.

Nhìn lại các đề xuất tăng thuế của Bộ Tài chính gần một năm qua

.
08:42, Thứ Tư, 02/05/2018 (GMT+7)

Liên tiếp những đề xuất điều chỉnh thuế gây xôn xao dư luận được cơ quan chức năng đưa ra trong những tháng gần đây, từ thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng, thuế bảo vệ môi trường và mới đây nhất là thuế tài sản.

Và, tất nhiên, hầu hết đề xuất điều chỉnh đều theo hướng tăng mức thuế suất, có những khoản được đẩy lên kịch trần và có cả những sắc thuế “mới tinh.”

Thử nhìn lại một loạt những khóa từ về thuế gây nóng thời gian qua và những câu chuyện đằng sau việc tăng thu.

Ảnh minh họa. (Nguồn: Vietnam+)
Ảnh minh họa. (Nguồn: Vietnam+)

Nỗi lo từ thuế giá trị gia tăng

Tháng 8-2017, Bộ Tài chính bất ngờ công bố đề xuất gây sốc: Tăng thuế giá trị gia tăng từ 10% lên 12% kể từ ngày 1-1-2019.

Một trong những viện dẫn được Bộ Tài chính nêu lên là để bù đắp hụt thu do giảm thuế thu nhập, các nước đang chuyển hướng sang tăng thuế tiêu dùng như giá trị gia tăng và tiêu thụ đặc biệt.

Minh chứng là thuế suất thuế giá trị gia tăng trung bình tại các nước Liên minh châu Âu (EU) năm 2000 là 19%, đến năm 2014 mức thuế này đã xấp xỉ 21,5%. Các nước trong Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cũng có xu hướng tăng thuế suất thuế giá trị gia tăng từ mức trung bình 18% năm 2000 lên khoảng 19% năm 2014 và hơn 19% vào năm 2016.

So sánh với các nước EU, OCED có vẻ chưa gần gũi lắm. Vậy nên, khi trả lời phóng viên Báo điện tử VietnamPlus, ông Phan Lê Thành Long, Giám đốc Viện Kế toán Quản trị công chứng Australia (CMA Australia) tại Việt Nam đưa thêm con số so sánh.

Ông thống kê, một loạt những nước và vùng lãnh thổ hiện đều có mức thuế trung bình khoảng 10% hoặc thậm chí dưới 10% như: Indonesia 10%, Malaysia 6%, Myanmar 5%, Singapore 7%, Hàn Quốc 10%, Đài Loan 5%, Thái Lan 7%.

Đó là về cách tính toán của những chuyên gia. Còn với người dân, đề xuất tăng thuế giá trị gia tăng khiến nhiều người lo lắng bởi ai cũng phải ăn cơm, uống sữa, cho con đi học, chữa bệnh và hầu như tất cả đều phải nộp thuế giá trị gia tăng.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai trong buổi họp báo Chính phủ hồi tháng 8-2017 đã khẳng định việc tăng thuế giá trị gia tăng tác động lên người dân, đặc biệt là người nghèo không nhiều.

Thế nhưng, người dân thì lại không nghĩ vậy bởi một người thu nhập thấp mua thức ăn ngoài chợ thì không có nghĩa người đó không đóng thuế.

Lý do là, hạt gạo dù bán ở đâu, kể cả ở chợ thì người nông dân làm ra hạt gạo đó đều trả thuế cho quá trình làm nên sản phẩm của mình từ: điện, nước, giống lúa, phân bón, thuốc trừ sâu,…

Người sản xuất nhỏ, nuôi lợn, gà, người làm ra cân bún, chai nước mắm, gia vị,… cũng phải nộp thuế giá trị gia tăng cho những nguyên liệu để có thể sản xuất ra hàng hóa.

Sau một thời gian xin ý kiến, đề xuất tăng thuế giá trị gia tăng đã được Bộ Tài chính điều chỉnh với lộ trình được kéo giãn. Thay vì tăng lên 12% ngay từ đầu năm 2019, Bộ Tài chính đề xuất, từ ngày 1-1-2019, tăng thuế giá trị gia tăng từ 10% lên 11%; từ ngày 1-1-2020, mức thuế này sẽ tăng từ 11% lên 12%.

Tới lượt xăng, dầu, nước ngọt

Một trong những đề xuất khác cũng được nêu lên cùng đợt với thuế giá trị gia tăng là đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với nước ngọt. Những đối tượng dự kiến là nước ngọt loại có ga, không ga, tăng lực, thể thao, trà, cà phê uống liền được đóng gói theo dây chuyền sản xuất công nghiệp. Mức thuế suất đề nghị là 10% từ năm 2019.

