.

Vật liệu xanh-xu hướng xây dựng hiện đại

.
08:51, Chủ Nhật, 22/07/2018 (GMT+7)

(QBĐT) - Sử dụng vật liệu thân thiện môi trường (vật liệu xanh) đang trở thành xu thế tất yếu và là mục tiêu hướng tới của ngành công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng. Đến nay, vật liệu xanh không ngừng phát triển từ vật liệu xây đến vật liệu hoàn thiện. Dẫu còn nhiều bỡ ngỡ trước loại vật liệu mới này, nhưng nhiều công ty xây dựng cũng như người dân Quảng Bình đã dần tiếp cận và sử dụng vật liệu xanh trong các công trình phục vụ cuộc sống.

Đa dạng vật liệu xanh

Sử dụng vật liệu xây dựng xanh là sử dụng những vật liệu sản xuất theo công nghệ xanh, sạch, tái tạo, các loại vật liệu thay thế, vật liệu địa phương. Vật liệu xây dựng xanh bao gồm cả vật liệu xây dựng truyền thống đang có tác động tích cực đến các công trình xây dựng. Các loại vật liệu này giúp tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường.

Các vật liệu gỗ công nghiệp được Công ty TNHH tư vấn xây dựng Mét Vuông sử dụng tại các công trình thi công.
Các vật liệu gỗ công nghiệp được Công ty TNHH tư vấn xây dựng Mét Vuông sử dụng tại các công trình thi công.

Đến thăm một cửa hàng nội thất tại TP. Đồng Hới, chúng tôi được biết cửa hàng mới đưa vào sử dụng một loại vật liệu mới là cửa nhựa gỗ composite.

Anh Nguyễn Sơn, chủ cửa hàng nội thất này cho biết: “Cửa nhựa gỗ composite chịu được môi trường có độ ẩm cao mà không bị co ngót hay cong vênh, bị vàng ố như những loại cửa khác vì toàn bộ khung được làm bằng nhựa tổng hợp cao cấp và các chất phụ gia không gây hại tới sức khỏe của con người. Bởi vậy, cửa nhựa gỗ composite là một sự lựa chọn thích hợp làm cửa đi thông phòng, cửa khách sạn, chung cư, vừa bền, chắc đẹp và thân thiện với môi trường”.

Cùng với sản phẩm cửa nhựa gỗ composite, gạch bê tông nhẹ cũng đã xuất hiện trên thị trường. Đây là sản phẩm dùng công nghệ chưng áp khí, không nung, giảm được chất thải, không ảnh hưởng môi trường.

Theo các nhà sản xuất, do cấu trúc và thành phần bê tông nhẹ nên mặc dù có giá thành cao hơn gạch thông thường khoảng 10-15%, nhưng sản phẩm gạch bê tông nhẹ lại giảm được nhiều chi phí khác, như: nền móng, vữa xây tô, điện năng điều hoà không khí…

Với xu hướng xây dựng hiện đại, vật liệu xây dựng xanh ngày càng xuất hiện nhiều trên thị trường với nhiều sản phẩm đa dạng, phong phú, như: sơn thân thiện môi trường, các loại ngói hoặc gạch được làm từ nguyên liệu phế thải công nghiệp hoặc nguyên liệu mới, xốp cách nhiệt XPS, tôn lợp sinh thái, gỗ ốp tường xanh, xi măng xanh…

Đặc biệt, loại vật liệu công nghiệp xây dựng mang tên Ubot cũng đã có mặt trên thị trường Quảng Bình trong khoảng vài năm trở lại đây. Sản phẩm này là sáng chế của Tập đoàn Daliform - Italia sản xuất.

Với thiết kế hộp định hình dạng rỗng, làm từ nhựa tái sinh, được sử dụng để tạo sàn phẳng không dầm vượt nhịp lớn. Đây là giải pháp kết cấu sàn nhẹ tối ưu được sử dụng trong ngành vật liệu xây dựng với mục đích tiết kiệm vật liệu, giảm chi phí và thân thiện với môi trường.

Trao đổi với chúng tôi, anh Đỗ Trung Phương, đại lý Ubot tại Quảng Bình chia sẻ: “Ưu điểm vượt trội của Ubot là chiếm lợi thế về kích thước, có thể xếp chồng lên nhau, dễ dàng vận chuyển, bảo quản ngoài trời và đặc biệt không dễ vỡ.

Hình dáng cải tiến, độ dày và kích thước linh hoạt cùng khả năng chống cháy tốt. Trong và sau quá trình đổ bê tông, Ubot không bị biến dạng do trọng lượng bê tông hoặc do các hoạt tải”.

