.

"Nặng gánh" nợ đọng và thất thu thuế

.
10:18, Chủ Nhật, 15/04/2018 (GMT+7)

(QBĐT) - Nói như vậy là bởi hiện ngành thuế tỉnh ta đang phải “gánh” việc đòi một số lượng nợ đọng thuế khá lớn từ các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, với vai trò là những “người gác cổng” cho nguồn ngân sách Nhà nước, ngành này còn phải thực hiện nhiệm vụ chống thất thu thuế đang diễn ra trong nhiều lĩnh vực...

Năm 2017, mặc dù thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn đạt 113,8%, tăng 14,1% (giao 3.145 tỷ đồng, thu được 3.579 tỷ đồng), tuy nhiên, trong 14 khoản thu thì chỉ có 9 khoản thu đạt và vượt so với dự toán, còn lại 5 khoản thu không hoàn thành được dự toán, như: thu cấp quyền khai thác khoáng sản chỉ đạt 75%; thu khác ngân sách cân đối 80,7%; thu từ doanh nghiệp Nhà nước 83,2%; thu lệ phí trước bạ 87,3%; thuế bảo vệ môi trường 89,4%.

Về công tác quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế, có đến 5 đơn vị thuế có số nợ thuế tăng cao so với năm 2016, cụ thể: Quảng Ninh 48,8%; Đồng Hới 46,8%; Minh Hóa 40,2%; thị xã Ba Đồn 29%; Lệ Thủy 21,5%; chỉ có 2 đơn vị giảm nợ là Quảng Trạch 42,6% và Văn phòng Cục giảm 2,1%. Đáng chú ý, năm 2017, số nợ thuế toàn tỉnh là 320 tỷ đồng, chiếm đến 9,2% so với số thu trong cân đối ngân sách, cao hơn năm 2016 hơn 33 tỷ đồng.

Trong đó, nợ khó thu là 139 tỷ đồng, chiếm đến 43,48%, số nợ thuế 181 tỷ còn lại là có khả năng thu. Nói là khó thu nhưng thực tế các khoản nợ này đều không có khả năng thu, vì hầu hết “con nợ” đều là các công ty, doanh nghiệp đã giải thể, phá sản hoặc đã bỏ địa điểm kinh doanh.

Cũng vì số nợ đọng, nợ xấu này, mà ngay tại kỳ họp thứ 5 HĐND tỉnh khóa XVII nhiệm kỳ 2016-2021, một đại biểu HĐND tỉnh đã đặt vấn đề về tình hình nợ thuế trên địa bàn tỉnh đang ở mức rất cao, với hơn 400 doanh nghiệp còn nợ thuế với tổng số tiền 363 tỷ đồng (tính ở thời điểm tháng 7-2017, lúc kỳ họp diễn ra), tăng 17% so với thời điểm 31-12-2016, chiếm trên 10% tổng thu ngân sách trong năm 2017, vượt hơn 2 lần tỷ lệ nợ thuế trong giới hạn cho phép theo quy định của Bộ Tài chính.

Đại biểu trên đã chất vấn lãnh đạo ngành thuế tỉnh, liệu có hay không cán bộ thuế “chống lưng” cho các doanh nghiệp và cá nhân trốn thuế? Lãnh đạo ngành thuế cho rằng, đến nay, qua kiểm tra nội bộ ngành chưa phát hiện trường hợp cán bộ ngành thuế nào “chống lưng” cho doanh nghiệp và người dân trốn thuế. Tuy nhiên, vẫn phát hiện có trường hợp cán bộ thuế làm sai quy trình trong quá trình thực thi công việc.

Năm 2017, nhiều doanh nghiệp đã bị cơ quan chức năng khởi tố về tội trốn thuế.
Năm 2017, nhiều doanh nghiệp đã bị cơ quan chức năng khởi tố về tội trốn thuế.

Về vấn đề nợ đọng thuế còn ở mức rất cao trên địa bàn, lãnh đạo này cho rằng, có nhiều nguyên nhân, trong đó có việc người dân và doanh nghiệp lợi dụng để kê khai không đúng, lợi dụng chính sách cải cách trong lĩnh vực thuế để in hóa đơn bất hợp pháp hoặc dân không viết hóa đơn, một số đơn vị còn cố tình chây ỳ, chiếm dụng tiền thuế của Nhà nước.

Để đòi số “nợ khủng” nói trên, thời gian qua, ngành thuế đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt để truy thu đến cùng, trong đó không ngoại trừ cả việc áp dụng “các biện pháp mạnh” như chuyển các cơ quan chức năng để khởi tố về tội trốn thuế.

Chỉ riêng trong năm 2017, Cục Thuế tỉnh đã chuyển giao cho Cơ quan Cảnh sát điều tra (Công an tỉnh) 11 vụ việc liên quan đến trốn thuế, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp, trong đó có 6 doanh nghiệp bị truy tố theo pháp luật; 2 doanh nghiệp bị Cục Thuế tỉnh xử lý hành chính.

