.

Nông nghiệp công nghệ cao thích ứng với biến đổi khí hậu

.
08:21, Thứ Năm, 09/08/2018 (GMT+7)

(QBĐT) - Vài năm trở lại đây, không ít người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh ta đã chú trọng đến việc ứng dụng công nghệ cao (CNC) vào sản xuất nông nghiệp. Trồng rau quả theo mô hình thuỷ canh, giá thể, trong nhà màng; sử dụng hệ thống tưới nước tiết kiệm trên cây trồng; chăn nuôi khép kín trong chuồng lạnh; ứng dụng các quy trình sản xuất và công nghệ sinh học tiên tiến, như: SRI trên lúa, nuôi cấy mô đối với trồng rừng gỗ lớn...đang là cách để người làm nông nghiệp tỉnh ta thích ứng với biến đổi khí hậu.

Đa dạng mô hình nông nghiệp công nghệ cao

Những năm gần đây, thời tiết khí hậu biến đổi bất thường, vì vậy đầu tư cho sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC đang là hướng đi được nhiều người quan tâm và từng bước tạo đột phá trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh.

Mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC của vợ chồng anh Dương Trí Quang (Ngư Thuỷ Bắc).
Mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC của vợ chồng anh Dương Trí Quang (Ngư Thuỷ Bắc).

Trong lĩnh vực trồng trọt, mô hình sản xuất của Công ty CP thực phẩm xanh Đông Dương (Đồng Hới), HTX sản xuất Nông nghiệp CNC Kiến Giang, trang trại rau sạch của vợ chồng anh Dương Trí Quang (Lệ Thuỷ)... đang là điểm nhấn ứng dụng CNC được nhiều người biết đến.

Tròn 2 năm khởi nghiệp với mô hình ứng dụng CNC trong sản xuất rau sạch với quy mô diện tích gần 2.000m2, đến nay, vợ chồng anh Dương Trí Quang ở xã Ngư Thủy Bắc đã xây dựng được thương hiệu "Quang organic farm" cung cấp sản phẩm cho các siêu thị, cửa hàng rau củ quả sạch trên địa bàn tỉnh.

Hiện tại, vợ chồng anh Quang đang phát triển mô hình trồng dưa lưới và cà chua bi theo hướng hữu cơ trên giá thể trong nhà màng và ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt của Israel. Nhờ đó, sản phẩm dưa lưới và cà chua bi của trang trại phát triển tốt; dưa lưới đạt sản lượng 5 tấn/4.500 gốc dưa, cà chua bi cho năng suất 3kg quả/cây.

Đối với ngành chăn nuôi, hiện đã có hàng chục trang trại ứng dụng CNC nhằm bảo đảm an toàn dịch bệnh và hạn chế ô nhiễm môi trường. Nổi bật là dự án chăn nuôi bò CNC của Công ty TNHH Hoà Phát Quảng Bình (Bố Trạch) quy mô 27.000 con/năm với tổng mức đầu tư gần 1.000 tỷ đồng, Công ty TNHH Buntaphan Quảng Bình (Quảng Ninh) quy mô ban đầu 2.400 lợn nái sinh sản; mô hình chăn nuôi lợn trong chuồng lạnh của anh Nguyễn Văn Trung ở Mai Thuỷ, anh Đinh Đăng Tuân ở Hưng Thuỷ (Lệ Thuỷ) quy mô trên 1.000 con/lứa; 8 trang trại chăn nuôi lợn CNC ở Bố Trạch liên kết với Công ty Cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam quy mô từ 1.000-2.000 con/lứa, mỗi năm 2 lứa...

Theo chủ trang trại Nguyễn Văn Trung ở xã Mai Thuỷ, chăn nuôi lợn trong chuồng khép kín đạt hiệu quả cao hơn, tránh được dịch bệnh so với phương thức chăn nuôi thông thường nhờ được quản lý chặt chẽ từ con giống, thức ăn, vắc xin thú y và môi trường sinh trưởng.

Bên cạnh đó, CNC còn được tích hợp ứng dụng trong nông nghiệp bao gồm: cơ giới hóa các khâu của quá trình sản xuất, thu hoạch, sơ chế, chế biến; tự động hóa, công nghệ thông tin, công nghệ vật liệu mới, công nghệ sinh học; các giống cây trồng, vật nuôi năng suất, chất lượng cao; các quy trình canh tác tiên tiến, canh tác hữu cơ nhằm thu được hiệu quả kinh tế cao trên một đơn vị sản xuất.

Điển hình là mô hình tưới tiết kiệm trên rau màu, hồ tiêu, cây ăn quả, như: cam, bưởi, bơ..., tập trung chủ yếu tại huyện Bố Trạch, Lệ Thuỷ, TP. Đồng Hới với hàng trăm mô hình ứng dụng hiệu quả, giúp giảm công lao động, giảm lượng nước tưới đến 50%.

Mô hình canh tác lúa cải tiến SRI với tổng diện tích áp dụng gần 5.400ha từ vụ đông-xuân 2012-2013 đến nay, giúp tiết kiệm đến 50% lượng giống gieo, 40% lượng nước tưới, 50% thuốc bảo vệ thực vật và giảm 30% phát thải khí nhà kính.

