.

Xây dựng lực lượng tại chỗ trong phòng cháy, chữa cháy rừng

.
09:48, Thứ Năm, 10/05/2018 (GMT+7)

(QBĐT) - Hiện nay, trước tình trạng nắng nóng, khô hạn diễn biến phức tạp, nguy cơ cháy rừng cao, các huyện, thành phố, thị xã, các đơn vị chủ rừng trên toàn tỉnh đang khẩn trương hoàn thành phương án, sẵn sàng lực lượng, phương tiện, dụng cụ, hậu cần chữa cháy, bảo đảm huy động kịp thời, hiệu quả khi có sự cố cháy rừng xảy ra.

Ông Phạm Hồng Thái, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm Lâm tỉnh cho biết: "Trước những cảnh báo về tình hình nắng nóng có nguy cơ kéo dài trong năm nay, vào thời điểm đầu mùa, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã tổ chức đợt kiểm tra tổng thể công tác phòng cháy rừng trên địa bàn toàn tỉnh để rà soát kỹ lưỡng và có phương án điều chỉnh kịp thời nhằm chủ động đối phó với các tình huống xấu, bất ngờ. Qua kiểm tra cho thấy, hầu hết các địa phương và đơn vị đã xây dựng phương án phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR) năm 2018".

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm tháng 5 của ngành Kiểm lâm là triển khai công tác PCCCR.
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm tháng 5 của ngành Kiểm lâm là triển khai công tác PCCCR.

Đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng được 154 phương án, trong đó gồm 8 huyện, thị xã, thành phố, 127 xã, phường, thị trấn và 19 đơn vị chủ rừng. Các đơn vị chủ rừng đã xây dựng phương án PCCCR phù hợp, sát đúng với tình hình thực tế, xác định các vùng trọng điểm cháy, xây dựng các tình huống giả định và huy động lực lượng chữa cháy rừng.

Toàn tỉnh cũng đã thành lập 794 tổ đội xung kích bảo vệ rừng (BVR), PCCCR ở cơ sở với hơn 6.336 lượt người tham gia. Nòng cốt trong công tác PCCCR ở cơ sở là lực lượng kiểm lâm, dân quân tự vệ, công an xã và bảo vệ rừng của các đơn vị chủ rừng. Các hạt kiểm lâm, đơn vị chủ rừng, các xã có rừng đã mua sắm, sữa chữa, củng cố và chuẩn bị các dụng cụ chữa cháy rừng tại cơ quan, trụ sở làm việc, như: máy bơm nước, máy thổi gió, máy cắt cỏ, máy cưa xăng, bình cứu hỏa, bàn dập lửa, bình phun nước, loa chỉ huy, xẻng, cuốc, rựa, can, thùng đựng nước, xô, bi đông, còi...

Các công trình PCCCR được triển khai tu sửa, sơn vẽ lại các bảng quy ước tuyên truyền BVR, PCCCR. Hệ thống các biển báo cấm lửa trên các trục đường giao thông tại các khu rừng dễ cháy được bố trí lắp đặt. Các đơn vị, địa phương đã phát dọn, tu sửa hệ thống đường băng cản lửa và đầu tư cho công tác xử lý thực bì rừng trồng trước mùa khô.

Hiện tại, toàn tỉnh có 476,1 km đường ranh cản lửa, trong đó có 335 km đường băng trắng và 141,1 km đường băng xanh; 49 chòi canh lửa rừng, trong đó có 37 chòi kiên cố và 12 chòi bán kiên cố; 157 bảng tuyên truyền và 1.129 biển cấm lửa... phục vụ công tác PCCCR. Các huyện, thành phố, thị xã trong toàn tỉnh đã xử lý thực bì, vệ sinh rừng đạt bình quân khoảng 64,6%.

Tuy nhiên, qua kiểm tra thực tế tại một số vùng trọng điểm cháy, như: rừng cây bản địa tại xã Trọng Hóa và Dân Hóa, rừng thông nhựa tại xã Hồng Hóa (Minh Hóa), xã Sơn Hóa, xã Mai Hóa (Tuyên Hóa), Chi nhánh lâm trường Bồng Lai, xã Thanh Trạch, Bắc Trạch (Bố Trạch), xã Quảng Sơn (thị xã Ba Đồn), diện tích rừng phòng hộ ven biển tại Ban quản lý rừng phòng hộ (BQLRPH) Đồng Hới, BQLRPH ven biển Nam Quảng Bình...., tỷ lệ xử lý thực bì rất thấp, nguy cơ cháy rừng rất cao. Bên cạnh đó, hệ thống chòi canh lửa một số nơi đã xuống cấp.

Các chòi canh lửa cố định được đầu tư xây dựng từ lâu, hiện tại, chòi canh thấp hơn tán rừng, không có tác dụng phát hiện đám cháy, các đơn vị chủ rừng phải sử dụng chòi canh lửa phụ làm tạm thời không bảo đảm tiêu chuẩn và mức độ an toàn về phòng cháy. Một số đường băng trắng cản lửa có sẵn chưa được tu bổ, làm giảm khả năng phòng chống cháy lan (BQLRPH ven biển Nam Quảng Bình, BQLRPH Đồng Hới, tiểu khu 90 xã Sơn Hóa), một số bảng tuyên truyền đã cũ, mờ; hệ thống biển báo cấm lửa tại các khu rừng dễ cháy số lượng còn ít.

