.

Chương trình Giảm phát thải vùng Bắc Trung bộ: Thúc đẩy ứng phó biến đổi khí hậu

.
15:03, Thứ Năm, 24/05/2018 (GMT+7)

(QBĐT) - Trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang diễn biến phức tạp, chương trình Giảm phát thải vùng Bắc Trung bộ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, không chỉ góp phần phát triển ngành lâm nghiệp bền vững mà còn thể hiện trách nhiệm, giúp hiện thực hóa các cam kết của Việt Nam trong nỗ lực giảm thiểu phát thải khí nhà kính, ứng phó biến đổi khí hậu với cộng đồng quốc tế.

Cùng với nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới, Việt Nam đang nỗ lực triển khai các giải pháp nhằm cắt giảm phát thải khí nhà kính, giảm nhẹ nguy cơ của biến đổi khí hậu. Việt Nam là nước đầu tiên của châu Á và là nước thứ 7 trên thế giới được tham gia chương trình Đối tác các-bon trong lâm nghiệp do Ngân hàng Thế giới quản lý.

Cán bộ kiểm lâm tham vấn người dân Quảng Bình trong quá trình xây dựng chương trình Giảm phát thải vùng Bắc trung Bộ.
Cán bộ kiểm lâm tham vấn người dân Quảng Bình trong quá trình xây dựng chương trình Giảm phát thải vùng Bắc Trung bộ.

Từ ngày 30-1 đến 1-2-2018, tại Hội nghị Quỹ Các-bon lần thứ 17 (CF17) tổ chức ở Paris, đoàn Việt Nam do Thứ trưởng Thường trực Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn làm trưởng đoàn đã bảo vệ thành công chương trình Giảm phát thải, được Quỹ Các-bon thông qua tại Nghị quyết số CFM 17/2018/2.

Khu vực thuộc chương trình Giảm phát thải là vùng duyên hải Bắc Trung bộ của Việt Nam (bao gồm các tỉnh: Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế), với tổng diện tích đất là 5,1 triệu ha (chiếm 16% tổng diện tích đất đai của Việt Nam) và dân số khoảng 10,5 triệu người (chiếm 12% tổng dân số Việt Nam). Vùng này được lựa chọn do tầm quan trọng đa dạng sinh học và tình trạng kinh tế - xã hội của vùng.

Theo ông Phạm Hồng Thái, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Bình, số liệu phân tích cho thấy, hầu hết tổng diện tích rừng tự nhiên bị mất diễn ra ở lớp rừng lá rộng thường xanh nghèo (62.201 ha đã bị mất từ năm 2005 đến 2010 và 95.139 ha bị mất trong khoảng 2010 đến 2015).

Mô hình trồng dứa dưới tán rừng cao su thích ứng với biến đổi khí hậu.
Mô hình trồng dứa dưới tán rừng cao su thích ứng với biến đổi khí hậu.

Nguyên nhân trực tiếp của việc mất rừng và suy thoái rừng được xác định chủ yếu bao gồm việc mở rộng diện tích đất nông nghiệp (để trồng cao su), mở rộng diện tích rừng trồng thay thế rừng tự nhiên, các dự án thủy điện và cơ sở hạ tầng, lấn chiếm và khai thác gỗ. Phía sau những nguyên nhân trực tiếp này là các yếu tố xã hội, kinh tế, chính trị và văn hoá ảnh hưởng đến các quyết định sử dụng nguồn lực ở cấp quốc gia và cấp địa phương.

Do đó, cách tiếp cận và thiết kế tổng thể của chương trình Giảm phát thải nhằm mục đích giải quyết các nguyên nhân trực tiếp và gián tiếp của việc mất rừng và các rào cản đối với quản lý rừng bền vững, xây dựng và hỗ trợ việc thực hiện các chính sách cấp quốc gia và cấp tỉnh trong vùng Bắc Trung bộ.

Khác với các dự án từ trước tới nay, đây là một chương trình chi trả dựa trên kết quả thực tế và thanh toán trên kết quả giảm phát thải khí nhà kính trong lâm nghiệp của 6 tỉnh Bắc Trung bộ, nên nguồn vốn thực hiện chương trình chủ yếu là các chương trình lớn từ ngân sách của Nhà nước, ngoài ra là vốn từ nguồn thu dịch vụ môi trường rừng, vốn tín dụng và do các tổ chức, cá nhân tự đầu tư.

Mô hình rừng trồng đạt tiêu chuẩn.
Mô hình rừng trồng đạt tiêu chuẩn.

Theo tính toán, chương trình Giảm phát thải được kỳ vọng tạo ra khoảng 32,09 triệu tấn CO2 quy đổi(bao gồm cả giảm phát thải và tăng hấp thụ các-bon rừng) trong thời gian thực hiện chương trình từ 2018-2025.

Trong đó, Ngân hàng Thế giới đã cam kết mua 10,3 triệu tấn CO2 quy đổi,tương đương với 51,5 triệu đô la Mỹ, số còn lại sẽ được mua bán tự do trên thị trường. Ngoài lợi ích về giảm phát thải, chương trình còn mang lại các lợi ích phi các-bon trên các khía cạnh kinh tế - xã hội tại các tỉnh thực hiện, như: duy trì sinh kế bền vững, tăng thu nhập và việc làm cho người dân sống chủ yếu dựa vào rừng; thúc đẩy phát triển nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu; bảo tồn đa dạng sinh học, nguồn tài nguyên rừng; bảo vệ và duy trì các dịch vụ hệ sinh thái; quản lý về nước và lưu vực; tăng cường quản trị xã hội cấp thôn bản, quản lý và quản trị rừng bền vững, cải thiện quản lý đất, rừng và quy hoạch sử dụng đất...

Trong thời gian tới, Chính phủ Việt Nam sẽ hoàn tất các thủ tục phê duyệt chương trình trong nước, đồng thời chuẩn bị các điều kiện để tiến tới ký kết hợp đồng chính thức thực hiện chương trình trong giai đoạn 2018-2025.

Sơ đồ tóm tắt các hợp phần và tiểu hợp phần khác nhau trong Chương trình Giảm phát thải đáp ứng với các nguyên nhân dẫn đến thay đổi sử dụng đất và rừng trong vùng Bắc Trung bộ.
Sơ đồ tóm tắt các hợp phần và tiểu hợp phần khác nhau trong Chương trình Giảm phát thải đáp ứng với các nguyên nhân dẫn đến thay đổi sử dụng đất và rừng trong vùng Bắc Trung bộ.

Hương Trà-Khánh Hòa

 

 

 

 

,