.

Thượng Phong bây giờ

.
09:52, Thứ Tư, 11/04/2018 (GMT+7)

(QBĐT) - Đầu năm 1960, Hợp tác xã (HTX) Thượng Phong được thành lập trên cơ sở hợp nhất bốn HTX Hồng Phong, Hồng Thái, Hà Thanh và Hà Xuân với hơn 400 hộ dân tham gia sản xuất trên diện tích 350 ha đất nông nghiệp. Trải qua nhiều lần tách, nhập với các tên gọi khác nhau, năm 1978, HTX Thượng Phong chính thức trở về với tên gọi của mình sau khi được tách từ HTX Việt Xô Hữu nghị và không ngừng phát triển lớn mạnh cho đến ngày nay.

Khoảng thời gian từ năm 1979 đến 1989 là thời kỳ có những chủ trương chính sách của Đảng tác động trực tiếp đến việc tìm hướng đi cho kinh tế nông nghiệp phát triển. Cụ thể, tháng 1-1981, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Chỉ thị số 100 về khoán sản phẩm đến nhóm và người lao động.

Hệ thống kênh mương nội đồng được HTX DVNN Thượng Phong quan tâm.
Hệ thống kênh mương nội đồng được HTX DVNN Thượng Phong quan tâm.

Tiếp đó, tháng 4-1988, Bộ Chính trị tiếp tục ra Nghị quyết số 10 về đổi mới kinh tế nông nghiệp, xóa bỏ cơ chế tập trung quan liêu bao cấp; xây dựng cơ chế tự chủ, tự hạch toán, tự chịu trách nhiệm của hộ nông dân và HTX.

Phấn khởi trước những chính sách phù hợp của Đảng và Nhà nước, tập thể cán bộ và các thành viên HTX Thượng Phong thi đua lao động sản xuất, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, đưa các loại giống có tiềm năng, như: VN20, NN8, IR203, vào gieo cấy và tiến hành cơ giới hóa một phần nông nghiệp. Nhờ vậy, năng suất cây trồng tăng vượt trội so với các năm trước (đạt 8 tấn/ha/năm).

Cũng trong thời gian này, do yêu cầu thành lập thị trấn Kiến Giang, HTX Thượng Phong lại phải tách 2 đội và 70 ha ruộng để thành lập HTX Phong Giang thuộc thị trấn Kiến Giang. Hoạt động của HTX Thượng Phong vì thế gặp phải những trở ngại nhất định về mặt tổ chức cũng như công tác điều hành các hoạt động sản xuất kinh doanh.

Thời kỳ những năm 1990 đến năm 2000, Ban Thường vụ Đảng ủy xã Phong Thủy đã trực tiếp chỉ đạo tăng cường công tác cán bộ nhằm nâng cao năng lực quản lý của HTX Thượng Phong. Ngay sau đó, các hoạt động dịch vụ sản xuất đã từng bước bảo đảm chất lượng, kỹ thuật gieo thẳng đã được mở rộng trên 70% diện tích.

Nhiều công trình phúc lợi, như: phòng học bậc mầm non, trường tiểu học, tiếp tục được HTX đầu tư xây dựng. Đến cuối năm 2000, tổng vốn của HTX Thượng Phong đã đạt con số hơn 2,5 tỷ đồng. Trong đó, vốn cố định là 2,1 tỷ đồng và gần 400 triệu đồng vốn lưu động. Đây là con số đạt được đáng mơ ước của nhiều HTX trên phạm vi toàn tỉnh trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn trong cơ chế thị trường.

Ông Võ Văn Khinh, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Thượng Phong là người có công đầu trong việc chèo lái con thuyền HTX vượt mọi khó khăn, đứng vững và phát triển cho đến ngày nay. Ông cho biết, giai đoạn từ 2001 đến nay, lĩnh vực sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn do diễn biến thời tiết thất thường; hạn hán, bão lũ thường xuyên; rét đậm, rét hại kéo dài; cùng với đó là giá cả vật tư nông nghiệp tăng cao trong khi thị trường tiêu thụ sản phẩm không ổn định.

Mặc dù vậy, được sự chỉ đạo, phối hợp của các cấp, ngành và chính quyền địa phương cùng với sự đoàn kết, năng động của tập thể Ban Quản trị HTX và xã viên, HTX Dịch vụ nông nghiệp Thượng phong vẫn làm ăn có lãi, không ngừng lớn mạnh và ngày càng khẳng định vai trò “bà đỡ” vững chắc cho xã viên.

Cũng theo ông Khinh, bên cạnh những khó khăn mang tính đặc thù, lĩnh vực sản xuất nông nghiệp trong thời gian này vẫn có nhiều thuận lợi, đó là Nhà nước đầu tư chương trình kiên cố hóa kênh mương, nông dân được miễn thuế nông nghiệp và được hỗ trợ thủy lợi phí để phát triển lúa nước. Nắm bắt được điều kiện thuận lợi này, HTX Dịch vụ nông nghiệp Thượng Phong đã huy động mọi nguồn lực đầu tư vào các khâu trọng điểm nhằm tạo tiền đề cho sản xuất phát triển.

