.

Phát triển chăn nuôi gắn với bảo vệ môi trường

.
08:31, Thứ Ba, 17/07/2018 (GMT+7)

(QBĐT) - Trong những năm trở lại đây, cùng với việc đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp theo hướng “cao, sạch và hiện đại”, xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy đã mạnh dạn đầu tư phát triển chăn nuôi và bước đầu đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống cho nông dân. Trong đó, điểm đáng chú ý là xã luôn quan tâm đến công tác chống ô nhiễm môi trường, giữ gìn làng quê xanh, sạch, đẹp.

Hiện nay, toàn xã Lộc Thủy có 1.232 hộ, trong đó có hơn một nửa số hộ chăn nuôi các loại gia súc, gia cầm. Qua khảo sát thực tế cho thấy, phần lớn bà con chủ yếu vẫn giữ thói quen chăn nuôi truyền thống, làm chuồng trại ngay trong phần đất của gia đình hoặc thả rong.

Nhiều địa phương, gia đình vì lợi ích kinh tế mà quên đi trách nhiệm đối với những người xung quanh, để chất thải chăn nuôi tác động và gây ô nhiễm nghiêm trọng đến môi trường sống.

Trong đó, không khí và nguồn nước là yếu tố bị ảnh hưởng nhiều nhất, gây hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe cũng như tạo ra những hệ lụy tiêu cực trong đời sống hàng ngày. Để khắc phục tình trạng này, xã Lộc Thủy đã chọn giải pháp triển khai xây dựng khu chăn nuôi tập trung xa dân cư để bảo vệ môi trường.

Xã Lộc Thủy nỗ lực đẩy mạnh phát triển chăn nuôi gắn với bảo vệ môi trường.
Xã Lộc Thủy nỗ lực đẩy mạnh phát triển chăn nuôi gắn với bảo vệ môi trường.

Ông Dương Công Nhân, Chủ tịch UBND xã Lộc Thủy hồ hởi khẳng định: “Trong những năm qua, bộ mặt nông thôn mới của xã đã có bước chuyển mình mạnh mẽ, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng cao.

Xã phấn đấu xây dựng Lộc Thủy trở thành niềm tự hào và là nơi đáng sống của mọi người với môi trường xanh, sạch, đẹp. Đó cũng là một cách để nhân dân xã nhà tạo được ấn tượng tốt đẹp cho du khách mỗi lần đến thăm và dâng hương tại nhà lưu niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp”.

Dẫn chúng tôi đi xem khu chăn nuôi tập trung ở giữa cánh đồng thuộc thôn An Xá, ông Dương Công Tuấn, cán bộ phụ trách lĩnh vực nông nghiệp xã Lộc Thủy cho biết: “Ban đầu, bà con phản đối dữ lắm, họ không chịu di dời các khu chuồng trại đến nơi xã đã quy hoạch, vì sợ mất mát tài sản, tốn người, tốn công trông giữ, tốn kém tiền của xây dựng. Nhưng sau khi được cán bộ xã phân tích, động viên và nhận thấy sự cần thiết để bảo vệ môi trường thôn, xóm, họ đã đồng ý và thực hiện”.

Ông còn cho biết, trong các cuộc họp, các buổi tiếp xúc cử tri, sinh hoạt đảng, đoàn thể, Thường trực Đảng ủy, UBND xã đều khẳng định chăn nuôi gia súc, gia cầm bảo đảm vệ sinh môi trường và vệ sinh an toàn thực phẩm là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, tiến tới xây dựng Lộc Thủy trở thành xã nông thôn mới kiểu mẫu.

Chính vì thế, xã đã chỉ đạo các ban, bộ phận, đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn nông dân sử dụng các chế phẩm sinh học, hạn chế dùng hóa chất hoặc thuốc kháng sinh trong chăn nuôi. Đồng thời, xã hướng dẫn người dân thu gom, xử lý hợp vệ sinh đối với các loại chất thải chăn nuôi nhằm giảm ô nhiễm môi trường. Đáng chú ý, việc triển khai mô hình xây dựng các khu chăn nuôi tập trung xa khu vực dân cư được xã quyết tâm thực hiện.

Để tạo sự đồng thuận trong nhân dân và triển khai hiệu quả mô hình này, xã đã giao cho Hội Nông dân và các đoàn thể tiến hành truyền thông trên hệ thống loa truyền thanh của xã; chỉ đạo các đoàn thể, đoàn viên, hội viên và nhân dân tăng cường công tác vệ sinh môi trường, giữ vững môi trường trong sạch, lành mạnh.

Xã tổ chức cho các hộ dân có chăn nuôi gia súc, gia cầm ký cam kết không để xảy ra tình trạng gây ô nhiễm môi trường và vệ sinh an toàn thực phẩm. Đồng thời, xã thường xuyên chú trọng công tác kiểm tra, nhắc nhở, xử lý kịp thời những vi phạm trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về sản xuất, kinh doanh, sử dụng thức ăn chăn nuôi.

Theo đó, đoàn kiểm tra của xã đã tiến hành kiểm tra, nhắc nhở trên 350 hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm trong khu dân cư. Đặc biệt, xã đã tiến hành quy hoạch vị trí để xây dựng chuồng trại tập trung trên diện tích hơn 2ha, tổ chức các đoàn về tận từng hộ dân có chăn nuôi gia súc, gia cầm quy mô lớn để tuyên truyền, vận động di dời chuồng trại đến nơi quy định. Đồng thời, xã có cơ chế hỗ trợ 2 triệu đồng/hộ (trong đó, xã 1 triệu, thôn1 triệu) để động viên khi bà con xây dựng chuồng trại mới.

Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Đại Lập, Chủ tịch Hội Nông dân xã cho biết: “Đến nay, 50/52 hộ chăn nuôi quy mô lớn của xã đã di chuyển toàn bộ hệ thống chuồng trại, gia súc, gia cầm (trâu, bò, lợn, gà, vịt và bồ câu) đến nơi quy định. Đến tháng 8 này, 2 hộ còn lại cũng sẽ hoàn thành di dời vật nuôi.

Mỗi chuồng được xây dựng trên diện tích khoảng 25m2 bằng bê tông và tường rào kiên cố, có hệ thống thoát nước và bể chứa chất thải với tổng kinh phí trên dưới 35 triệu đồng/ chuồng”. Hàng tháng, các gia đình sẽ tiến hành thu gom chất thải, rồi sau đó bán cho nông dân chăm sóc cây trồng.

Bên cạnh đó, để bảo đảm tính mỹ quan và vệ sinh môi trường trong khu dân cư, xã đã tiến hành xây dựng 5 bể chứa rác lớn giữa cánh đồng để thay cho các hố rác nhỏ dọc các trục đường chínhvới tổng kinh phí đầu tư 1,1 tỷ đồng.

Việc đưa chăn nuôi tập trung ra khu riêng tạo điều kiện thuận lợi cho việc xử lý môi trường, hạn chế phát sinh dịch bệnh, bảo đảm hiệu quả chăn nuôi và bảo vệ môi trường sống cho cộng đồng dân cư.

Để đẩy mạnh phát triển chăn nuôi gắn với bảo vệ môi trường, trong thời gian tới, xã sẽ tiếp tục hoàn thiện các quy hoạch nông nghiệp, nông thôn gắn với việc bảo vệ môi trường; tăng cường áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới trong chăn nuôi để hạn chế, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tạo ra các sản phẩm sạch, chất lượng cao và giảm phát thải các khí độc gây ô nhiễm môi trường. Đồng thời, xã sẽ có các giải pháp hữu hiệu để khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường nông thôn, sớm đưa Lộc Thủy trở thành xã nông thôn mới kiểu mẫu.

V. H
(Ban Tuyên giáo Huyện ủy Lệ Thủy)
 

,
  • Minh Hóa: Kỳ vọng đột phá từ ba dự án xúc tiến đầu tư

    (QBĐT) - Với tiềm năng và lợi thế của 3 dự án kêu gọi đầu tư trong hội nghị xúc tiến đầu tư của tỉnh sắp tới, huyện Minh Hóa kỳ vọng sẽ thu hút được các nhà đầu tư, qua đó tạo bước đột phá thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của huyện trong thời gian tới.

    17/07/2018
    .
  • Toàn tỉnh có gần 1.000ha lúa nhiễm rầy lưng trắng

    (QBĐT) - Theo kết quả điều tra của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, hiện nay toàn tỉnh có 971ha lúa bị nhiễm rầy lưng trắng, tăng 224,5 ha so với tuần trước đó.

    17/07/2018
    .
  • Quảng Trạch: Đẩy mạnh rà soát, chuyển đổi cây trồng trên đất kém hiệu quả

    (QBĐT) - Thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2014-2020...

    16/07/2018
    .
  • Toàn tỉnh trồng 5.130ha rừng các loại

    (QBĐT) - Năm 2018, ngành Kiểm lâm đã tham mưu, hướng dẫn các địa phương tích cực triển khai trồng rừng trên địa bàn.

    16/07/2018
    .
  • Quảng Trạch: Tập trung bảo vệ và phát triển rừng

    (QBĐT) - Xác định tầm quan trọng và giá trị của tài nguyên rừng đối với các hoạt động phát triển kinh tế-xã hội và bảo vệ môi trường sinh thái, những năm qua, huyện Quảng Trạch đã tập trung, chỉ đạo cấp uỷ và chính quyền các cấp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng...

    16/07/2018
    .
  • 342 doanh nghiệp thành lập mới trong 6 tháng đầu năm

    (QBĐT) - Ngày 15-7, tin từ Sở Kế hoạch-Đầu tư cho biết, trong 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh đã có 342 doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh với số vốn đăng ký là 4.987 tỷ đồng (tăng 270% so với cùng kỳ).

    15/07/2018
    .
  • Độc đáo câu mực đêm Nhật Lệ

    (QBĐT) - Lần đầu tiên cùng ngư dân thức trắng câu mực xuyên đêm trên biển Nhật Lệ, chúng tôi mới hiểu được phần nào sự gian nan vất vả nhưng cũng không kém phần thú vị của nghề này.

    15/07/2018
    .
  • Các xã đạt chuẩn nông thôn mới: Chật vật với tiêu chí tổ chức sản xuất

    (QBĐT) - Qua kết quả rà soát, đánh giá thực trạng các tiêu chí theo yêu cầu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2016-2020 của Văn phòng điều phối chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM tỉnh trong tháng 4 vừa qua, có đến 17/23 xã đã đạt chuẩn NTM bị sụt giảm tiêu chí tổ chức sản xuất (tiêu chí số 13).

    15/07/2018
    .