.

Sáng tạo "gỡ khó" nông thôn mới

.
08:43, Thứ Hai, 18/06/2018 (GMT+7)

(QBĐT) - Những năm gần đây, xã Quảng Hợp, huyện Quảng Trạch luôn có nhiều cách làm hay, sáng tạo để "gỡ khó" cho nông thôn mới (NTM), như: chọn các tiêu chí, phần việc dễ, cần ít kinh phí để tập trung thực hiện trước; lấy công tác thuỷ lợi và phát triển kinh tế rừng làm mũi nhọn đột phá; chỉ đạo mỗi thôn xây dựng một mô hình "điểm" nhằm từng bước nhân rộng... Với cách làm này, chính quyền xã Quảng Hợp đã tạo nên những điểm nhấn và bứt phá ấn tượng trong phát triển kinh tế- xã hội và xây dựng NTM.

Tạo đột phá từ thuỷ lợi và kinh tế rừng

Xã Quảng Hợp có diện tích đất khá rộng, nhưng lại kém phì nhiêu và khoảng 50% trong số đó là rừng phòng hộ. Hàng năm, xã luôn gánh chịu nhiều thiệt hại nặng nề do thiên tai gây ra. Thời điểm mới bắt tay vào xây dựng NTM, tỷ lệ hộ nghèo của địa phương cao nhất huyện Quảng Trạch. Cơ sở vật chất hạ tầng thiếu đồng bộ, khá tạm bợ và chắp vá, đời sống nhân dân nhiều khó khăn...

Đàn vịt trời của Tổ hợp tác chăn nuôi vịt trời thôn Hợp Phú, xã Quảng Hợp.
Đàn vịt trời của Tổ hợp tác chăn nuôi vịt trời thôn Hợp Phú, xã Quảng Hợp.

Bám sát vào thực tiễn ở địa phương, ngay thời điểm mới triển khai chương trình NTM, xã Quảng Hợp đã tập trung mạnh vào thực hiện tiêu chí thuỷ lợi, xem đây là khâu đột phá, tạo thế "đòn bẩy" nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng NTM đạt kết quả tích cực.

Để làm tốt công tác thuỷ lợi, những năm qua, xã Quảng Hợp rất khéo léo trong việc huy động, lồng ghép nguồn vốn đầu tư từ các cấp, ngành, các chương trình, dự án... với nguồn vốn nội lực huy động được nhằm tập trung vào triển khai xây dựng, gia cố, cải tạo, nâng cấp các công trình hồ đập, kênh mương thuỷ lợi, trạm bơm trên địa bàn.

Chủ tịch UBND xã Quảng Hợp Nguyễn Công Viên tâm sự: "Là xã thuần nông, nhưng đất canh tác của Quảng Hợp rất ít ỏi. Với địa hình đồi núi lắm dốc, nhiều khe suối, nhưng cứ đến mùa khô, hầu hết diện tích đất canh tác ở xã lại rơi vào tình trạng "đồng khô cỏ cháy".

Năm 2011, xã Quảng Hợp có tới 62,6% hộ nghèo, xuất phát điểm về NTM chỉ đạt 2/19 tiêu chí, số nhà tạm của dân chiếm 67%.

Đến cuối năm 2017, tỷ lệ hộ nghèo của xã Quảng Hợp giảm còn 23,76%, 100% hộ dân có nhà ở kiên cố và xã đạt 10/19 tiêu chí về NTM.

Thành quả này tuy chưa cao so với mặt bằng chung của tỉnh, nhưng đây chính là sự nỗ lực sáng tạo của tập thể Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Quảng Hợp trong điều kiện xuất phát điểm còn nhiều khó khăn.

Trước đây, do hệ thống thuỷ lợi yếu kém, rất nhiều diện tích đất canh tác ở xã hầu như chỉ trồng được một vụ lúa và một vụ màu rồi bỏ hoang.

Bây giờ, nhờ khâu thuỷ lợi được bảo đảm, diện tích đất trồng lúa của xã được mở rộng thêm khoảng 23 ha và diện tích canh tác 2 vụ lúa/năm đã tăng thêm 55%. Tổng sản lượng lương thực toàn xã cũng nhờ đó mà tăng lên gấp đôi so với năm 2011.

Hiện nay, xã Quảng Hợp đã đạt tiêu chí về thuỷ lợi, 5/6 thôn gần như chủ động cấp đủ nước tưới cho sản xuất 2 vụ/năm. Khi nguồn nước tưới tiêu được chủ động, nhiều hộ dân trong xã còn mạnh dạn đầu tư vào lĩnh vực trồng cây ăn quả, nuôi trồng thuỷ sản, phát triển chăn nuôi quy mô lớn, mở rộng kinh tế vườn nhà, vườn đồi... Đời sống của người dân cũng nhờ đó mà được nâng lên đáng kể".

