.

Tiếp lửa "giấc mơ" nông nghiệp sạch

.
11:29, Thứ Ba, 03/07/2018 (GMT+7)

(QBĐT) - Mở trang trại nuôi thỏ để chế biến các sản phẩm từ thịt thỏ là ý tưởng khá mới mẻ trên địa bàn tỉnh ta. Đây cũng là hướng khởi nghiệp đầy táo bạo của vợ chồng chị Nguyễn Thị Sương và anh Bùi Thanh Nam, thôn Tây, xã Vạn Ninh, huyện Quảng Ninh.

Tay trắng khởi nghiệp

Phải qua nhiều cái hẹn bị bỏ lỡ, chúng tôi mới có dịp tham quan toàn bộ trang trại chăn nuôi thỏ của vợ chồng chị Nguyễn Thị Sương; bởi như lời giới thiệu của ông Lê Ngọc Huân, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Quảng Ninh: “Vợ chồng nhà đó “được” lắm, còn trẻ nhưng rất mạnh dạn; nhanh nhẹn, có tầm nhìn và đặc biệt là rất chịu khó mang sản phẩm tiếp cận thị trường”.

Để sản phẩm đến gần hơn với người tiêu dùng, chị Nguyễn Thị Sương đặc biệt ưu tiên khâu quảng bá, giới thiệu.
Để sản phẩm đến gần hơn với người tiêu dùng, chị Nguyễn Thị Sương đặc biệt ưu tiên khâu quảng bá, giới thiệu.

Giữa vùng đất đồi ở thôn Tây, xã Vạn Ninh, huyện Quảng Ninh, nhìn khuôn viên trang trại rộng chừng 2.500m2 với trên 200 thỏ nái và 1.000 con thỏ giống, ít ai nghĩ rằng cơ ngơi này được vợ chồng chị Sương tạo dựng từ đôi bàn tay trắng.

Dẫn chúng tôi tham quan một vòng trang trại, chị Nguyễn Thị Sương chân tình, cởi mở: "Mình và anh xã vốn chẳng phải là dân nông nghiệp “chuyên”, bởi một người là cử nhân công nghệ thông tin, một người là cử nhân ngoại ngữ.

Nhưng với vợ chồng mình, nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp sạch lại có sức hấp dẫn ghê gớm. Vậy là cứ tự đọc sách, tự tìm tài liệu tích lũy dần kiến thức và “gắn kết” thực sự với nông nghiệp sạch từ lúc nào không hay".

Năm 2014, sau khi về chung một nhà, vợ chồng chị Sương quyết định ra riêng. Trên nền đất đồi thôn Tây, nhìn bốn bề cây cối rậm ri, thưa thớt người qua lại, nhìn “vốn liếng” vẻn vẹn chỉ gồm 10 con thỏ giống bà ngoại cho để mang theo, không ít lần đôi vợ chồng trẻ nhìn nhau ái ngại.

Phải bắt đầu từ đâu? Làm từ những việc gì?... Hàng trăm câu hỏi bủa vây như thách thức, thúc giục ý chí của đôi vợ chồng trẻ. Và rồi, bước qua những dè dặt, lo ngại của buổi ban đầu ấy, vợ chồng chị Sương bắt đầu tự tay đặt từng viên gạch đầu tiên, cần mẫn gây dựng trang trại để nuôi thỏ.

Đáp lại sự cố gắng của vợ chồng chị, đàn thỏ cứ thế lớn dần, từ 10 con thỏ giống đã cho ra 100 con rồi đến 200 con. Vậy nhưng, “niềm vui ngắn chẳng tày gang”, 2 năm đầu khởi nghiệp là 2 lần đàn thỏ của vợ chồng chị gần như bị xóa sổ hoàn toàn vì dịch bệnh.

Gác lại những khoản vay mượn chưa kịp trả, những dự định chưa kịp thực hiện, vợ chồng chị Sương lại kiên nhẫn xách từng con thỏ xuống các cơ sở thú y để “bắt” bệnh, tìm thuốc chữa bệnh rồi lại tự kiếm thêm giống gây dựng lại đàn.

Nhờ chịu khó học tập kiến thức về chăn nuôi, nghiêm túc thực hiện quy chuẩn về vệ sinh chuồng trại nên trang trại của vợ chồng anh chị tránh được các loại dịch bệnh, nhất là bệnh tụ huyết trùng- một loại bệnh rất dễ xảy ra đối với thỏ nếu không giữ vệ sinh chuồng trại và lựa chọn nguồn thức ăn thật sạch sẽ.

Đến nay, trang trại của vợ chồng chị đã có hơn 200 nái và trên 1.000 thỏ con, chủ yếu là giống thỏ New Zealand và thỏ Việt cỏ lai tạo. Theo chị Nguyễn Thị Sương, giống thỏ này có khả năng sinh sản nhanh, dễ nuôi và hoàn toàn phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu ở địa phương.