Dần được người tiêu dùng hướng đến

Trong bối cảnh các công ty sản xuất vật liệu xây dựng trên thế giới đang sử dụng các phương pháp sinh thái, không nguy hại và có thể tái chế để làm ra vật liệu composite, gỗ, thuỷ tinh, xi măng và vật liệu lợp xi măng thì tại Việt Nam vẫn còn những cản trở, vướng mắc trong việc sử dụng vật liệu xây dựng thân thiện môi trường.

Theo các chuyên gia vật liệu xây dựng đánh giá, vật liệu xây dựng và trang trí xanh vẫn chưa được phổ biến rộng rãi vì vướng vào tâm lý ngại dùng loại mới với cách làm mới.

Trong khi đó, tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là các nguồn vật liệu xây dựng tự nhiên (cát, sỏi, đá, gỗ…) đang ngày càng cạn kiệt. Việc khai thác tài nguyên quá mức phục vụ nhu cầu xây dựng của thị trường đã dẫn đến những ảnh hưởng nghiêm trọng đối với môi trường sống hiện tại.

Nhằm khuyến khích việc sản xuất và sử dụng vật liệu xanh, Chính phủ đã ký quyết định phê duyệt Chương trình phát triển vật liệu xây dựng không nung đến năm 2020 với mục tiêu phát triển sản xuất và sử dụng vật liệu xanh thay thế gạch đất sét nung đạt tỷ lệ 20-25% vào năm 2015 và 30-40% vào năm 2020.

Bộ Xây dựng cũng có Thông tư 09/2012/TT-BXD, ra ngày 18-10-2012, quy định sử dụng vật liệu xây không nung trong các công trình xây dựng. Thông tư này nêu rõ: tại các công trình xây dựng bằng vốn Nhà nước buộc phải sử dụng vật liệu không nung ở các đô thị loại 2, tối thiểu phải 50% và đô thị loại 3 là 100%.

Tỉnh Quảng Bình cũng đã thực hiện nhiều chính sách khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp xây dựng thân thiện với môi trường. Hiện nay, tỉnh Quảng Bình có khoảng 11 nhà máy sản xuất vật liệu không nung đạt chuẩn, 1 nhà máy sản xuất nhựa composite và 1 nhà máy gỗ ván ép hoạt động khá hiệu quả.

Nhận thấy vật liệu xây dựng không nung là xu hướng phát triển cần thiết trong việc giảm tác động đến môi trường, Công ty CP Khoáng sản Thuận Sơn đã đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất gạch không nung tại cụm Công nghiệp Bắc Nghĩa, TP. Đồng Hới, với tổng diện tích trên 6.000 m2.

Hiện tại, công ty có nhiều chủng loại, mẫu mã sản phẩm từ gạch đặc, dùng để xây móng và tường chịu lực, đến gạch 6 lỗ vuông có độ rỗng trên 30%, dùng để xây tường ngăn, trọng lượng nhẹ.

Đặc biệt, các loại gạch 2 lỗ truyền thống và gạch 6 lỗ truyền thống đang được thị trường ưa chuộng. Sản phẩm của công ty CP Khoảng sản Thuận Sơn đa dạng kích thước, đáp ứng mọi quy chuẩn về độ dày tường xây, với nhiều ưu điểm vượt trội so với gạch nung về cường độ chịu lực, chịu nhiệt cao, độ thấm nước thấp, tiến độ xây dựng nhanh… Do đó, sản phẩm của công ty đang dần được nhiều khách hàng biết đến và lựa chọn.

Cũng với xu hướng sản xuất các vật liệu thân thiện với môi trường, công ty TNHH sản xuất Composite Miền Trung (xã Thanh Trạch, huyện Bố Trạch) lại chuyên sản xuất về nhựa composite - thuỷ tinh, một chất liệu mới có thể thay thế cho gỗ, sắt thép, xi măng,… tạo ra những sản phẩm chất lượng cao mà không gây ô nhiễm môi trường.

Ông Trần Đình Tĩnh, Giám đốc công ty TNHH sản xuất Composite Miền Trung cho biết: “Từ nhựa composite, công ty chúng tôi đã sản xuất ra nhiều sản phẩm khác nhau, như: tàu thuyền, thùng chứa rác, bình biogas, nắp hố ga…

Vật liệu composite đã được dùng làm bể bơi tại Chày Lập Farmstay (ảnh Công ty TNHH sản xuất Composite Miền Trung cung cấp).
Vật liệu composite đã được dùng làm bể bơi tại Chày Lập Farmstay (ảnh Công ty TNHH sản xuất Composite Miền Trung cung cấp).

Ban đầu, khi đưa sản phẩm có chất liệu hoàn toàn mới với ngành công nghiệp Quảng Bình, công ty gặp phải nhiều khó khăn, đặc biệt là sự e dè của người dân với sản phẩm mới. Tuy nhiên, với phương châm “mưa dầm thấm lâu”, bằng chất lượng và chữ tín của mình, các sản phẩm do công ty sản xuất đã được khách hàng trong và ngoài tỉnh đón nhận”.

