.

Các xã đạt chuẩn nông thôn mới: Chật vật với tiêu chí tổ chức sản xuất

.
09:25, Chủ Nhật, 15/07/2018 (GMT+7)

(QBĐT) - Qua kết quả rà soát, đánh giá thực trạng các tiêu chí theo yêu cầu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2016-2020 của Văn phòng điều phối chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM tỉnh trong tháng 4 vừa qua, có đến 17/23 xã đã đạt chuẩn NTM bị sụt giảm tiêu chí tổ chức sản xuất (tiêu chí số 13). Đây không chỉ là tiêu chí có số lượng xã bị sụt giảm nhiều nhất, mà còn là một trong những tiêu chí khiến cho chính quyền các địa phương gặp nhiều khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện.

Tổ chức sản xuất được coi là một trong những nền tảng quan trọng nhằm phát triển kinh tế bền vững, nâng cao đời sống và thu nhập cho người dân vùng nông thôn, tác động trực tiếp đến các tiêu chí, như: thu nhập, hộ nghèo, lao động.

Sản xuất rau là thế mạnh của xã Đồng Trạch, thế nhưng quy mô diện tích còn nhỏ lẻ.
Sản xuất rau là thế mạnh của xã Đồng Trạch, thế nhưng quy mô diện tích còn nhỏ lẻ.

Nếu như với một số tiêu chí khác bên cạnh yếu tố nội lực của địa phương, đòi hỏi cần sự đầu tư lớn của Nhà nước, thì ngược lại tiêu chí tổ chức sản xuất lại cần đến vai trò, sự chủ động và nỗ lực của chính quyền các địa phương.

Theo kế hoạch, tất cả các địa phương bị sụt giảm tiêu chí tổ chức sản xuất phải hoàn thành trong năm 2018. Tuy nhiên, đến nay, nhiều địa phương vẫn đang loay hoay, chật vật trong quá trình triển khai thực hiện.

Xã Đồng Trạch, huyện Bố Trạch được công nhận đạt chuẩn NTM từ năm 2015. Đến nay, hầu hết các tiêu chí NTM đều đạt rất cao. Tuy nhiên, qua kết quả rà soát, đánh giá các tiêu chí, xã này vẫn chưa đạt tiêu chí tổ chức sản xuất. Bởi ngoài 2 tổ hợp tác (THT) nuôi trồng thủy sản và THT trang trại thì Đồng Trạch chưa có HTX và mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản chủ lực theo yêu cầu của tiêu chí.

Ông Trần Ngọc Phước, Chủ tịch UBND xã cho biết: “Việc khó nhất đối với địa phương bây giờ là lập HTX. Cả hệ thống chính trị đã vào cuộc, hết hội nghị này đến hội nghị khác để vận động, tuyên truyền nhưng người dân vẫn không tha thiết, mặn mà với HTX. Họ chỉ muốn sản xuất, làm ăn theo thói quen cá thể hộ bấy lâu nay. Thành lập HTX đã khó, xây dựng được mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản chủ lực bảo đảm bền vững với địa phương lại càng khó gấp bội phần”.

Đồng Trạch vốn là địa phương có truyền thống về trồng rau. Năm 2010, địa phương này đã có THT sản xuất rau an toàn (với 25 hộ), thế nhưng THT này cũng chỉ duy trì hoạt động được một thời gian, còn giờ đây mệnh ai người nấy làm. “Chính quyền địa phương xác định sản xuất rau là thế mạnh, sắp tới Đảng ủy xã sẽ ra Nghị quyết về thành lập HTX dịch vụ nông nghiệp và HTX sản xuất rau an toàn.

Thế nhưng, diện tích đất để trồng rau chỉ có 3ha, lại phân bố ở 3 vùng khác nhau, chưa thể gọi là lớn và quy mô. Ngoài ra, còn phải kể đến những khó khăn khác, như: việc đăng ký nhãn hiệu sản phẩm, thủ tục để chứng nhận theo tiêu chuẩn rau an toàn... Tuy nhiên, việc trước mắt để hoàn thành một phần tiêu chí này, có lẽ chúng tôi sẽ thành lập ban vận động để thành lập HTX rồi tính tiếp...", ông Phước cho hay.