Ông Đoàn Vĩ Tuyến, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh cho biết: “Xác định công tác quản lý, thu hồi nợ là lĩnh vực khó, nên ngay từ đầu năm, Cục Thuế tỉnh đã xây dựng kế hoạch giao dự toán thu hồi nợ, triển khai đến các đơn vị trong Cục.

Cục cũng đã phối hợp với Kho bạc Nhà nước tỉnh thực hiện khấu trừ tại nguồn đối với số tiền nợ thuế của các đơn vị xây dựng cơ bản bằng vốn ngân sách, thu nợ đọng thuế qua công tác hoàn thuế; phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường để thu nợ đọng thuế qua việc cấp, gia hạn quyền khai thác khoáng sản, thuê đất; phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư trong việc cấp giấy phép đầu tư, phê duyệt dự án đầu tư. Đối với các trường hợp nợ thuế lớn, Cục đã “mạnh tay” ra quyết định cưỡng chế nợ thuế. Tuy nhiên, hầu hết các doanh nghiệp này đều ở tình trạng “chết lâm sàng” nên để đòi được nợ là rất khó”.

Còn theo ông Mai Xuân Hạp, Phó Trưởng Ban Kinh tế-Ngân sách (HĐND tỉnh), trên thực tế, tình trạng nợ thuế là do doanh nghiệp đang gặp phải nhiều khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, hoặc dự án đang triển khai đầu tư, xây dựng. Thế nhưng, nói như vậy không đồng nghĩa với việc phải chấp nhận nợ thuế, luật quy định như thế nào thì phải chấp hành như thế đấy.

Ngành thuế cũng phải tìm căn nguyên của tình trạng nợ đọng và thất thoát là do đâu, ở khâu nào, lĩnh vực nào để có hướng giải quyết. Trong đó, phải chủ động phối hợp với các ban, ngành, địa phương liên quan đến lĩnh vực đó để cùng thực hiện. Ngoài ra, phải xử lý nghiêm các trường hợp  “chống lưng”, làm lơ cho các cá nhân, doanh nghiệp chây ỳ, trốn thuế.

Ông Đoàn Vĩ Tuyến, Cục trưởng Cục Thuế cho biết, ngành thuế đã xác định được các ngành nghề, lĩnh vực xảy ra tình trạng thất thu thuế lớn, như: khai thác khoáng sản; kinh doanh vận tải, vật liệu xây dựng, dịch vụ du lịch; kinh doanh thương mại, điện tử,… Đây là những lĩnh vực tiềm năng, có khả năng đóng góp nguồn thu tương đối lớn vào ngân sách.

Những năm gần đây, Cục đã chủ động tham mưu cho UBND tỉnh các giải pháp chống thất thu ngân sách Nhà nước trên các lĩnh vực này. Trong đó, đơn vị tăng cường phối hợp với các ngành, các cấp, như: Sở Tài nguyên và Môi trường; Sở Kế hoạch và Đầu tư; Công an tỉnh; Sở Công thương; Sở Du lịch để triển khai có hiệu quả các biện pháp quản lý thu, chống thất thu đối với một số lĩnh vực có liên quan. Cục đã chỉ đạo các Chi cục tham mưu cho UBND các huyện, thị xã, thành phố thành lập các Ban Chỉ đạo và các Tổ chống thất thu liên ngành để thực hiện.

“Nhiệm vụ của ngành thuế trong thời gian tới sẽ tập trung phân tích, xử lý số liệu để nắm bắt các đơn vị có số nợ tăng đột biến, từ đó đề xuất biện pháp thu nợ kịp thời; kiên quyết áp dụng các biện pháp cưỡng chế theo luật định để thu nợ thuế đối với các đơn vị chây ỳ; tiếp tục tham mưu UBND các cấp và phối hợp với các ban ngành liên quan để có biện pháp thu nợ thuế, đặc biệt là tiền thuê đất, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản. Tuy vậy, sự phối hợp ở một số địa phương, các ngành có liên quan với cơ quan thuế vẫn còn thiếu chặt chẽ nên nhiều biện pháp chống thất thu thuế chưa đạt được hiệu quả cao”, ông Tuyến cho biết.

Trước tình trạng nợ đọng và thất thu thuế, UBND tỉnh cũng đã vào cuộc chỉ đạo sát sao, nhiều biện pháp nhằm thu hồi nợ đọng thuế và chống thất thu thuế đã được đưa ra. Tuy nhiên, sự phối hợp của một số địa phương, sở, ngành chỉ mang tính hình thức, chiếu lệ, thiếu chặt chẽ, khiến cho nguồn nợ đọng ngày một phình to, cùng với đó là tình trạng thất thu thuế xảy ra ở một số lĩnh vực, ngành nghề. Xem ra, nếu không có sự phối hợp của các địa phương, đơn vị liên quan, thì sự quyết liệt của ngành thuế cũng khó mà tạo được sự chuyển biến lớn trong việc thu hồi nợ đọng và chống thất thu thuế như hiện nay.

Dương Công Hợp

 



          

 

,