tin cậy nếu không có sự giúp đỡ của chính quyền địa phương. Do đó đã xuất hiện sự nhập nhằng trong việc tuyển dụng, vay vốn ngân hàng khiến nhiều trường hợp lao động đã trở thành con nợ khiến cuộc sống của họ gặp rất nhiều khó khăn.

Đặc biệt, có những công ty nhận tiền rồi không thực hiện theo đúng như hợp đồng đã ký kết bỏ mặc người lao động mòn mỏi đợi ngày xuất cảnh và món nợ đến kỳ đáo hạn.


                                                                           Bài, ảnh: Minh Văn- Ngọc Hải

Bài 2: Hé lộ dấu hiệu chiếm đoạt tài sản?                                          

,
.
.
.