.

Ngăn chặn kịp thời hành vi xâm hại rừng: Cần sự chung tay của cộng đồng

.
09:53, Thứ Tư, 11/04/2018 (GMT+7)

(QBĐT) - Trước tình hình xâm hại rừng có chiều hướng gia tăng, các lực lượng chức năng ở tỉnh ta, đặc biệt là lực lượng Kiểm lâm, Công an, Bộ đội Biên phòng..., đã đẩy mạnh phối hợp trong công tác tuần tra, kiểm soát, ngăn chặn, đẩy lùi các hành vi xâm hại rừng trái phép, đặc biệt là tại các "điểm nóng" về phá rừng. Tuy nhiên, để bảo vệ "lá phổi xanh" an toàn, vẫn cần sự chung tay của cả cộng đồng.

Thực tế cho thấy, công tác bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn toàn tỉnh thời gian qua có những khó khăn nhất định, như: ảnh hưởng của cơn bão số 10 năm 2017; thiếu lực lượng; thiếu kinh phí; vai trò quản lý Nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp của một số địa phương theo tinh thần Quyết định số 07/2017/QĐ-TTg ngày 8-2-2017 của Thủ tướng Chính phủ còn nhiều hạn chế, một số nơi để xảy ra tình trạng phá rừng kéo dài mà chưa có biện pháp tổ chức ngăn chặn và xử lý kịp thời...

Nhiều diện tích rừng bị bão tàn phá đã tác động bất lợi đến công tác bảo vệ và phát triển rừng.
Nhiều diện tích rừng bị bão tàn phá đã tác động bất lợi đến công tác bảo vệ và phát triển rừng.

Trước tình hình đó, ông Phạm Hồng Thái, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết, đơn vị đã chỉ đạo các hạt Kiểm lâm phối hợp với các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương tăng cường phối hợp kiểm tra, giám sát việc khai thác rừng, cải tạo rừng, trồng rừng, PCCCR và các hoạt động khác liên quan đến quản lý, bảo vệ, phát triển rừng theo đúng quy định để uốn nắn sai sót, phát hiện vi phạm và xử lý theo quy định của pháp luật.

Đồng thời, để ngăn chặn tình trạng chặt phá rừng trái phép, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã phối hợp với các lực lượng Công an, Quân sự, Biên phòng triển khai thực hiện hiệu quả các quy chế phối hợp bảo vệ rừng đã ký kết.

Chi cục cũng đã chỉ đạo các hạt Kiểm lâm tham mưu Ban chỉ đạo thực hiện mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững các huyện, thành phố, thị xã; xây dựng kế hoạch, phương án thành lập đoàn liên ngành tổ chức các đợt kiểm tra rừng, truy quét lâm tặc tại các địa bàn trọng điểm; duy trì thường trực 24/24 giờ trong ngày tại các trạm, chốt kiểm tra liên ngành ở một số điểm xung yếu, như: Khe Nét, Khe Núng, tuyến đường Xuyên Á (huyện Tuyên Hóa), Khe Sến, Bồng Lai (huyện Bố Trạch), Khe Lồ-ô, La-véng (huyện Quảng Ninh), Km 33, Động Châu (huyện Lệ Thủy)..., để ngăn chặn tình trạng khai thác và vận chuyển lâm sản trái phép.

Nhờ đó, trong năm 2017, lực lượng Kiểm lâm và các ngành chức năng đã lập biên bản và xử lý 990 vụ vi phạm quy định của Nhà nước về quản lý bảo vệ và phát triển rừng, giảm 74 vụ (tương ứng 6,9%) so với năm 2016; phát hiện và xử lý 21 vụ từ ngoài tỉnh đến (chiếm 2,1% tổng số vụ vi phạm).

Trong đó, vi phạm qui định chung về bảo vệ rừng 17 vụ; phá rừng, lấn chiếm rừng trái phép 50 vụ; vi phạm trong mua, bán, vận chuyển, chế biến lâm sản trái phép 267 vụ; thu hồi lâm sản không có người nhận 597 vụ; vi phạm quy định về quản lý động vật rừng 3 vụ; khai thác rừng trái phép 16 vụ.

