.

Nâng cao thu nhập với nghề làm chổi đót

.
09:02, Thứ Hai, 04/06/2018 (GMT+7)

(QBĐT) - Nằm trong dự án hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế của Hội liên hiệp phụ nữ tỉnh, mô hình làm chổi đót ở xã Quảng Phương, huyện Quảng Trạch được thành lập từ tháng 6 năm 2017. Ban đầu, mô hình thu hút 26 chị em từ 4 thôn: Hướng Phương, Pháp Kệ, Đông Dương và Tô Xá. Đến thời điểm hiện tại, số thành viên tham gia đã tăng lên con số 35.

Sau khi tham gia lớp tập huấn về làm nghề chổi đót do Trung tâm dạy nghề phụ nữ tỉnh tổ chức, với mong muốn tăng thêm nguồn thu nhập cho gia đình và tranh thủ được khoảng thời gian nhàn rỗi trong ngày, hội viên phụ nữ của 4 thôn trên địa bàn xã Quảng Phương đã tập hợp, thành lập một tổ chuyên sản xuất chổi đót để cung cấp ra thị trường trong và ngoài xã.

Chị Nguyễn Thị Hiền, Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ thôn Pháp Kệ, tổ trưởng tổ sản xuất cho biết: “Được sự quan tâm của các cấp, các ngành, chị em phụ nữ xã Quảng Phương được tham gia tập huấn lớp dạy nghề làm chổi đót. Trong quá trình tham gia tập huấn, chị em đã tiến hành vừa học vừa làm và đến thời điểm hiện tại, các sản phẩm đã được người tiêu dùng trong và ngoài xã mua sử dụng với giá cả phù hợp”.

Nghề làm chổi đót có thể tận dụng toàn bộ nhân lực trong gia đình, từ đàn ông, phụ nữ cho đến người già, trẻ em.
Nghề làm chổi đót có thể tận dụng toàn bộ nhân lực trong gia đình, từ đàn ông, phụ nữ cho đến người già, trẻ em.

Chổi đót có 2 loại, gồm chổi cán nhựa và cán gỗ, mặc dù cùng một cách làm, nhưng số lượng đót để làm chổi cán gỗ nhiều hơn, nên chổi cán gỗ có giá thành cao hơn so với chổi cán nhựa. Để làm được một cây chổi đót cán gỗ sẽ phải dùng 10 lọn đót, riêng chổi cán nhựa thì dùng 7 lọn. Theo giá thị trường, chổi đót cán gỗ có giá 50 ngàn đồng/cái, còn chổi đót cán nhựa có giá 30 ngàn đồng/cái.

Nghề làm chổi đót có thể tận dụng được toàn bộ nhân lực trong gia đình, từ đàn ông, phụ nữ cho đến người già, trẻ em, dựa vào đặc thù của công việc mà mỗi người có thể tham gia mỗi công đoạn. Do đó, nếu tranh thủ thời gian nhàn rỗi trong ngày, trung bình các hộ gia đình sẽ làm ra được 5 cái chổi đót, bán với giá từ 30 đến 50 ngàn đồng/cái tùy loại.

Sau khi đã có một số lượng sản phẩm nhất định, chị em sẽ tập hợp số chổi đó tại nhà của một thành viên trong tổ, rồi phân công nhau đem chổi đi bán và giới thiệu cho người dân trên địa bàn, đồng thời tìm đầu ra cho sản phẩm.

Là nghề phụ, chỉ mới xuất hiện trong một thời gian ngắn, nhưng nghề làm chổi đót đã góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho nhiều hộ gia đình trên địa bàn xã Quảng Phương. Tuy nhiên, nghề còn mang tính nhỏ lẻ nên đầu ra sản phẩm chưa được ổn định. Các hộ dân vẫn chưa tìm được nguồn cung ứng nguyên liệu tại gốc, nên chi phí cho nguyên liệu vẫn còn tốn kém.

Thời gian tới, để nghề làm chổi đót ở xã Quảng Phương được phát triển, xây dựng được thương hiệu riêng trên thị trường, người dân mong muốn được các cấp, các ngành quan tâm, tạo mọi điều kiện hỗ trợ nguồn vốn thông qua các chương trình, dự án, đồng thời mở thêm các lớp hướng dẫn về kỹ thuật để nâng cao tay nghề cho chị em, góp phần nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế gia đình và giải quyết việc làm cho lao động địa phương.

Hà Ny
(Đài TT-TH Quảng Trạch)

 



 

,