Là địa phương giàu quỹ đất lâm nghiệp ở huyện Quảng Trạch, nhưng đa số lại là rừng nghèo kiệt, lắm lau lách, gỗ tạp và cây bụi..., những năm qua, xã Quảng Hợp đã tích cực phối hợp với các đơn vị chức năng tiến hành điều tra, khảo sát và quy hoạch lại việc quản lý, bảo vệ và phát triển rừng một cách hợp lý, hiệu quả. Địa phương xem việc phát triển kinh tế rừng chính là mũi nhọn tiếp theo để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng NTM.

Chính nhờ làm tốt công tác quản lý sử dụng đất rừng, thời gian qua, toàn bộ những diện tích rừng phòng hộ ở Quảng Hợp đã được nhân dân địa phương chung sức bảo vệ, khai thác một cách có hiệu quả. Tình trạng chặt phá, đốt rừng bừa bãi như trước đây đã được ngăn chặn khá triệt để. Đến nay, cơ bản các diện tích đất rừng sản xuất đều được địa phương bàn giao cho nhân dân để họ an tâm bắt tay vào phủ xanh đất trống đồi núi trọc, mở hướng vươn lên thoát nghèo, trở thành hộ khấm khá.

Vào thời điểm này, toàn xã Quảng Hợp đã trồng được trên 2.000 ha rừng kinh tế, chủ yếu là cây keo lai, bạch đàn. Nhiều hộ nhờ vào trồng rừng kinh tế mà đã thu về khoảng 40-60 triệu đồng/ha (sau 5 năm trồng, chăm sóc). Đây chính là khoản thu nhập khôngnhỏ đối các hộ dân sống ở vùng đất Quảng Hợp còn lắm khó khăn...

Mỗi thôn xây dựng một mô hình "điểm"

Xã miền núi Quảng Hợp hiện có 1.866 hộ, với 6.686 nhân khẩu, sống phân bố ở 6 thôn. Hầu hết người dân nơi đây đều sống dựa vào sản xuất nông nghiệp, nghề phụ hầu như không có. Tổng diện tích tự nhiên toàn xã khoảng 11.500 ha (trong đó diện tích rừng phòng hộ chừng 5.100 ha, đất rừng sản xuất hơn 4.400 ha, đất trồng cây hàng năm 488 ha, đất trồng cây ăn quả trên 53 ha, đất lúa 225 ha, đất phi nông nghiệp 967 ha (chủ yếu đất ở), diện tích nuôi trồng thuỷ sản hơn 1,2 ha...).

Chủ tịch UBND xã Quảng Hợp Nguyễn Công Viên cho biết, nhằm tạo thêm cơ hội công ăn việc làm, nâng cao đời sống, thu nhập cho người dân, trong quá trình xây dựng NTM, địa phương đã chỉ đạo mỗi thôn phải xây dựng được ít nhất một mô hình làm ăn "điểm" hiệu quả để từ đó nhân rộng.

Một mô hình chăn nuôi dê đàn ở xã Quảng Hợp.
Một mô hình chăn nuôi dê đàn ở xã Quảng Hợp.

Từ chủ trương nói trên, hiện nay, toàn xã Quảng Hợp đã và đang xuất hiện nhiều mô hình làm ăn "điểm" khá hiệu quả, như: thay thế đàn bò cóc sang bò lai Sind ở thôn Thanh Xuân; xây dựng 3 mô hình tổ hợp tác trồng sim, với gần 50 thành viên tại các thôn Bưởi Rõi, Hợp Bàn, Hợp Phú, với diện tích trên 17 ha (dự kiến sẽ tăng lên 50 ha); mô hình cải tạo vườn tạp thành vườn cây ăn quả ở hai thôn Thanh Xuân, Hợp Phú; mô hình Tổ hợp tác trồng lạc ở thôn Hợp Bàn; mô hình chăn nuôi gà, vịt, ngan, bò lai Sind tại thôn Hợp Hạ...

Dẫn chúng tôi đi tham quan mô hình làm ăn "điểm" của địa phương, ông Đàm Duy Thành, Chủ nhiệm Tổ hợp tác chăn nuôi vịt trời thôn Hợp Phú phấn khởi: "Từ chủ trương của xã Quảng Hợp, nguồn vốn tạo công ăn việc làm của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, đã có 20 thành viên ở thôn Hợp Phú mạnh dạn đăng ký tham gia nuôi vịt trời (quy mô 6.000 con) ở khu vực đập thuỷ lợi Lòi Đuốc. Đây là một mô hình làm ăn mới của thôn Hợp Phú, vừa được gây dựng cách đây gần 3 tháng.

Tham gia vào tổ hợp tác này, các thành viên đều được tạo điều kiện học tập về kỹ thuật chăn nuôi vịt trời; cung cấp con giống và nguồn thức ăn bảo đảm; được trả công chăm sóc và bảo vệ sau khi bán vịt ra thị trường. Kể từ khi có thêm nghề phụ này, anh em chúng tôi đã phân công nhau (mỗi ngày 3 người) luân phiên chăm sóc, bảo vệ đàn vịt. Dù mới nuôi vịt trời lần đầu, chưa biết hiệu quả đến đâu, nhưng thấy vịt sinh trưởng rất nhanh, ai nấy cũng phấn khởi lắm...!".

Văn Minh



 

,