.
Lệ Thủy:

Chuyển đổi sinh kế cho ngư dân bãi ngang

.
08:48, Chủ Nhật, 22/07/2018 (GMT+7)

(QBĐT) - Sự cố môi trường biển đã ảnh hưởng rất lớn đến đời sống và sản xuất của nông dân huyện Lệ Thủy, nhất là những ngư dân sống ở các xã bãi ngang ven biển vùng Ngư Thủy. Trước khó khăn đó, Hội Nông dân các cấp đã có nhiều việc làm thiết thực giúp bà con chuyển đổi ngành nghề, khôi phục lại sản xuất.

Cũng như nông dân 4 tỉnh miền Trung, nông dân ở các xã: Ngư Thủy Bắc, Ngư Thủy Trung và Ngư Thủy Nam, huyện Lệ Thủy phải gánh chịu thiệt hại nặng nề sau sự cố môi trường biển năm 2016.

Nhiều hộ nông dân các xã bãi ngang ven biển huyện Lệ Thủy đã chuyển từ nghề đánh bắt thủy hải sản sang nuôi lợn có hiệu quả
Nhiều hộ nông dân các xã bãi ngang ven biển huyện Lệ Thủy đã chuyển từ nghề đánh bắt thủy hải sản sang nuôi lợn có hiệu quả

Bởi thời điểm đó, phần lớn các hộ dân ở 3 xã bãi ngang này đều làm nghề đánh bắt thủy hải sản. Ở đây, điều kiện tự nhiên không thuận lợi như các vùng biển khác, lượng hải sản đánh bắt không nhiều nhưng nghề biển đã trở thành kế sinh nhai của bà con bao đời nay.

Vì vậy, khi sự cố cố môi trường xảy ra, hàng nghìn hộ dân ở 3 xã bãi ngang ven biển này chịu cảnh điêu đứng, tinh thần hoang mang, miếng cơm manh áo bị đe dọa nghiêm trọng.

Ông Dương Đệ Quang, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Lệ Thủy nhớ lại: “Ngày đó, bà con ngư dân trong huyện vô cùng lo lắng khi thấy cá chết hàng loạt, thuyền đánh bắt phải nằm bờ dài ngày. Một số ngư dân phải bỏ làng vào các tỉnh miền Nam làm thuê. Nhiều hộ tiếp tục bám biển đánh bắt nhưng lượng thủy sản giảm dần, giá cả xuống thấp nên không mấy ai mặn mà với nghề biển nữa”.

Trước thực trạng đáng buồn đó, lãnh đạo huyện Lệ Thủy nói chung và Hội Nông dân huyện nói riêng đã về tận nhà bà con nắm bắt tình hình, trấn an tinh thần, nghiên cứu tìm giải pháp để bà con tiếp tục khôi phục sản xuất, ổn định tình hình chính trị ở địa phương.

Huyện ủy, UBND huyện đã thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ là phải sớm tập trung chuyển đổi ngành nghề cho nông dân, như: xây dựng các mô hình chăn nuôi, trồng trọt, xuất khẩu lao động và một số ngành nghề khác.

Riêng Hội Nông dân huyện đã phân công cho các đồng chí trong Ban Thường vụ về phụ trách các xã để nắm tình hình, cùng bắt tay với hội viên để xây dựng các mô hình kinh tế. Hội trực tiếp hỗ trợ kinh phí, kỹ thuật xây dựng nhiều mô hình, như: nuôi chim cút, ếch thịt, ếch giống, nuôi lợn sinh sản, cá diêu hồng, cá lóc, trồng rau sạch, chế biến nước mắm…

Hội phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức 3 lớp tập huấn xuất khẩu lao động cho khoảng 200 hội viên ở 3 xã bãi ngang ven biển; tập huấn, vận động hội viên tham gia các loại bảo hiểm và hàng trăm lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, đào tạo nghề cho nông dân.

Trong vấn đề chi trả tiền đền bù sau sự cố môi trường biển, Hội Nông dân các cấp đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương để giám sát, nên việc chi trả đúng theo quy định. Từ số tiền này, Hội đã vận động, định hướng cho hội viên sửa chữa tàu thuyền, mua sắm ngư cụ để tiếp tục ra khơi; xây dựng, khôi phục các mô hình kinh tế, dịch vụ để tiếp tục phát triển sản xuất và hỗ trợ thành lập 15 tổ hợp tác đánh bắt trên biển.

Nhờ sự quan tâm của huyện và các cấp Hội nông dân, đến nay, bà con hội viên cơ bản đã ổn định sản xuất, tinh thần. Riêng bà con ngư dân lại tiếp tục vươn khơi bám biển, sản lượng đánh bắt đã tăng hơn trước. Hiện 3 xã bãi ngang đã có hàng trăm mô hình kinh tế cho thu nhập cao, trong đó có nhiều mô hình mới được chuyển đổi có thu nhập trên 100 triệu đồng/năm.