Mặc dù đã đạt được nội dung là có HTX, nhưng xã Bắc Trạch, huyện Bố Trạch cũng đang gặp phải không ít khó khăn. Ông Nguyễn Ngọc Tuân, Chủ tịch UBND xã cho biết, trên thực tế, xã đã có 1 HTX dịch vụ tổng hợp.

Gọi là HTX dịch vụ tổng hợp nhưng HTX này chỉ thực hiện 2 khâu dịch vụ là vệ sinh môi trường và nước sạch, còn các dịch vụ nông nghiệp, tổ chức sản xuất vẫn chưa thực hiện được, trong khi Bắc Trạch là xã thuần nông, với diện tích đất sản xuất lúa lên đến hơn 320ha và hơn 100ha nuôi trồng thủy hải sản. HTX vẫn đang “đứng ngoài cuộc”, chưa thể hiện được các chức năng của mình, chứ chưa nói đến hoạt động theo đúng quy định của Luật HTX năm 2012.

Hiện nay, các hoạt động, như: tổ chức sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy hải sản, đều do UBND xã đảm nhiệm. Ngay cả lịch cung cấp nước để gieo trồng lúa, Chủ tịch UBND xã cũng đứng ra để lo. UBND xã đã nhiều lần làm việc nhằm mục đích tổ chức lại HTX, trả lại các nhiệm vụ nói trên cho HTX, nhưng họ không chịu làm và không có khả năng để làm.

“Còn về nội dung có mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản chủ lực bảo đảm bền vững, thì quả thật là rất khó. Lãnh đạo địa phương đang đau đầu vì chỉ tiêu này”, ông Nguyễn Ngọc Tuân cho hay. UBND xã Bắc Trạch đã xác định được lúa gạo là sản phẩm nông sản chủ lực để xây dựng mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ.

“Thế nhưng, với việc sản xuất nhỏ lẻ, rời rạc, chưa thống nhất và đồng bộ như hiện nay, xã rất khó để tổ chức thành các mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ. Bởi, so với các xã trên địa bàn huyện, diện tích lúa ở Bắc Trạch có thể gọi là lớn, nhưng số lượng tạo ra chưa đủ lớn. Do vậy, để có được lượng lúa gạo lớn tiêu thụ ra ngoài địa bàn, chắc cần phải kết nối với các xã lân cận thì may chăng mô hình mới thực sự bền vững và phát huy được hiệu quả”, ông Tuân chia sẻ.

Không khó khăn như các địa phương nói trên, xã Quang Phú, thành phố Đồng Hới là một trong những địa phương đạt chuẩn nông thôn mới sớm nhất của tỉnh, thế nhưng đến nay, xã này vẫn loay hoay với tiêu chí này. Bởi Quang Phú là xã biển, hải sản là thế mạnh và là sản phẩm chủ lực của địa phương. Việc thành lập một HTX chế biến hải sản có thể nằm trong tầm tay.

“Nhưng để xây dựng mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản chủ lực bảo đảm bền vững, chúng tôi chưa xác định được loại nông sản nào. Vì sản phẩm chủ lực của địa phương thì chỉ có hải sản, ngoài ra không có nông sản gì khác”, ông Phạm Thanh Bình, Chủ tịch UBND xã Quang Phú cho hay.

Ông Nguyễn Hữu Hồng, Phó Chủ tịch UBND huyện Bố Trạch thừa nhận, việc hoàn thành tiêu chí tổ chức sản xuất của các địa phương trên địa bàn là khá khó khăn. Hầu hết các HTX của Bố Trạch đều là HTX dịch vụ, vai trò tổ chức sản xuất chưa được phát huy.

Ngoài ra, do đặc thù địa bàn bị chia cắt bởi nhiều địa hình, nên việc hình thành vùng sản xuất quy mô lớn, tạo nên sản phẩm đồng nhất cũng gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, thói quen sản xuất của phần lớn người dân vẫn chủ yếu ở dạng cá thể hộ, nhỏ lẻ, đa phần chưa nhận thức được vai trò, lợi ích khi tham gia vào HTX.

Vì vậy, điều quan trọng là chính quyền các địa phương phải lựa chọn và phát huy được các lợi thế của mình, đồng thời phải tuyên truyền vận động để người dân thấy được lợi ích của sự liên kết sản xuất và khi tham gia vào HTX.