Qua xử lý, lực lượng chức năng đã tịch thu trên 970m3 gỗ các loại (trong đó có trên 101m3 gỗ quý hiếm),  239kg động vật rừng với 83 cá thể các loại, 2,4kg gốc, rễ, cành, nhánh, vai, mảnh gỗ huê, 1.768kg gốc, rễ, cành, nhánh gỗ trắc, 12.078kg gỗ hương giáng, 6 xe môtô 10 bánh, 14 máy cưa xăng xách tay... Tổng số tiền thu nộp vào ngân sách Nhà nước trên 8,4 tỷ đồng.

Riêng 3 tháng đầu năm 2018, tình trạng phá rừng vẫn diễn biến khá phức tạp ở một số địa phương trong tỉnh. Lực lượng Kiểm lâm tỉnh đã lập biên bản và xử lý 130 vụ vi phạm, thu gần 143m3 gỗ các loại (trong đó có trên 26m3 gỗ quý hiếm), 67kg động vật rừng với 12 cá thể các loại, 1 xe ô tô, 1 xe mô tô 2 bánh, 1 máy cưa xách tay và một số phương tiện khác.

Tổng số tiền xử phạt nộp vào ngân sách Nhà nước khoảng 1 tỷ đồng. Tại xã Thanh Hoá, đoàn kiểm tra liên ngành huyện Tuyên Hoá đã phát hiện vụ phá rừng nghiêm trọng với gần 97m3 gỗ thuộc nhóm 2 đến nhóm 6. Mới đây, tại khu vực thôn Ba Nương (xã Xuân Hóa, huyện Minh Hóa) có hơn 10ha rừng bị chặt phá..., gây bức xúc trong dư luận nhân dân.

Có nhiều nguyên nhân gây sức ép lên tài nguyên rừng, như: đời sống một số người dân vùng gần rừng, liền rừng còn gặp nhiều khó khăn, dân số gia tăng, thiếu việc làm và thu nhập thấp nên chủ yếu dựa vào rừng để mưu sinh; nhu cầu sử dụng các loại gỗ, các loại lâm, đặc sản của thị trường rất lớn; một số chính sách quy định về giao đất, giao rừng, khoán bảo vệ rừng, khoán đất lâm nghiệp và hưởng lợi từ rừng tự nhiên vẫn còn bất cập, chồng chéo gây ảnh hưởng tới công tác bảo vệ và phát triển rừng, chưa tạo được động lực phát triển lâm nghiệp xã hội.

Thêm nữa, việc đầu tư cho công tác quản lý bảo vệ rừng còn hạn chế; địa bàn quản lý rộng, biên chế lực lượng Kiểm lâm còn thiếu so với quy định. Hiện tại, biên chế Chi cục Kiểm lâm tỉnh mới chỉ đáp ứng 70% biên chế theo quy định nên không đủ nhân lực để bố trí quản lý địa bàn và tập trung cắm chốt, ngăn chặn ở những vùng phức tạp về quản lý, bảo vệ rừng.

Đặc biệt, chính quyền cơ sở ở một số nơi chưa thực hiện tốt công tác bảo vệ rừng; coi việc bảo vệ và phát triển rừng là trách nhiệm của lực lượng Kiểm lâm. Khi địa bàn xảy ra vụ việc xâm hại rừng, công tác huy động lực lượng tham gia và phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý vụ việc còn lúng túng dẫn đến tình trạng dây dưa kéo dài và khó ngăn chặn triệt để.

Vượt qua những khó khăn, trở ngại, một số địa phương, đơn vị, tổ chức cộng đồng đã phối hợp tốt, nỗ lực ngày đêm bảo vệ từng diện tích rừng, giữ gìn sự yên bình cho các loài động vật hoang dã, góp phần bảo tồn đa dạng sinh học và môi trường sống cho thế hệ hôm nay và mai sau. Trong đó, sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Ban Quản lý rừng phòng hộ Động Châu (BQLRPHĐC) là một điển hình.

Ông Trương Minh Quảng, Giám đốc BQLRPHĐC cho biết: "Hiện nay, BQLRPHĐC quản lý trên diện tích 19.700 ha rừng và đất lâm nghiệp, trong đó có gần 15.800 ha rừng phòng hộ và trên 3.900 ha rừng sản xuất. Công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng đã được các cấp, các ngành từ huyện đến xã trên địa bàn huyện Lệ Thủy xác định không chỉ là nhiệm vụ riêng của các cơ quan chuyên môn mà là nhiệm vụ chung của cả hệ thống chính trị, do vậy đã đạt được những kết quả tích cực, từng bước giảm dần các điểm nóng về tình trạng chặt phá rừng, khai thác rừng trái pháp luật.

Trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ, đơn vị có sự phối hợp chặt chẽ của các lực lượng trên địa bàn, đặc biệt là sự hỗ trợ của Hạt Kiểm lâm Lệ Thủy.

Cấp ủy, chính quyền các xã đã nâng cao trách nhiệm quản lý Nhà nước về bảo vệ và phát triển rừng, đã xây dựng phương án bảo vệ rừng, PCCCR cấp xã. Người dân các địa phương cũng đã tích cực trong việc ký và thực hiện cam kết bảo vệ rừng và PCCCR; nhận thức của người dân trong công tác bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng, phát triển rừng từng bước được nâng lên tạo sự chuyển biến tích cực trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

Nhờ đó, toàn lâm phần đơn vị quản lý bảo vệ được ổn định, số vụ vi phạm lâm luật ngày càng giảm. Năm 2017, BQLRPHĐC đã bắt 2 vụ vi phạm, giảm 4 vụ so với năm 2016; hiện tượng vi phạm nhỏ, lẻ được hạn chế mức thấp nhất".

Ngoài ra, tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh, có sự chung tay của cộng đồng trong công tác bảo vệ rừng. Nổi bật có tổ tự nguyện bảo vệ rừng ở xã Thạch Hóa (Tuyên Hóa). Những năm qua, những cá nhân này đã bảo vệ an toàn sự sống cho đàn Voọc má trắng quý hiếm, tạo sự thân thiện môi trường, yên lành cả một vùng đất đồi núi rừng Tuyên Hóa.

Chốt bảo vệ rừng trạm Khe Cau, Ban quản lý rừng phòng hộ Động Châu (Kim Thủy, Lệ Thủy).
Chốt bảo vệ rừng trạm Khe Cau, Ban quản lý rừng phòng hộ Động Châu (Kim Thủy, Lệ Thủy).

Theo ông Phạm Hồng Thái, để bảo vệ “lá phổi xanh” khỏi bị xâm hại, công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật vẫn đặt lên hàng đầu. Đặc biệt là tuyên truyền và triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 13-CT/TW ngày 12-1-2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý bảo vệ, phát triển rừng và các chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về bảo vệ và phát triển rừng, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức trách nhiệm trong từng cấp ủy, chính quyền các cấp và cán bộ, đảng viên, hộ gia đình, cá nhân và mọi người dân.

Đồng thời, cần vận động nhân dân sống liền rừng, ven rừng tích cực tham gia bảo vệ rừng; ngăn chặn việc chặt phá rừng, xâm chiếm đất lâm nghiệp, khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản trái pháp luật và không sử dụng lửa trong rừng mùa nắng nóng dễ xảy ra cháy rừng.

Cùng với đó là cần tăng cường phối hợp giữa lực lượng Kiểm lâm với các chủ rừng và chính quyền cơ sở để thực hiện tốt các chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016 - 2020, thực hiện các dự án lâm nghiệp, như: Dự án JICA 2, Dự án bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ ven biển Nam Quảng Bình, Dự án Hỗ trợ chuẩn bị sẵn sàng thực hiện REDD+ giai đoạn 2.

Vấn đề quan trọng nữa, đó là cần thường xuyên thực hiện công tác tuần tra, kiểm tra nắm tình hình trong rừng, phối hợp với lực lượng có liên quan và  các đơn vị chủ rừng truy quét lâm tặc tại các khu rừng còn giàu tài nguyên; kiểm tra, kiểm soát các tuyến giao thông trọng điểm; chú trọng rừng do cộng đồng quản lý, tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn đèo Đá Đẽo; vùng giáp ranh với tỉnh Hà Tĩnh, tỉnh Quảng Trị, lâm phần chi nhánh các Lâm trường Khe Giữa, Bồng Lai, Bố Trạch, Trường Sơn. Từ đó, ngăn chăn có hiệu quả tình trạng phá rừng, khai thác rừng, lấn chiếm rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh.

Hương Trà

                                    

         



 

,