.

Để du lịch cộng đồng phát huy thế mạnh

.
09:59, Chủ Nhật, 01/07/2018 (GMT+7)

(QBĐT) - Những năm qua, du lịch cộng đồng đã có bước phát triển mạnh mẽ và đưa lại nhiều lợi ích thiết thực cho  huyện Bố Trạch. Tuy nhiên, để loại hình du lịch này tạo sức hút lâu bền đối với du khách, góp phần hoàn thiện bức tranh du lịch của dịa phương, Bố Trạch cần có những chiến lược đầu tư, định hướng bài bản, bền vững.

Nở rộ các mô hình du lịch cộng đồng

Xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, thời gian qua, Bố Trạch đã có nhiều chính sách định hướng, hỗ trợ, phát triển. Nhờ đó, du lịch Bố Trạch đã có bước phát triển vượt bậc, tiếp tục giữ vị trí quan trọng trong cơ cấu nền kinh tế toàn diện của địa phương. Hơn thế nữa, ngành “công nghiệp không khói”còn góp phần tạo việc làm ổn định, tăng thu nhập cho nhiều lao động trên địa bàn.

Với thiết kế không gian bình dị, phù hợp với phong cảnh làng quê nông thôn thanh bình, nhiều mô hình homestay thực sự trở thành nơi nghỉ dưỡng lý tưởng cho mọi du khách.
Với thiết kế không gian bình dị, phù hợp với phong cảnh làng quê nông thôn thanh bình, nhiều mô hình homestay thực sự trở thành nơi nghỉ dưỡng lý tưởng cho mọi du khách.

Từ đầu năm 2018 đến nay, huyện liên tiếp tổ chức thành công nhiều sự kiện mang tính thường niên, khởi động mùa du lịch mới. Ngoài việc tiếp tục phát huy thế mạnh và nâng cao chất lượng dịch vụ tại các khu, tuyến, điểm du lịch có thương hiệu, như: khám phá 1.500m vào động Phong Nha, động Tiên Sơn, rào Thương- hang Én, Sơn Đoòng, tuyến du lịch đu dây Zipline, khám phá sông Chày- hang Tối…, Bố Trạch còn phối hợp với các ngành chức năng, đơn vị du lịch khai thác thêm nhiều sản phẩm du lịch mới, thu hút du khách lưu trú dài ngày hơn, như: khám phá hang Đại Ả, hang Over, hang Pygmy, hang Văn Công, hang Rục Cà Roòng; tìm hiểu văn hóa tộc người Vân Kiều, Arem, Ma Coong và tour du lịch khám phá Sơn Đoòng với lộ trình mới 4 ngày 3 đêm...

Trong bức tranh đa sắc màu về du lịch trên quê hương di sản, du lịch cộng đồng homestay, farmstay ngày càng phát triển mạnh, tạo ra những điểm nhấn thu hút du khách, đặc biệt là khách quốc tế. Các cơ sở: Chày Lập Farmstay, Jungle Boss Homestay, Nguyen Shack Homestay… luôn trong tình trạng “cháy” phòng. Có thể nói, du lịch cộng đồng vừa mang lại lợi ích chung cho cộng đồng địa phương, vừa tăng cường quảng bá các giá trị văn hóa truyền thống đến với du khách.

Ông Nguyễn Đức Ninh, Trưởng phòng Văn hóa- Thông tin huyện Bố Trạch cho biết, hiện nay, trên địa bàn Bố Trạch có khoảng 40 nhà nghỉ cộng đồng hoạt động kinh doanh du lịch, tập trung chủ yếu tại các xã: Sơn Trạch, Phúc Trạch, Hưng Trạch và Cự Nẫm.

Với thiết kế không gian nhỏ nhắn, bình dị, gần gũi, thân thiện, phù hợp với phong cảnh làng quê nông thôn trù phú, kết hợp cách bài trí hiện đại, phòng ở tương đối đầy đủ tiện nghi…, nhiều mô hình homestay thực sự trở thành nơi nghỉ dưỡng lý tưởng, đáp ứng nhu cầu lưu trú cũng như khám phá, tìm hiểu phong tục, tập quán người dân bản địa của du khách thập phương.

Nhiều homestay mở ra chủ động khai thác vẻ đẹp của địa phương để phát triển kinh tế, giải quyết việc làm cho người dân, góp phần quảng bá hình ảnh con người Quảng Bình thật thà, mến khách. Đặc biệt, vào dịp cao điểm về du lịch, homestay trở thành lựa chọn hợp lý cho du khách muốn lưu trú dài ngày để nghỉ ngơi, thư giãn và trải nghiệm cuộc sống cùng người dân bản địa. Trung bình một gia đình làm dịch vụ du lịch cộng đồng có thu nhập từ 15 đến 20 triệu đồng/tháng, lúc cao điểm du lịch, từ 30 đến 50 triệu đồng/tháng.

“Năm 2017, huyện Bố Trạch ban hành nhiều chính sách khuyến khích người dân các xã Sơn Trạch, Phúc Trạch, Hưng Trạch, Cự Nẫm... đầu tư vào phát triển kinh tế từ xây dựng mô hình nhà nghỉ cộng đồng với mức hỗ trợ 15 triệu đồng/mô hình hội đủ các điều kiện cần thiết.

Đến nay, huyện đã chi hỗ trợ cho 22 homestay, trong đó, xã Hưng Trạch 1 mô hình và xã Sơn Trạch 21 mô hình, tổng số tiền hơn 330 triệu đồng. Bố Trạch vẫn duy trì hỗ trợ cho các mô hình du lịch cộng đồng mới hình thành trong năm 2018 nhằm động viên nhân dân tham gia phát triển dịch vụ du lịch”, ông Trần Quang Vũ, Chủ tịch UBND huyện Bố Trạch chia sẻ thêm.