Có thể thấy, với ưu điểm vượt trội của sản phẩm cùng tính thân thiện với môi trường, vật liệu xây dựng xanh đang dần được nhiều tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh Quảng Bình lựa chọn để ứng dụng trong các công trình xây dựng.

Là công ty ứng dụng khá nhiều các sản phẩm từ vật liệu xây dựng xanh, anh Đặng Ngọc Viễn, Giám đốc Công ty TNHH tư vấn xây dựng Mét Vuông cho biết: “Công ty của chúng tôi đi vào hoạt động từ năm 2014. Ngay khi mới khởi động, chúng tôi đã giới thiệu với khách hàng các sản phẩm vật liệu xây dựng xanh để thi công tại các công trình, như: nhà ở, nhà hàng, khách sạn…

Sau một thời gian, tôi nhận thấy, hiện nay, người tiêu dùng đã sử dụng vật liệu xanh nhiều hơn, chiếm khoảng tầm 40-50%, trong đó sử dụng nhiều vẫn là gỗ công nghiệp, gạch không nung, cửa nhựa, cửa nhôm”.

Với sự phát triển vượt bậc về công nghệ của thế giới, trong tương lai không xa, sử dụng vật liệu xanh trong xây dựng là hướng đi tất yếu của ngành công nghiệp vật liệu xây dựng và là lựa chọn khôn ngoan của người tiêu dùng.

Lê Mai

 

,
  • Chuyển đổi sinh kế cho ngư dân bãi ngang

    (QBĐT) - Sự cố môi trường biển đã ảnh hưởng rất lớn đến đời sống và sản xuất của nông dân huyện Lệ Thủy, nhất là những ngư dân sống ở các xã bãi ngang ven biển vùng Ngư Thủy.

    22/07/2018
    .
  • Thị xã Ba Đồn: Thiệt hại nuôi trồng thủy sản do mưa lớn

    (QBĐT) - Hiện nay, tại một số địa phương trên địa bàn thị xã Ba Đồn xuất hiện tình trạng cá lồng trên sông bị chết rải rác, điển hình là tại xã Quảng Minh.

    21/07/2018
    .
  • Phân bón Sông Gianh, hành trình khẳng định thương hiệu

    (QBĐT) - Có mặt trên thị trường cách đây gần 30 năm, phân bón Sông Gianh (Tổng công ty Sông Gianh, phường Quảng Thuận, TX. Ba Đồn) đã có một bề dày phát triển bền vững, ngày càng tạo được thương hiệu, uy tín rộng khắp trên toàn đất nước và đang vươn tầm quốc tế.

    21/07/2018
    .
  • Quảng Ninh: Định hướng áp dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp

    (QBĐT) - UBND huyện Quảng Ninh vừa phối hợp với các sở: Nông nghiệp-PTNT, Sở Khoa học-Công nghệ tổ chức hội thảo đề án "Nâng cao giá trị trên đơn vị diện tích thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp sử dụng công nghệ cao giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2025".

     

    21/07/2018
    .
  • Giá trị tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh 6 tháng đầu năm đạt 11.222 tỷ đồng

    (QBĐT) - Với việc thực hiện sớm và đồng bộ các giải pháp, tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2018 của tỉnh tiếp tục ổn định và phát triển.

    20/07/2018
    .
  • Chuyển đổi cây trồng thích ứng với biến đổi khí hậu

    (QBĐT) - Thực hiện kế hoạch chuyển đổi câytrồng trên đất vườn đồi, từ năm 2014 đến nay, xã Trường Thủy, huyện Lệ Thủy đã khuyến khích người dân chuyển đổi diện tích đất trồng cây keo lai, đất vườn tạp sang trồng một số loại cây, như: cam, bưởi, thanh long ruột đỏ, cây dược liệu…, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao và từng bước thích ứng với biến đổi khí hậu.

    20/07/2018
    .
  • Bồi dưỡng kiến thức mới về kinh doanh khí

    (QBĐT) - Ngày 19-7, Sở Công thương tổ chức bồi dưỡng kiến thức triển khai thực hiện Nghị định số 87/2018/NĐ-CP ngày 15-6-2018 của Chính phủ về kinh doanh khí cho 200 học viên là lãnh đạo quản lý các sở, ngành, đơn vị liên quan và các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh khí trên địa bàn tỉnh.
    19/07/2018
    .
  • Chuyện gia đình Vân Kiều làm kinh tế giỏi

    (QBĐT) - Gia đình anh Hồ Thương (SN 1965) và chị Hồ Thị Ấn (SN 1967) ở bản Cửa Mẹc, xã Ngân Thủy, huyện Lệ Thủy là minh chứng cho sự nỗ lực vươn lên, làm giàu của đồng bào Vân Kiều...

    19/07/2018
    .