.

Chuyển đổi cây trồng thích ứng với biến đổi khí hậu

.
08:29, Thứ Sáu, 20/07/2018 (GMT+7)

(QBĐT) - Thực hiện kế hoạch chuyển đổi câytrồng trên đất vườn đồi, từ năm 2014 đến nay, xã Trường Thủy, huyện Lệ Thủy đã khuyến khích người dân chuyển đổi diện tích đất trồng cây keo lai, đất vườn tạp sang trồng một số loại cây, như: cam, bưởi, thanh long ruột đỏ, cây dược liệu…, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao và từng bước thích ứng với biến đổi khí hậu.

Năm 2015, cậu thanh niên trẻ Đỗ Tiến Tình (SN 1991) trú tại xóm Ráng, thôn Hương Thủy, xã Trường Thủy bắt đầu trồng thử nghiệm 300 trụ cây thanh long ruột đỏ trên diện tích 5 sào đất vườn đồi của gia đình. Vừa mày mò chăm sóc, vừa đúc rút kinh nghiệm, hiện vườn thanh long ruột đỏ của Đỗ Tiến Tình đã cho thu hoạch với sản lượng khoảng 50kg/cây/năm.

Từ năm 2017 đến nay, vườn thanh long của Tình cho trái quanh năm, mỗi lứa thu hoạch từ 3-5 tạ, với giá bán từ 25.000 đồng/kg tại vườn, cho thu nhập từ 8-12 triệu đồng. Trung bình, mỗi gốc thanh long cho thu nhập từ 1-1,3 triệu đồng/năm; tổng thu nhập từ 300 gốc thanh long trung bình 350 triệu đồng/năm.

Theo Đỗ Tiến Tình, cây thanh long ruột đỏ khá phù hợp với điều kiện đất đai, thổ nhưỡng của xã Trường Thủy, nếu được chăm sóc đúng kỹ thuật có thể cho thu hoạch thường xuyên, giá trị kinh tế cao so với một số loại cây trồng khác. Đây cũng được xem là hướng đi mới cho nông dân vùng gò đồi xã Trường Thủy trong việc chọn đối tượng phù hợp để chuyển đổi cơ cấu cây trồng.

Phát triển cây cam đang là hướng đi hiệu quả trên đất vườn đồi của xã Trường Thủy.
Phát triển cây cam đang là hướng đi hiệu quả trên đất vườn đồi của xã Trường Thủy.

Còn gia đình anh Võ Văn Nam ở thôn Lục Sơn lại chuyển đổi diện tích trồng keo lai sang trồng cam mật Hiền Ninh, cam chanh Hà Tĩnh, bưởi da xanh. Anh Võ Văn Nam chia sẻ, gia đình có khoảng 3ha đất vườn đồi, trước đây chủ yếu chọn cây keo lai và cao su làm cây chủ lực để phát triển kinh tế.

Tuy nhiên, sau khi thu hoạch vụ keo lai đầu tiên thì nhận thấy việc trồng loại cây này hiệu quả kinh tế không như mong muốn, ngoài ra còn gây ra một số tác động tiêu cực cho đất khiến đất dễ bị xói mòn khi mưa lớn, nhanh thoái hóa, bạc màu.

Năm 2014, gia đình đã mạnh dạn trồng thử nghiệm khoảng 100 gốc cây cam mật Hiền Ninh, sau hơn 3 năm chăm sóc, cây đã cho thu hoạch. Với giá bán tại vườn khoảng 25.000-30.000 đồng/kg, mỗi năm gia đình thu lãi gần 50 triệu đồng từ cây cam mật.

Nhận thấy hiệu quả kinh tế do cây cam mang lại, cuối năm 2017, sau khi khai thác 2ha keo lai, gia đình anh Võ Văn Nam đã mạnh dạn chuyển đổi toàn bộ diện tích này sang trồng 100 gốc bưởi da xanh, 850 gốc cây cam mật bản địa và cam chanh Hà Tĩnh. Hiện tại, diện tích bưởi và cam được anh Nam tập trung chăm sóc đang sinh trưởng và phát triển tốt, hứa hẹn mang lại nguồn thu đáng kể cho gia đình.

Ngoài ra, anh Nam đang trồng thử nghiệm một số loại cây trồng, như: bơ, mít Thái, thanh long ruột đỏ… với số lượng ít để đánh giá hiệu quả nhằm có cơ sở chuyển đổi trong thời gian tới.

Mô hình trồng thanh long ruột đỏ của Đỗ Tiến Tình và trồng bưởi, cam của anh Võ Văn Nam chỉ là hai trong rất nhiều mô hình chuyển đổi cây trồng trên đất vườn đồi tại xã Trường Thủy được đánh giá mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Theo anh Nguyễn Thanh Quyết, Phó Chủ tịch UBND xã Trường Thủy, địa phương hiện có khoảng 1.200ha đất gò đồi, chiếm 50% diện tích đất tự nhiên của toàn xã. Xác định phát triển kinh tế gò đồi là một trong những nhiệm vụ kinh tế trọng điểm, từ năm 2011, Đảng uỷ xã đã có nghị quyết về phát triển kinh tế vùng gò đồi, trong đó tập trung phát triển trồng rừng và chăn nuôi, bước đầu đạt được một số kết quả nhất định.