Theo ông Phạm Hồng Thái, để nâng cao hiệu quả công tác PCCCR trong mùa nắng nóng, giảm thiểu tối đa cháy rừng và thiệt hại do cháy rừng gây ra, UBND các huyện, thành phố, thị xã cần chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn khẩn trương xây dựng và phê duyệt phương án PCCCR theo đúng quy định tại Nghị định số 09/2006/NĐ-CP ngày 16-1-2006 của Chính phủ.

Các đơn vị, địa phương và ngành chức năng tập trung chỉ đạo quyết liệt công tác PCCCR bảo đảm phương châm “4 tại chỗ”; bố trí lực lượng thường trực chỉ huy, trực canh lửa ở các vùng trọng điểm cháy; chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện, dụng cụ, hậu cần chữa cháy để huy động kịp thời khi có cháy rừng xảy ra; tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt các quy định về BVR, PCCCR, đặc biệt là việc sử dụng lửa trong rừng, ven rừng trong mùa khô. Các địa phương cần bố trí kinh phí cho UBND các xã có rừng mua sắm đầy đủ dụng cụ, phương tiện phục vụ cho công tác PCCCR.

Đối với hạt kiểm lâm các huyện, thành phố, thị xã, cần bố trí lực lượng thường trực chỉ huy, trực canh lửa ở các vùng trọng điểm cháy trong các thời kỳ nắng nóng cao điểm. Kiểm lâm địa bàn cần tích cực tham mưu UBND các xã, phường, thị trấn triển khai các biện pháp phòng cháy rừng đối với diện tích rừng chưa xử lý thực bì, đặc biệt là diện tích rừng thông nhựa do hộ gia đình, cá nhân quản lý bằng cách làm các đai cản lửa ngăn cách khu rừng với các đường giao thông, khu dân cư và chia nhỏ khu rừng, phòng cháy lan trên diện rộng; tổ chức lực lượng bảo vệ rừng nghiêm ngặt, trực PCCCR 24/24h trong những ngày nắng nóng cao điểm.

Các đơn vị chủ rừng, như: Công ty TNHH MTV LCN Long Đại, Công ty LCN Bắc Quảng Bình, BQLRPH Đồng Hới, BQLRPH ven biển Nam Quảng Bình, cần thường xuyên phối hợp với cơ quan chức năng, chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền, phổ biến giáo dục phát luật BVR, PCCCR tại cộng đồng dân cư, tích cực vận động nhân dân tham gia BVR, PCCCR; theo dõi diễn biến thời tiết để cập nhật cấp dự báo cháy rừng và thông báo cho các trạm bảo vệ rừng, các hộ nhận khoán bảo vệ rừng được biết.

Các đơn vị chủ rừng cần tổ chức lực lượng quản lý chặt chẽ nguồn lửa, thường xuyên trực tuần tra, canh gác lửa rừng trong các ngày nắng nóng cao điểm kéo dài; khẩn trương triển khai vệ sinh hệ thống đường băng trắng thu gom xử lý vật liệu cháy (không đốt) để đường băng trắng phát huy tác dụng ngăn lửa cháy lan.

Cán bộ kiểm lâm trực tiếp về các địa phương nắm tình hình trong mùa khô năm nay.
Cán bộ kiểm lâm trực tiếp về các địa phương nắm tình hình trong mùa khô năm nay.

Thành phố Đồng Hới là một trong những địa phương thực hiện khá toàn diện công tác PCCCR trong nhiều năm qua. Ông Nguyễn Sỹ Doãn, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm thành phố cho biết: "Đồng Hới có tổng diện tích tự nhiên gần 16.000 ha, trong đó diện tích rừng và đất lâm nghiệp trên 6.555 ha (chiếm 42%).

Tài nguyên rừng của thành phố không những có giá trị về kinh tế, quốc phòng mà còn có tác dụng to lớn trong việc điều hòa khí hậu, chống xói mòn, chống cát bay, là cảnh quan du lịch, giữ gìn nguồn nước phục vụ cho đời sống của nhân dân trên địa bàn.

Vì vậy, công tác bảo vệ rừng và PCCCR được UBND thành phố và các ngành chức năng đặc biệt coi trọng. UBND và Ban chỉ đạo thực hiện chương trình phát triển lâm nghiệp thành phố xác định nhất quán phương châm 4 tại chỗ, lấy việc phòng cháy là chính, chữa cháy rừng phải khẩn trương, kịp thời và triệt để".

UBND thành phố còn thường xuyên quan tâm đầu tư, cấp kinh phí hỗ trợ công tác BVR và PCCCR cho các xã, phường có rừng, Hạt Kiểm lâm và mua sắm bổ sung trang thiết bị, dụng cụ chữa cháy rừng chuyên dụng, cần thiết. Hạt Kiểm lâm thành phố đã phân công cán bộ bám sát địa bàn, phối hợp với địa phương tổ chức trực 24/24 giờ từ tháng 4 đến tháng 9 hàng năm và các ngày nghỉ lễ, Tết để xử lý các tình huống có thể xảy ra. Nhờ đó, những năm qua, rừng trên địa bàn thành phố được bảo đảm an toàn, không có thiệt hại do cháy, một số điểm phát lửa nhưng diện tích bị cháy cũng chủ yếu là lau lách, cây bụi...

Hương Trà



 

,