.

Khẩn trương phòng trừ bệnh đạo ôn trên lúa

.
07:50, Thứ Tư, 04/04/2018 (GMT+7)

(QBĐT) - Thời gian qua, do thời tiết có sương mù vào sáng sớm, ngày nắng nhẹ, độ ẩm rất cao, nên bệnh đạo ôn phát sinh trên diện rộng đối với diện tích lúa đông-xuân trong toàn tỉnh.

Tính đến ngày 1-4-2018, toàn tỉnh có 813 ha diện tích lúa nhiễm bệnh đạo ôn, tập trung ở các huyện Lệ Thủy 250 ha, Tuyên Hóa 150 ha, Quảng Ninh 125 ha, TX.Ba Đồn 115 ha, Bố Trạch 70 ha, Quảng Trạch 65 ha, TP.Đồng Hới 35 ha, Minh Hóa 3 ha. Tỷ lệ bệnh phổ biến từ 15 - 20%, nơi cao từ 40 - 50%, cục bộ 80-90% diện tích nhiễm bệnh.

Bệnh đạo ôn xuất hiện phổ biến trên các giống lúa Xi23, X21, IR353-66, SV181 và tập trung trên các trà lúa đang thời kỳ đẻ nhánh rộ. Đây cũng là thời điểm nông dân bón thúc cho lúa nên bệnh phát sinh và lây lan nhanh hơn.

Ông Lê Xuân Tứ, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, ngay khi phát hiện bệnh đạo ôn xuất hiện và có nguy cơ lây lan nhanh, đơn vị đã thông báo kịp thời cho các địa phương và người dân; đồng thời hướng dẫn các biện pháp phòng trừ một cách cụ thể.

Nông dân xã Hồng Thủy (Lệ Thủy) phun thuốc trừ bệnh đạo ôn trên lúa đông-xuân.
Nông dân xã Hồng Thủy (Lệ Thủy) phun thuốc trừ bệnh đạo ôn trên lúa đông-xuân.

Mặt khác, Chi cục phân công cán bộ phối hợp với các ban, ngành liên quan của các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo địa bàn từng xã, HTX, thường xuyên bám sát đồng ruộng để nắm chắc diễn biến bệnh, hướng dẫn nông dân các biện pháp phòng trừ có hiệu quả. Bên cạnh đó, đơn vị còn chủ động phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng thường xuyên tuyên truyền về tình hình bệnh hại cũng như biện pháp phòng trừ để bà con nắm bắt.

Bệnh đạo ôn là bệnh nguy hiểm, gây hại ở tất cả các giai đoạn sinh trưởng và trên các bộ phận của cây, như: lá, cổ bông, cổ gié, hạt. Triệu chứng bệnh ban đầu trên lá chỉ là những vết chấm nhỏ, sau đó lớn lên có dạng hình thoi đặc trưng, viền nâu, tâm màu xám trắng. Khi bệnh nặng, các vết bệnh liên kết lại làm lá bị cháy khô.

Bệnh có thể gây ảnh hưởng tới gần 80% năng suất lúa, thậm chí mất trắng nếu không phòng trừ  kịp thời và đúng kỹ thuật. Vì vậy, để phòng trừ bệnh đạo ôn có hiệu quả, trước hết, người dân phải bón phân cân đối, không bón thừa đạm; thường xuyên thăm đồng phát hiện sớm nguồn bệnh để chủ động phòng trừ ngay khi bệnh mới chớm xuất hiện.

Ở những chân ruộng đang bị bệnh, người dân nên ngừng bón đạm, kali, phân bón lá, các chất kích thích sinh trưởng và giữ đủ nước trong ruộng. Bà con sử dụng một trong các loại thuốc đặc hiệu để phòng trừ, như: MAP FAMY 700WP, FUJI-ONE 40WP, FILIA 525SE, BEAM 75WP..., với liều lượng và nồng độ theo hướng dẫn trên bao bì của nhà sản xuất. Nông dân cần chú ý tuân thủ các nguyên tắc khi phun, đó là: đúng thuốc, đúng lúc, đúng liều lượng và đúng cách. Mặt khác, cần phun thuốc ướt đều trên mặt lá, bảo đảm đủ lượng nước thuốc như hướng dẫn. Những ruộng bị bệnh nặng phải phun thuốc 2 - 3 lần (mỗi lần cách nhau 5 - 7 ngày) mới có hiệu quả cao.

Đối với những diện tích lúa bị nhiễm đạo ôn nặng, khả năng cháy lá cao nên cần phải cắt bỏ phần lá (từ gốc lên 20 - 25cm), sau 3 - 4 ngày lá mới xuất hiện thì phun thuốc phòng trừ. Đối với những trà lúa do bón phân không cân đối, lúa phát triển quá tốt và không đều, người dân nên cắt bỏ bớt lá để tạo độ thông thoáng, thu gom tàn dư lá bị bệnh và tiêu hủy.

Bà con không được trộn lẫn thuốc với các loại phân bón lá hoặc chất kích thích sinh trưởng khi phòng trừ bệnh đạo ôn; nên phun thuốc vào sáng sớm, chiều mát để tránh những lúc trời mưa nhằm đạt hiệu quả cao. Đối với những diện tích lúa chưa nhiễm bệnh, cần làm tốt khâu chăm sóc, bón phân hợp lý nhằm giúp cây lúa sinh trưởng, phát triển tốt, tăng khả năng chống chịu sâu bệnh.

Lệ Thủy là địa phương có diện tích lúa đông-xuân nhiễm bệnh đạo ôn lớn nhất tỉnh (250 ha). Ông Nguyễn Văn Vương, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết, hiện tại, huyện đang chỉ đạo các xã và người dân tích cực bứt lá, gom đốt tiêu hủy hoặc cách ly để ngăn chặn bệnh lây lan.

Trong số 250 ha lúa nhiễm bệnh trên toàn huyện, có 150 ha bị nhiễm nặng, trong đó khoảng 1,5 ha lúa bị cháy, tập trung ở xã Hồng Thủy. Bệnh đạo ôn chủ yếu phát triển, gây hại trên các loại lúa giống X, X21, X23, P6... Cũng theo ông Vương, những diện tích lúa đã nhiễm bệnh đạo ôn, cháy dù được xử lý cũng sẽ ảnh hưởng ít nhất 20% năng suất.

Rút kinh nghiệm những năm trước, sau khi sản xuất thử nghiệm 45 ha giống lúa TDR 225 trong vụ đông-xuân năm ngoái, năm nay, xã Cam Thủy sử dụng đại trà giống lúa này trên diện tích 198 ha và hầu hết đều không nhiễm bệnh đạo ôn.

Theo ông Nguyễn Bá Trọng, Chủ tịch UBND xã, giống TDR 225 có khả năng chống chịu bệnh tốt, chống hạn và năng suất rất cao (70 tạ/ha). Đây cũng là giống nằm trong cơ cấu bộ giống được đưa vào sản xuất trên toàn tỉnh năm 2018 với khả năng tái sinh tốt, rất thích hợp trên chân ruộng Lệ Thủy.

Nguyễn Hoàng-Đặng Thảo

 

,