Hiện tại, bên cạnh diện tích cao su và rừng nguyên liệu đang khai thác có hiệu quả, xã Trường Thuỷ đang tập trung khuyến khích các hộ dân mạnh dạn chuyển đổi một số diện tích trồng tiêu bị sâu bệnh, diện tích cao su gãy đổ và đất vườn cây tạp sang trồng các loại cây có hiệu quả kinh tế cao, như: thanh long ruột đỏ, cam, bưởi, cây dược liệu, dứa...

Theo thống kê chưa đầy đủ, từ năm 2014 đến nay, người dân trong xã đã chuyển đổi được 10ha trồng cam, 5ha trồng cây thanh long, cây bơ và cây dược liệu, như: nghệ, sả chanh. Đánh giá về hiệu quả thì cây thanh long rất phù hợp với vùng gò đồi xã Trường Thuỷ; diện tích trồng cam mật từ năm 2014 trên địa bàn xã đã cho thu hoạch, còn diện tích trồng mới tại hộ anh Võ Văn Nam ở thôn Lục Sơn do Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư tỉnh hỗ trợ cuối năm 2017 đang sinh trưởng và phát triển tốt.

Ngoài ra, địa phương cũng đang triển khai thử nghiệm mô hình trồng dứa trên một số diện tích đất kém hiệu quả, hiện tại, các hộ dân trong xã đã đăng ký thực hiện với diện tích gần 7ha. Điểm đặc biệt là xã Trường Thủy không tập trung phát triển đồng loạt một loại cây mà khuyến khích bà con đa dạng hóa đối tượng cây trồng để tránh bị “rớt giá” khi vào vụ thu hoạch, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế cho bà con.

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang diễn biến phức tạp, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên vùng gò đồi xã Trường Thủy từ rừng nguyên liệu, cao su, hồ tiêu sang các loại cây ăn quả, dược liệu… đang được xem là hướng đi mới ,góp phần tăng hiệu quả kinh tế và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Tuy nhiên, để các mô hình này phát triển và đem lại hiệu quả bền vững, địa phương cũng mong muốn các cấp, các ngành tạo điều kiện để giúp nông dân tiếp cận kỹ thuật trồng, chăm sóc, tìm nguồn giống cây có chất lượng và thị trường tiêu thụ ổn định cho các loại cây chuyển đổi.

Ngọc Lan
 

,
  • Bồi dưỡng kiến thức mới về kinh doanh khí

    (QBĐT) - Ngày 19-7, Sở Công thương tổ chức bồi dưỡng kiến thức triển khai thực hiện Nghị định số 87/2018/NĐ-CP ngày 15-6-2018 của Chính phủ về kinh doanh khí cho 200 học viên là lãnh đạo quản lý các sở, ngành, đơn vị liên quan và các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh khí trên địa bàn tỉnh.
    19/07/2018
    .
  • Chuyện gia đình Vân Kiều làm kinh tế giỏi

    (QBĐT) - Gia đình anh Hồ Thương (SN 1965) và chị Hồ Thị Ấn (SN 1967) ở bản Cửa Mẹc, xã Ngân Thủy, huyện Lệ Thủy là minh chứng cho sự nỗ lực vươn lên, làm giàu của đồng bào Vân Kiều...

    19/07/2018
    .
  • Đổi mới doanh nghiệp, liệu có "bình mới rượu cũ"?

    (QBĐT) - Một trong những nội dung quan trọng được đại biểu HĐND tỉnh nêu lên trong phiên chất vấn, trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh khóa XVII là việc sắp xếp, cổ phần hóa (CPH) và đổi mới doanh nghiệp (DN) Nhà nước.

    19/07/2018
    .
  • Nhân rộng hệ thống thâm canh lúa cải tiến

    (QBĐT) - Hiện nay, hệ thống thâm canh lúa cải tiến (SRI) là một tiến bộ kỹ thuật được Cục Trồng trọt-Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận và cho phép áp dụng trên phạm vi toàn quốc nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất lúa của Việt Nam.

    18/07/2018
    .
  • Tín hiệu vui từ Xuân Hóa

    (QBĐT) - Năm 2017 là một trong những năm khó khăn nhất về kinh tế của xã Xuân Hóa (Minh Hóa) khi chăn nuôi đình trệ do giá lợn hơi giảm mạnh, 100% diện tích rừng kinh tế bị cơn bão số 10 làm gãy đổ.

    17/07/2018
    .
  • Phát triển chăn nuôi gắn với bảo vệ môi trường

    (QBĐT) - Trong những năm trở lại đây, cùng với việc đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp theo hướng "cao, sạch và hiện đại", xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy đã mạnh dạn đầu tư phát triển chăn nuôi và bước đầu đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống cho nông dân.

    17/07/2018
    .
  • Minh Hóa: Kỳ vọng đột phá từ ba dự án xúc tiến đầu tư

    (QBĐT) - Với tiềm năng và lợi thế của 3 dự án kêu gọi đầu tư trong hội nghị xúc tiến đầu tư của tỉnh sắp tới, huyện Minh Hóa kỳ vọng sẽ thu hút được các nhà đầu tư, qua đó tạo bước đột phá thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của huyện trong thời gian tới.

    17/07/2018
    .
  • Toàn tỉnh có gần 1.000ha lúa nhiễm rầy lưng trắng

    (QBĐT) - Theo kết quả điều tra của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, hiện nay toàn tỉnh có 971ha lúa bị nhiễm rầy lưng trắng, tăng 224,5 ha so với tuần trước đó.

    17/07/2018
    .