Dạo quanh một vài điểm du lịch cộng đồng ở Sơn Trạch, Cự Nẫm, Phúc Trạch… chúng tôi gặp nhiều du khách nước ngoài, sự hài lòng hiện rõ trên từng cử chỉ, ánh mắt, nụ cười. Ngay cả du khách trong nước, trong tỉnh cũng được thư giãn, hài lòng khi đến với các xã phía tây Bố Trạch để hòa mình vào với thiên nhiên, hoa cỏ.

Anh Lê Thanh Bình đến từ tiểu khu 15, phường Bắc Lý (TP.Đồng Hới) cảm nhận: “Quảng Bình quê hương mình nhiều nơi thật đẹp mà bản thân tôi cũng như gia đình chưa khám phá hết. Tôi thực sự tự hào và càng quý hơn mảnh đất và con người nơi đây. Nếu có thời gian, gia đình tôi vẫn chọn đến các vùng, miền trong tỉnh đẹp, như: bến phà Xuân Sơn, đường Ba Trại..., để hiểu biết thêm những giá trị chân thực của cuộc sống luôn hiện hữu quanh mình”.

Cần những giải pháp lâu dài

Theo các chuyên gia về lĩnh vực du lịch, đánh giá một cách khách quan, ngoài những cái được, lợi ích thiết thực về kinh tế- xã hội, du lịch cộng đồng ở Bố Trạch vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế, bất cập cần được khắc phục.

Trước hết là sự phối hợp giữa các cơ quan, ban, ngành trong công tác quản lý và khai thác tiềm năng du lịch chưa được thường xuyên. Đặc biệt, vẫn chưa có biện pháp quản lý nhằm dung hòa lợi ích giữa các nhóm đối tượng: cộng đồng địa phương- các đơn vị kinh doanh lữ hành- các cấp quản lý để phát triển du lịch.

Công tác bảo đảm an ninh trật tự còn chưa sâu sát, việc cập nhật số lượng du khách đến địa bàn nhiều lúc không chính xác, thường xuyên, gây khó khăn cho các lực lượng chức năng khi làm nhiệm vụ.

Dù huyện Bố Trạch tổ chức đào tạo nhiều lớp ngoại ngữ và các lớp dạy nghề nấu ăn, nhưng nhìn chung nguồn nhân lực đầu tư cho du lịch cộng đồng chưa bài bản, chủ yếu do người dân tự phát nên trình độ chuyên môn, nghiệp vụ về buồng, bàn, bar, bếp rất hạn chế; hướng dẫn viên không chuyên rời rạc, chưa đáp ứng yêu cầu của du khách.

Công tác quản lý giá đối với các cơ sở dịch vụ còn lỏng lẻo và chưa thống nhất, tình trạng chèo kéo, đeo bám du khách vẫn còn diễn ra. Trên thực tế, huyện chưa hướng dẫn cụ thể cũng như chưa có đủ điều kiện để hình thành các khu, tuyến du lịch cộng đồng mang tính quy mô nhằm giới thiệu về văn hóa, lịch sử, truyển thống của quê hương với du khách.

Nhiều du khách nước ngoài lựa chọn các homestay để nghỉ dưỡng, khám phá thiên nhiên, con người Quảng Bình.
Nhiều du khách nước ngoài lựa chọn các homestay để nghỉ dưỡng, khám phá thiên nhiên, con người Quảng Bình.

Ngoài ra, huyện cũng cần xem lại việc cấp đất kinh doanh cho các hộ gia đình và có chế tài xử nghiêm đối với một số trường hợp vi phạm hành lang và diện tích đất chưa chuyển đổi, tránh tình trạng lộn xộn, đôi co, hiềm khích dẫn đến mất đoàn kết trong cộng đồng dân cư, khó tạo được môi trường kinh doanh lành mạnh.

Chị Nguyễn Thị Hải Vân đến từ thị trấn Quán Hàu (huyện Quảng Ninh) bày tỏ: “Tôi thấy sự hấp dẫn từ khi đến đăng ký đặt phòng nghỉ dưỡng tại mô hình du lịch homestay ở Sơn Trạch. Với cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp cùng thái độ nhẹ nhàng, dễ thương, thân thiện của các chủ nhân homestay, bước đầu, tôi có cảm giác rất thích thú.

Nhưng sau một hai ngày lưu trú, tôi thực sự buồn và thất vọng bởi cách phục vụ không chuyên nghiệp, từ bữa ăn sáng phải chờ đợi quá lâu, thức ăn đơn điệu cho đến phong cách giới thiệu, dẫn dắt các điểm thư giãn, các trò chơi thiếu kỹ năng đã không tạo được cảm hứng khi mình còn muốn ở lại. Tôi không hài lòng lắm và thấy tiếc cho mô hình phát triển mới nhưng thiếu tính bài bản này”.

Bố Trạch hiện đang hướng tới mục tiêu đưa số lượng khách du lịch tăng trưởng từ 25-30%/năm, đến năm 2020 đón hơn 1,8 triệu lượt khách; thu nhập từ du lịch đạt hơn 1.850 tỷ đồng và toàn huyện có trên 80 cơ sở lưu trú với 800 buồng, phòng. Để đích đến này thành hiện thực, rõ ràng, hiện nay, Bố Trạch đang rất cần có những định hướng, đầu tư bài bản, dài hơi đối với  du lịch cộng đồng.

Hương Trà

 

,