Phát triển rừng trồng gỗ lớn từ giống giâm hom, nuôi cấy mô đạt tỷ lệ 60,8% lượng cây giống. Tỷ lệ cơ giới hoá trong các khâu làm đất lúa đạt gần 90%, làm đất cây màu 56%, thu hoạch lúa 80%, bảo quản thuỷ sản 85%...

Cần “tiếp lửa”...

Phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC hiện đang được xem là hướng phát triển tất yếu nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất nông nghiệp, đồng thời khắc phục những khó khăn, bất lợi của thiên tai, thời tiết và thích ứng tốt với biến đổi khí hậu.

Theo anh Dương Trí Quang ở xã Ngư Thuỷ Bắc, nếu so sánh về mức đầu tư và hiệu quả mang lại thì việc áp dụng CNC trong sản xuất nông nghiệp mang lại lợi nhuận lớn và ổn định hơn so với sản xuất truyền thống.

Tuy nhiên, ứng dụng CNC trong sản xuất nông nghiệp là lĩnh vực mới nên điều cốt lõi là phải thay đổi tư duy sản xuất truyền thống sang tư duy sản xuất mới hiện đại, tiên tiến. Bên cạnh đó, rất cần nguồn vốn đầu tư cũng như cơ chế hỗ trợ để việc ứng dụng các công nghệ vào sản xuất được thuận lợi.

Trên thực tế, thời gian qua, tỉnh ta đã thực hiện nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho các hộ sản xuất và doanh nghiệp, HTX ứng dụng CNC trong sản xuất, kinh doanh. Riêng năm 2018, từ nguồn chính sách nông nghiệp, Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư đã hỗ trợ thực hiện nhiều mô hình nông nghiệp ứng dụng CNC, như: mô hình liên kết sản xuất cây có múi gắn với tưới theo công nghệ Israel quy mô 4ha tại xã Kim Hoá (Tuyên Hoá); mô hình lắp đặt hệ thống tưới Israel trên cây cam quy mô 4ha tại xã Trường Thuỷ (Lệ Thuỷ); xây dựng nhà lưới và lắp đặt công nghệ tưới tiết kiệm cho mô hình sản xuất rau an toàn gắn với thương hiệu cho HTX trồng rau an toàn xã Quảng Liên (Quảng Trạch)...

Là địa phương tiên phong trong việc khuyến khích đẩy mạnh ứng dụng CNC vào sản xuất, huyện Lệ Thuỷ đã tập trung triển khai nhiều biện pháp thiết thực, trong đó có cơ chế hỗ trợ kinh phí cho hộ sản xuất, doanh nghiệp. Nhờ đó, trên địa bàn hiện đã có nhiều mô hình nông nghiệp ứng dụng CNC, điển hình như mô hình canh tác lúa cải tiến SRI, chăn nuôi lợn trong chuồng lạnh, tưới nước tiết kiệm, trồng rau quả trong nhà màng, trên giá thể...

Nông dân huyện Bố Trạch ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước của Israel nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu.
Nông dân huyện Bố Trạch ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước của Israel nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu.

Tuy nhiên, theo đánh giá, sự hỗ trợ này vẫn còn quá ít ỏi, chưa đáp ứng được nhu cầu lớn về nguồn vốn để mở rộng sản xuất. Đây cũng là khó khăn chung mà anh Dương Trí Quang (Ngư Thuỷ Bắc), bà Dương Thị Vinh (HTX nông nghiệp CNC Kiến Giang), anh Nguyễn Văn Trung (Mai Thuỷ)... chia sẻ, và cũng là trăn trở của nhiều hộ gia đình trên địa bàn tỉnh mong muốn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp CNC.

Cùng với nhu cầu về nguồn vốn, những mô hình nông nghiệp bước đầu ứng dụng CNC vào sản xuất cũng rất cần sự quan tâm, hỗ trợ của chính quyền các cấp và các ban, ngành liên quan trong việc xây dựng chuỗi liên kết quảng bá thương hiệu và tiêu thụ sản phẩm.

Theo ông Phan Văn Khoa, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, hiện tại, tỉnh ta đang đẩy mạnh tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị với quy mô lớn hơn phù hợp với lợi thế, nhu cầu thị trường và thích ứng với biến đổi khí hậu. Trong đó, đặc biệt ưu tiên ứng dụng khoa học công nghệ, nhất là CNC, đây được xem là điểm nhấn phát triển của nông nghiệp tỉnh ta đến năm 2030.

Trên cơ sở đó, Sở Nông nghiệp và PTNT sẽ tiếp tục hỗ trợ ứng dụng nông nghiệp CNC trong sản xuất, trước mắt tập trung từ nguồn chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp hàng năm; đồng thời tiếp tục huy động nguồn lực của Trung ương, địa phương và các tổ chức phi chính phủ để có hướng phát triển lâu dài.

Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục khuyến khích xây dựng và phát triển các vùng sản xuất tập trung, cánh đồng lớn gắn với đẩy mạnh thực hiện liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm giữa nông dân và doanh nghiệp cũng như phát triển sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ... nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu.

Ngọc Lan
 

,