Cụ thể, HTX mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, tập trung sử dụng giống có năng suất và chất lượng; đầu tư cơ giới hóa, điện khí hóa vào các khâu then chốt, như: làm đất, thủy lợi và thu hoạch, nhằm bảo đảm tiến độ sản xuất và giải phóng sức lao động; ưu tiên xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ giao thông nội đồng, trạm bơm, kênh mương, trụ sở làm việc, nhà kho, các nhà văn hóa xóm, đội; mở rộng thêm các khâu dịch vụ, như: cung ứng vật tư, vệ sinh môi trường, dịch vụ nước sạch nông thôn; tổ chức tập huấn chuyển giao kỹ thuật cho mọi thành viên về các nội dung trồng trọt, chăn nuôi, bảo vệ thực vật, để áp dụng trong canh tác; liên kết với Công ty Giống Quảng Bình sản xuất các loại giống lúa và bao tiêu sản phẩm; quan tâm bồi dưỡng và đào tạo cán bộ có trình độ, năng lực phục vụ lâu dài trong HTX…

Việc thực hiện quyết liệt những giải pháp nói trên đã mang lại hiệu quả thiết thực trong sản xuất nông nghiệp của HTX Dịch vụ nông nghiệp Thượng Phong.Năng suất lúa không ngừng tăng qua hàng năm (vụ đông xuân từ 70-75 tạ/ha, vụ tái sinh từ 32-35 tạ/ha). Hệ thống cơ sở vật chất tiếp tục được xây dựng và trang bị khá hoàn chỉnh.

Doanh thu bình quân mỗi năm của HTX đạt 4,5 tỷ đồng. Lợi nhuận thu được từ 180-200 triệu đồng/năm. Phụ cấp cán bộ HTX đạt 1,8 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, đơn vị còn hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho 11 lao động, nộp ngân sách Nhà nước 30- 40 triệu đồng/năm. Thống kê tháng 12 - 2017, tổng vốn của HTX Dịch vụ nông nghiệp Thượng Phong là hơn 11,4 tỷ đồng. Trong đó vốn cố định là 9,5 tỷ đồng và gần 2 tỷ đồng vốn lưu động.

Cơ giới hóa nông nghiệp ở HTX DVNN Thượng Phong.
Cơ giới hóa nông nghiệp ở HTX DVNN Thượng Phong.

Để tiếp tục củng cố bộ máy hoạt động theo Luật HTX năm 2003 và Luật HTX năm 2012, HTX đã ban hành điều lệ, nội quy hoạt động phù hợp với tình hình nhiệm vụ, đồng thời tuyên truyền, vận động thành viên HTX nghiêm chỉnh chấp hành mọi chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước cũng như các quy định ở thôn, xã. Mặt khác, lãnh đạo HTX chủ động xây dựng tốt mối quan hệ với cấp ủy, Ban Công tác mặt trận ở khu dân cư nhằm tạo sự đoàn kết thống nhất cao trong các hoạt động.

Nói về hiệu quả hoạt động của HTX Dịch vụ nông nghiệp Thượng Phong, ông Lê Văn Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy cho biết, không chỉ làm tốt việc đảm nhận các khâu dịch vụ nông nghiệp, những năm qua, đơn vị này còn tiên phong đi đầu trong phối hợp đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất.

Đơn vị đã chủ động trích kinh phí đầu tư xây dựng các công trình văn hóa, như: Đền thờ Hoàng Hối Khanh, nhà văn hóa các xóm, hệ thống điện chiếu sáng trục đường liên thôn với tổng kinh phí 1,5 tỷ đồng. Ngoài ra, HTX còn hỗ trợ hoạt động của các tổ chức Đảng, đoàn thể mỗi năm từ 50 - 60 triệu đồng. Nhờ vậy, mối quan hệ giữa HTX với các tổ chức đoàn thể ở địa phương ngày càng gắn kết, vai trò của HTX trong xây dựng nông thôn mới không ngừng được phát huy.

Với những thành tích đạt được trong quá trình xây dựng và phát triển, HTX Dịch vụ nông nghiệp Thượng Phong đã được lãnh đạo Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương lao động hạng Nhì, hạng Ba; hai bằng khen và 4 cờ thi đua của Thủ tướng chính phủ; hai bằng khen của Bộ Nông nghiệp và PTNTN và 5 bằng khen của Liên minh HTX Việt Nam. Cá nhân ông Võ Văn Khinh, Giám đốc HTX cũng đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương lao động hạng Ba và nhiều bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Liên minh HTX Việt Nam và UBND tỉnh Quảng Bình.

Có thể nói, những năm qua, HTX Dịch vụ nông nghiệp Thượng Phong không ngừng lớn mạnh, trở thành lá cờ đầu trong sản xuất nông nghiệp của cả tỉnh, góp phần quan trọng cùng với chính quyền địa phương thực hiện công cuộc xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới.

Nguyễn Hoàng





 

,