Lý do đưa ra là mặt hàng trên gây béo phì và các bệnh tim mạch, tiểu đường. Thế nhưng, một số ý kiến sau đó đã nêu lên câu hỏi: nước ngọt có thể ảnh hưởng tới sức khỏe nhưng tăng cân, béo phì không hẳn chỉ do thức uống này gây ra. Điều quan trọng hơn là nguyên nhân từ khẩu phần ăn hàng ngày đặc biệt là thức ăn nhanh cũng như cách sinh hoạt, vận động.

Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Khi nỗi lo về tăng thuế giá trị gia tăng và thuế tiêu thụ đặc biệt vừa lắng xuống, tới tháng 2-2018, một đề xuất khác lại khiến nhiều người giật mình.

Theo đó, lãnh đạo ngành tài chính để xuất nâng mức thuế bảo vệ môi trường với xăng từ 3.000 đồng/lít lên kịch khung hiện tại là 4.000 đồng/lít. Dầu diesel cũng được đề nghị nâng mức thuế từ 1.500 đồng/lít lên mức trần 2.000 đồng/lít. Tương tự, mức thuế với dầu mazut và dầu nhờn cũng được đề nghị nâng từ 900 đồng/lít lên kịch trần là 2.000 đồng/lít.

Việc đề xuất đương nhiên phải có căn cứ và có thể kể ra như: cơ cấu lại ngân sách Nhà nước theo hướng đảm bảo nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững, căn cứ vào chiến lược thuế và tăng trưởng xanh, hạn chế các sản phẩm gây ô nhiễm,...

Vậy nhưng, về phía người dân, rõ ràng, xăng, dầu là hàng hóa thiết yếu không thể không sử dụng. Nếu giá xăng, dầu tăng, giá cả các mặt hàng tiêu dùng khác thông thường cũng sẽ đua nhau đội lên. Việc ấy đồng nghĩa người dân sẽ khó có khả năng tiết kiệm, đặc biệt là người nghèo.

Đó là chưa tính, như cách nói của ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội, chính doanh nghiệp đang phải phải “gồng mình” chịu các loại thuế. Bởi vậy, việc điều chỉnh thuế bảo vệ môi trường nếu được áp dụng sẽ buộc các doanh nghiệp phải điều chỉnh giá các sản phẩm và có thể làm yếu đi khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp.

Nhiều cách để tăng thu

Đề xuất tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu vừa được công bố ít lâu, dự án Luật thuế tài sản bất ngờ xuất hiện.

Đề xuất đánh thuế tài sản với đất (tăng hơn 10 lần so với thuế sử dụng đất phi nông nghiệp hiện tại) và nhà ở trên 700 triệu đồng một lần nữa khiến dư luận dậy sóng.

Là người làm trong ngành tài chính nhiều năm, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh bày tỏ, cơ quan chức năng thường mang lập luận “thông lệ quốc tế” khi nói về các đề xuất. Điều này theo ông tức là: “Thế giới làm gì thì ta làm vậy.”

Thế nhưng, ông cũng bày tỏ, đó là cách thuyết phục “rất không thuyết phục.”

Nhìn lại các đề xuất tăng thuế, một chuyên gia đã từng thẳng thắn, lý do quan trọng nhất là do ngân sách hiện tại đang thâm hụt nhiều.

Tuy nhiên, với chuyên gia kinh tế Bùi Quang Tín, nếu muốn tăng thu ngân sách, cơ quan chức năng có nhiều cách như: cắt giảm chi tiêu công, đầu tư công có hiệu quả, hay có các biện pháp quản lý thuế với các loại hình kinh doanh mới như Grab, Uber, kinh doanh thương mại điện tử,…

Đây là những giải pháp theo ông “cần được nghĩ đến nhiều hơn thay vì chỉ tính đến tăng thuế để tăng thu.”

“Ngoài ra, công tác quản lý cũng cần chặt chẽ hơn, tránh tình trạng không quản được thì dùng gậy hành chính, đẩy gánh nặng lên vai người dân và doanh nghiệp,” ông nói.

Theo ông, hiện nền kinh tế đang trên đà hồi phục nên ngoài việc tính đến chuyện tăng thu thì trước hết cơ quan chức năng phải chấn chỉnh lại công tác chi, đặc biệt là chi thường xuyên, làm sao cho hiệu quả.

“Ví dụ, hàng nghìn tỷ đồng vốn ngân sách đang sa lầy vào các dự án đắp chiếu hay các đại dự án khác cũng đang khiến ngân sách thêm nặng gánh,” vị chuyên gia nói.

Theo Xuân Dũng (Vietnam+)

,