Anh Nguyễn Quang Nghĩa, thôn Bắc Hòa, xã Ngư Thủy Bắc phấn khởi: “Sau sự cố môi trường biển năm 2016, tôi chuyển từ đánh bắt thủy hải sản sang tập trung chăn nuôi. Tại thời điểm đó, các cấp Hội Nông dân đã đến nhà động viên, hỗ trợ cho 10 triệu đồng.

Tôi quyết định mở trang trại nuôi lợn sinh sản và lợn thịt. Tuy năm trước giá lợn giảm mạnh, ảnh hưởng đến việc chăn nuôi, nhưng năm nay giá lợn đã tăng trở lại nên tôi rất phấn khởi và yên tâm sản xuất”.

Trước đây, anh Nghĩa làm nghề đi biển, mỗi năm thu nhập được khoảng 40 triệu đồng. Từ khi sự cố môi trường biển xảy ra, anh đã mạnh dạn vay vốn mở rộng trang trại chăn nuôi lợn sinh sản và lợn thịt. Trang trại của anh có nguồn vốn đầu tư 500 triệu đồng, với diện tích trên 600m2; trong đó 250m2 nuôi lợn nái sinh sản và 350m2 nuôi lợn thịt. Hiện anh đang nuôi 15 con lợn nái và 220 con lợn thịt. Nếu giá lợn ổn định như hiện tại, cuối năm anh sẽ lãi trên 200 triệu đồng.

Ông Trần Quang Quyền, Chủ tịch Hội Nông dân xã Ngư Thủy Bắc cho biết: “Sự cố môi trường biển đã ảnh hưởng rất lớn đến đời sống hội viên. Tuy nhiên, chúng tôi và bà con luôn “kề vai sát cánh” để vượt qua những khó khăn, khắc phục sự cố, ổn định sản xuất”.

Đến nay, 350 hội viên ở 5 chi hội đã yên tâm sản xuất, trên 400 thuyền đánh bắt tiếp tục vươn khơi bám biển. Các ngành dịch vụ liên quan đến biển không những hoạt động ổn định mà còn phát triển hơn trước.

Bên cạnh đó, các cấp Hội nông dân cũng đã hỗ trợ cho bà con xây dựng mô hình nuôi lợn thịt, lợn sinh sản, nuôi cá diêu hồng, cá lóc. Nhờ đó, đời sống của hội viên ngày càng được nâng lên, số hộ nghèo giảm so với năm 2016.

Hiện toàn xã có trên 20 mô hình kinh tế đạt hiệu quả, có nhiều mô hình đạt thu nhập trên 100 triệu đồng mỗi năm. Đặc biệt, sau sự cố môi trường biển, đã có hàng trăm nông dân trong xã được xuất khẩu lao động sang nước ngoài.

Tại xã Ngư Thủy Trung và Ngư Thủy Nam, công tác chuyển đổi ngành nghề cũng được nông dân triển khai đạt những kết quả tích cực. Anh Ngô Quang Nguyên, ở thôn Thượng Nam, xã Ngư Thủy Trung chia sẻ: “Trước đây, tôi có đầu tư nuôi ếch, nuôi rắn và đánh bắt thủy hải sản. Sau sự cố môi trường biển, tôi không tham gia nghề biển nữa mà tập trung mở rộng phát triển chăn nuôi ếch giống và ếch thịt. Nhờ đó, kinh tế gia đình ngày càng phát triển hơn trước”.

Hiện anh đang có 14 hồ nuôi ếch giống với diện tích trên 700m2; một hồ nuôi ếch mẹ sinh sản và ếch thịt có diện tích gần 500m2. Năm trước, anh đã xuất bán được 30 vạn con ếch giống, thu lãi đạt 300 triệu đồng. Năm nay, anh mở rộng quy mô nuôi lên đến 50 vạn con và dự kiến sẽ thu lãi đạt khoảng 500 triệu đồng. Ếch giống của anh Nguyên được xuất bán cho các hộ chăn nuôi cả trong và ngoài tỉnh.

Nuôi ếch giống và ếch thịt là một trong những lựa chọn sinh kế của người dân bãi ngang sau sự cố môi trường biển.
Nuôi ếch giống và ếch thịt là một trong những lựa chọn sinh kế của người dân bãi ngang sau sự cố môi trường biển.

Ông Nguyễn Quang Kiền, Chủ tịch Hội Nông dân xã Ngư Thủy Trung cho biết: “Sau sự cố môi trường biển, chúng tôi đã tập trung tuyên truyền, vận động cho hội viên sớm ổn định tinh thần, mạnh dạn chuyển đổi sang ngành chăn nuôi và dịch vụ, tiếp tục bám biển đánh bắt… Nhờ đó, tình hình an ninh chính trị được giữ vững. Trên địa bàn xã xuất hiện thêm nhiều mô hình VAC có hiệu quả”.