Về phía huyện đã giao Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phòng Kinh tế-Hạ tầng phối hợp, hỗ trợ các địa phương trong việc xây dựng các kế hoạch để hoàn thành các tiêu chí, đặc biệt tiêu chí tổ chức sản xuất. Phấn đấu cuối năm 2018, các địa phương sẽ phải hoàn thành các tiêu chí bị sụt giảm.

“Tuy nhiên, với những đặc điểm đặc thù về địa hình như Bố Trạch, nên chăng cần đánh giá và xem xét tiêu chí này một cách linh hoạt hơn. Và có nhất thiết địa phương nào cũng bắt buộc phải có cả HTX và các mô hình liên kết?.

Chúng tôi đang xem xét việc tổ chức lập các HTX liên xã, hoặc các mô hình liên kết liên xã, giữa các cụm xã có đặc điểm địa hình tương tự và cùng sản xuất một số sản phẩm. Hoặc cũng có thể tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia với vai trò làm hạt nhân, đứng ra liên kết với nhiều hộ dân cùng sản xuất và bao tiêu sản phẩm”, ông Nguyễn Hữu Hồng chia sẻ.

Ông Hoàng Tiến Cường, Phó Chánh Văn phòng điều phối chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh cho rằng, việc hoàn thành giai đoạn 2 của tiêu chí tổ chức sản xuất đối với nhiều địa phương là tương đối khó. Hầu hết các địa phương bị sụt giảm tiêu chí cũng vì không đạt tiêu chí này.

Nếu như ở giai đoạn 1, yêu cầu của tiêu chí này là chỉ cần có THT hoặc có HTX sẽ đạt chuẩn, thì ở giai đoạn này, yêu cầu cao hơn rất nhiều, vì cần đến cả HTX và các mô hình liên kết sản xuất tiêu thụ.

Điều quan trọng là các địa phương xác định được tiềm năng thế mạnh của mình, để từ đó có kế hoạch cho việc thành lập HTX và xây dựng các mô hình. Bởi, trong xu thế hiện nay, muốn phát triển bền vững, ổn định và có hiệu quả, không còn cách nào khác là phải thành lập các HTX và phải liên kết lại với nhau.

HTX dịch vụ tổng hợp xã Bắc Trạch vẫn chưa thực hiện được các dịch vụ nông nghiệp, tổ chức sản xuất như quy định của Luật HTX năm 2012.
HTX dịch vụ tổng hợp xã Bắc Trạch vẫn chưa thực hiện được các dịch vụ nông nghiệp, tổ chức sản xuất như quy định của Luật HTX năm 2012.

Trước mắt, chính quyền các địa phương cần cố gắng thực hiện theo quy định của Bộ tiêu chí mới. Muốn đạt được tiêu chí này, đòi hỏi chính quyền địa phương các cấp cần triển khai thực hiện quyết liệt, nhất là việc vận động tuyên truyền người dân, triển khai đồng bộ các giải pháp, như: cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp, dồn điền đổi thửa, chuyển đổi diện tích sản xuất kém hiệu quả sang sản xuất các sản phẩm có hiệu quả cao hơn.

Cũng theo ông Cường: “Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, cần đề xuất lên cấp trên để có hướng giải quyết cụ thể. Bởi, quy định mới của Bộ tiêu chí đang áp dụng chung cho toàn quốc, vì vậy cũng có địa phương, vùng miền, do đặc thù địa hình, sẽ gặp phải không ít khó khăn trong quá trình triển khai.

Như trường hợp huyện Bố Trạch chẳng hạn, do địa bàn bị chia cắt bởi nhiều địa hình nên có địa phương chỉ có nhu cầu thành lập HTX, hoặc cũng chỉ có nhu cầu có các mô hình liên kết. Việc đa dạng hóa các hình thức liên kết, đối tượng liên kết như doanh nghiệp với người dân, hoặc thành lập HTX liên xã, mô hình liên kết liên xã của địa phương này cũng có thể là một giải pháp hay”.

17 xã bị sụt giảm tiêu chí tổ chức sản xuất gồm: xã Hàm Ninh (huyện Quảng Ninh); Quang Phú, Bảo Ninh, Thuận Đức (TP.Đồng Hới); Hoàn Trạch, Đồng Trạch, Đức Trạch, Bắc Trạch, Hạ Trạch (huyện Bố Trạch); Quảng Tân, Quảng Hòa, Quảng Tiên, Quảng Hải (TX. Ba Đồn); Cảnh Dương, Quảng Lưu, Quảng Tùng (huyện Quảng Trạch); và xã  Quy Hóa (huyện Minh Hóa).