Nuôi thỏ không phải lo đầu ra, vì nhu cầu tiêu thụ thịt và con giống trên thị trường hiện nay khá cao. Chị Sương tính toán, một con thỏ mẹ đẻ 5-6 lứa mỗi năm, một lứa đẻ từ 6 đến 10 con. Thỏ nuôi khoảng 85 đến 100 ngày là có thể xuất bán nên rất nhanh có lãi.

Tiên phong vì nông nghiệp sạch

Bám sát định hướng phát triển chăn nuôi nông nghiệp sạch, các loại thức ăn cho thỏ đều được vợ chồng chị tận dụng từ cây cỏ có sẵn trong vườn. Với quy trình sản xuất gần như khép kín, chị Sương tự trồng cỏ để cung cấp thức ăn cho thỏ; phân thỏ sau đó được thải ra sẽ ủ hoai và bón ngược lại vào trong gốc cỏ để vừa tiết kiệm chi phí vừa bảo đảm vệ sinh môi trường.

Không dừng lại ở đó, với mong muốn tạo ra được một sản phẩm đặc trưng riêng, có thương hiệu riêng từ thịt thỏ, vợ chồng chị Sương đã tự mày mò học tập và chế biến các sản phẩm từ thịt thỏ để xuất ra thị trường.

Với quy trình mổ treo (mổ khô), hiện cơ sở của chị đã cung cấp cho thị trường các sản phẩm được chế biến từ thịt thỏ với tên gọi Thỏ Ruby gồm: thỏ mộc hàm (thỏ được làm sạch, để nguyên con), dăm bông thịt thỏ, thỏ nướng, thỏ xào sả ớt, thỏ giả cầy… Từ quy trình mổ treo này, tất cả các sản phẩm Thỏ Ruby đều được chế biến sẵn, có kèm theo gói gia vị và được đóng gói hoàn chỉnh.

Để các sản phẩm nông nghiệp sạch của mình có thể đến gần hơn với người tiêu dùng, vợ chồng chị Sương luôn tích cực tham gia các hội chợ, hội nghị giới thiệu sản phẩm. Đặc biệt, sản phẩm Thỏ Ruby đã được chứng nhận đầy đủ về vệ sinh an toàn thực phẩm và được người tiêu dùng yêu thích do thỏ được nuôi tại trang trại sử sụng chủ yếu là thức ăn từ cỏ và bột bắp, hoàn toàn nói không với dư lượng kháng sinh, không chất tăng trọng.

Nhờ vậy, tuy mới chỉ tung ra thị trường chưa lâu, nhưng các sản phẩm Thỏ Ruby đã chinh phục được niềm tin người tiêu dùng, có mặt ở các địa phương trong tỉnh và các thành phố lớn trong cả nước, như: Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội... Bình quân mỗi năm, cơ sở của vợ chồng chị Sương cung cấp cho thị trường từ 12 đến 17 tấn thịt thỏ; sau khi trừ các khoản chi phí, anh chị lãi ròng trên 200 triệu/năm.

Các sản phẩm Thỏ Ruby được người tiêu dùng đặc biệt yêu thích.
Các sản phẩm Thỏ Ruby được người tiêu dùng đặc biệt yêu thích.

Từ những thành công ban đầu, nhằm từng bước xây dựng và khẳng định thương hiệu cho sản phẩm, tháng 8 năm 2017, chị Sương đã vận động bà con địa phương cùng thành lập HTX Hưng Phát. Ngoài dòng sản phẩm chủ lực từ thịt thỏ mang tên Thỏ Ruby, các thành viên HTX Hưng Phát còn tự trồng và thu gom nén (hành tăm) với các sản phẩm nén được sản xuất theo hướng hữu cơ.

Hiện vợ chồng chị Nguyễn Thị Sương đang làm thủ tục xin cấp thêm đất để mở rộng trang trại. Và trên khuôn viên dự định rộng khoảng 3ha đó, vợ chồng anh chị sẽ xây dựng một vùng tiểu khí hậu với bên ngoài là trồng cây chắn nắng, chắn gió và điều hòa không khí, hạn chế dịch bệnh; tiếp đến là đào mương nước, ao nuôi cá; trồng các loại rau mầm, giá thể… theo hướng hữu cơ và trong cùng là trang trại nuôi thỏ.

“Vẫn ngại “nói trước bước không qua” nhưng trong tương lai với việc xây dựng thành công tiểu vùng khí hậu, vợ chồng mình sẽ mở rộng quy mô sản xuất, cung cấp thêm những sản phẩm nông nghiệp sạch và biết đâu sẽ có thêm những sản phẩm từ thịt thỏ, như: xúc xích thỏ, thịt thỏ hun khói… được tung ra thị trường, đáp ứng ngày càng cao nhu cầu của người tiêu dùng”, chị Sương mạnh dạn chia sẻ về những dự định của đôi vợ chồng trẻ trong tương lai.

Thanh Hải

 

,