Bên cạnh đó, các cấp hội đã vận động hội viên sử dụng nguồn vốn tự có, kết hợp với tiền đền bù sự cố môi trường biển để sắm lại ngư cụ, thuyền bè đánh bắt. Đến nay, toàn xã có 7 mô hình nuôi gà thả vườn, 50 hộ nuôi ếch thịt, 6 hộ nuôi ếch giống và nhiều mô hình nuôi cá nước ngọt; có 2 trang trại và 20 gia trại cho thu nhập cao.

Tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn năm 2016 là 11,4% nay đã giảm xuống còn 10,6%. Riêng bà con ngư dân đã yên tâm bám biển đánh bắt thủy hải sản, tin tưởng tuyệt đối vào các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.

Ông Lê Công Toán, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh đánh giá: “Không chỉ có các xã bãi ngang ven biển huyện Lệ Thủy thực hiện tốt việc chuyển đổi ngành nghề cho nông dân mà các xã bãi ngang ven biển khác trên địa bàn toàn tỉnh cũng đang triển khai rất hiệu quả.

Các cấp Hội đang tích cực vận động hội viên nông dân đẩy mạnh phát triển sản xuất, qua đó đã xuất hiện nhiều mô hình chăn nuôi, trồng trọt của bà con, nhất là ở các xã vùng biển cho thu nhập ổn định và có tính bền vững. Nhiều ngư dân tiếp tục đầu tư trang thiết bị cho việc đánh bắt, phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá, dịch vụ khác, mở mang ngành nghề mới hoặc xuất khẩu lao động…

Đây chính là cách “biến hóa” để thích nghi trong giai đoạn khó khăn. Tuy nhiên, để người nông dân có sinh kế lâu dài, ổn định và bền vững thì rất cần sự quan tâm hơn nữa từ các cấp, các ngành”…

Xuân Vương

 

,
  • Phân bón Sông Gianh, hành trình khẳng định thương hiệu

    (QBĐT) - Có mặt trên thị trường cách đây gần 30 năm, phân bón Sông Gianh (Tổng công ty Sông Gianh, phường Quảng Thuận, TX. Ba Đồn) đã có một bề dày phát triển bền vững, ngày càng tạo được thương hiệu, uy tín rộng khắp trên toàn đất nước và đang vươn tầm quốc tế.

    21/07/2018
    .
  • Thị xã Ba Đồn: Thiệt hại nuôi trồng thủy sản do mưa lớn

    (QBĐT) - Hiện nay, tại một số địa phương trên địa bàn thị xã Ba Đồn xuất hiện tình trạng cá lồng trên sông bị chết rải rác, điển hình là tại xã Quảng Minh.

    21/07/2018
    .
  • Quảng Ninh: Định hướng áp dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp

    (QBĐT) - UBND huyện Quảng Ninh vừa phối hợp với các sở: Nông nghiệp-PTNT, Sở Khoa học-Công nghệ tổ chức hội thảo đề án "Nâng cao giá trị trên đơn vị diện tích thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp sử dụng công nghệ cao giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2025".

     

    21/07/2018
    .
  • Giá trị tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh 6 tháng đầu năm đạt 11.222 tỷ đồng

    (QBĐT) - Với việc thực hiện sớm và đồng bộ các giải pháp, tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2018 của tỉnh tiếp tục ổn định và phát triển.

    20/07/2018
    .
  • Chuyển đổi cây trồng thích ứng với biến đổi khí hậu

    (QBĐT) - Thực hiện kế hoạch chuyển đổi câytrồng trên đất vườn đồi, từ năm 2014 đến nay, xã Trường Thủy, huyện Lệ Thủy đã khuyến khích người dân chuyển đổi diện tích đất trồng cây keo lai, đất vườn tạp sang trồng một số loại cây, như: cam, bưởi, thanh long ruột đỏ, cây dược liệu…, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao và từng bước thích ứng với biến đổi khí hậu.

    20/07/2018
    .
  • Bồi dưỡng kiến thức mới về kinh doanh khí

    (QBĐT) - Ngày 19-7, Sở Công thương tổ chức bồi dưỡng kiến thức triển khai thực hiện Nghị định số 87/2018/NĐ-CP ngày 15-6-2018 của Chính phủ về kinh doanh khí cho 200 học viên là lãnh đạo quản lý các sở, ngành, đơn vị liên quan và các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh khí trên địa bàn tỉnh.
    19/07/2018
    .
  • Chuyện gia đình Vân Kiều làm kinh tế giỏi

    (QBĐT) - Gia đình anh Hồ Thương (SN 1965) và chị Hồ Thị Ấn (SN 1967) ở bản Cửa Mẹc, xã Ngân Thủy, huyện Lệ Thủy là minh chứng cho sự nỗ lực vươn lên, làm giàu của đồng bào Vân Kiều...

    19/07/2018
    .
  • Đổi mới doanh nghiệp, liệu có "bình mới rượu cũ"?

    (QBĐT) - Một trong những nội dung quan trọng được đại biểu HĐND tỉnh nêu lên trong phiên chất vấn, trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh khóa XVII là việc sắp xếp, cổ phần hóa (CPH) và đổi mới doanh nghiệp (DN) Nhà nước.

    19/07/2018
    .