Theo yêu cầu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 quy định tại Quyết định 1980/QĐ-TTg ngày 17-10-2016 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định 433/QĐ-UBND ngày 15-2-2017 của UBND tỉnh (gọi tắt là Bộ tiêu chí mới), tiêu chí tổ chức sản xuất (tiêu chí số 13) gồm có 2 nội dung: 13.1: Xã có hợp tác xã hoạt động theo đúng quy định của Luật Hợp tác xã năm 2012; 13.2: Xã có mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản chủ lực bảo đảm bền vững.

Dương Công Hợp

 

,
  • Bố Trạch: Các hoạt động du lịch diễn ra khá sôi động

    (QBĐT) - Huyện đã phối hợp với các công ty, cơ sở du lịch trên địa bàn tổ chức nhiều chương trình thu hút du khách với các hoạt động nổi bật, như: lễ hội đua thuyền truyền thống, hội thi cá trắm sông Son, liên hoan ẩm thực di sản...

    15/07/2018
    .
  • 400 doanh nghiệp nợ đọng thuế 370 tỷ đồng

    (QBĐT) - Tính đến 30-6,  toàn tỉnh có hơn 400 doanh nghiệp còn nợ đọng thuế 370 tỷ đồng, tăng 1,1% so với thời điểm 31-12-2017, chiếm trên 10,9% tổng thu ngân sách năm 2018, vượt hơn 2 lần tỷ lệ nợ thuế trong giới hạn cho phép theo quy định của Bộ Tài chính.

    14/07/2018
    .
  • Bố Trạch: Tiếp tục thực hiện tốt các giải pháp thu ngân sách

    (QBĐT) - Mặc dù bước vào năm 2018, Bố Trạch phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhưng nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy, chính quyền địa phương, sự phối hợp tích cực, hiệu quả giữa các cấp, các ngành, nên trong 6 tháng đầu năm, huyện đã thực hiện vượt kế hoạch dự toán thu ngân sách trên địa bàn.

    14/07/2018
    .
  • Phát triển rừng trồng gỗ lớn bằng giống keo lai nuôi cấy mô

    (QBĐT) - Trồng rừng gỗ lớn bằng giống keo lai nuôi cấy mô đang là xu hướng sản xuất, kinh doanh rừng trồng có hiệu quả và bền vững trên địa bàn tỉnh Quảng Bình.

    13/07/2018
    .
  • Bố Trạch: Nâng cao giá trị nông sản bằng liên kết chuỗi

    (QBĐT) - Trước thực trạng ngành Nông nghiệp huyện Bố Trạch đang phát triển với quy mô nhỏ, đa phần sản xuất theo kiểu truyền thống, đặc biệt một số địa phương chỉ sản xuất lúa 1 vụ, việc xây dựng các mô hình sản xuất liên kết theo chuỗi, gắn với xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu hàng hóa là hướng đi cần thiết.

    13/07/2018
    .
  • Cơ bản hoàn thành bồi thường hỗ trợ thiệt hại do sự cố môi trường biển

    (QBĐT) - Thực hiện Quyết định số 1880/QĐ-TTg, Quyết định số 309/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc chi trả tiền bồi thường cho các đối tượng bị thiệt hại do sự cố môi trường biển và Công văn số 1826/TTg-NN về xử lý hàng hải sản tồn đọng tại địa bàn 4 tỉnh bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường biển

    13/07/2018
    .
  • Sản lượng khai thác thủy sản tăng 12,8%

    (QBĐT) - Trong 6 tháng đầu năm 2018, tình hình khai thác thủy sản cơ bản vẫn duy trì ổn định, thời tiết tốt đã tạo thuận lợi cho ngư dân bám biển sản xuất khai thác.

    13/07/2018
    .
  • Lệ Thủy: Huy động 130 tỷ đồng xây dựng nông thôn mới

    (QBĐT) - Trong 6 tháng đầu năm 2018, huyện Lệ Thủy đã huy động 130 tỷ đồng cho xây dựng nông thôn mới (XDNTM).

    13/07/2018
    .