.

Chú trọng xây dựng thương hiệu tinh bột nghệ

.
08:36, Thứ Năm, 19/04/2018 (GMT+7)

(QBĐT) - Nhằm khắc phục tình trạng sản xuất thủ công manh mún, nhỏ lẻ, xã Văn Thủy, huyện Lệ Thủy đã thành lập tổ hợp tác chế biến tinh bột nghệ, nỗ lực xây dựng thương hiệu và tiến tới đăng ký chất lượng sản phẩm, mở ra hướng đi mới trong sản xuất, góp phần thực hiện đề án chương trình quốc gia mỗi xã một sản phẩm nông nghiệp.

 

Sản phẩm tinh bột nghệ Văn Thủy.
Sản phẩm tinh bột nghệ Văn Thủy.

Cây nghệ được trồng lâu đời ở địa bàn huyện Lệ Thủy. Tuy nhiên, những năm trở lại đây, khi tinh bột nghệ được xem là thần dược mang lại nhiều lợi ích cho con người, từ công dụng làm đẹp đến việc phòng ngừa bệnh tật, thì giá trị của nó mới được nâng lên rõ rệt.

Để phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương theo đề án chương trình quốc gia mỗi xã một sản phẩm nông nghiệp, xã miền núi văn Thủy đã có chính sách hỗ trợ nhằm khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để một số hội viên Hội Nông dân thành lập tổ hợp tác sản xuất tinh bột nghệ ứng dụng công nghệ cao.

Ông Phạm Xuân Thủy, Chủ tịch UBND xã Văn Thủy cho biết: “Trước đây, bà con chủ yếu chế biến nghệ theo dạng phơi khô lấy bột, nhưng hiện nay, nông dân đã tuân theo quy trình sản xuất chế biến tinh bột.

Trước tình hình đó, UBND xã đã có hướng chỉ đạo thành lập tổ hợp tác và đã hỗ trợ kinh phí cho các thành viên đi tham quan ở một số đơn vị sản xuất tinh bột nghệ ở phía Bắc, như: tỉnh Hưng Yên, Vĩnh Phúc, để rút kinh nghiệm. Đến nay, xã đã có phân xưởng sản xuất tinh bột nghệ theo quy trình khép kín".

Tháng 8-2017, tổ hợp tác chế biến tinh bột nghệ xã Văn Thủy ra đời với 13 thành viên. Các thành viên đã bầu tổ trưởng điều hành, đồng thời góp vốn mỗi người 35 triệu đồng, cùng với đó là số tiền 60 triệu đồng do UBND huyện Lệ Thủy hỗ trợ để hoạt động.

Từ số tiền này, tổ hợp tác đã mua các loại máy theo dây chuyền phục vụ sản xuất tinh bột nghệ, như: rửa củ nghệ, nghiền- lọc, sấy, đánh bột tinh nghệ, máy in hạn sử dụng, đóng bao bì,.. cùng một số thiết bị khác. Sau 3 tháng, xuởng sản xuất chế biến tinh bột nghệ chính thức được vận hành.

Ông Lê Quang Bắc, Tổ trưởng tổ hợp tác chế biến tinh bột nghệ Văn Thủy, huyện Lệ Thủy cho biết:“Trong thời gian qua, được sự đồng thuận, đoàn kết, thống nhất của các thành viên, chúng tôi đã thành lập được tổ hợp tác. Thông thường, lúc cao điểm mỗi ngày, tổ hợp tác làm được từ 2 đến 3 tấn củ nghệ.

Trong phân công lao động, có ngày làm 5 đến 7 người, nhưng có ngày cũng chỉ làm từ 2 đến 3 người ở các công đoạn khác nhau theo sự phân công điều hành của tổ trưởng. Mỗi tháng, mỗi người chỉ làm khoảng 15 ngày công, thu nhập đạt mức trên 5 triệu đồng”.

Chỉ trong 4 tháng hoạt động, tổ hợp tác đã thu mua trên 30 tấn củ nghệ tươi trên địa bàn xã và khu vực lân cận, đồng thời sản xuất thành phẩm được 1,8 tấn tinh bột nghệ. Bên cạnh đó, tổ hợp tác còn mạnh dạn sản xuất thêm một số sản phẩm, như: tinh bột nghệ đen, bột nghệ vàng nguyên chất, tinh bột gừng, được người tiêu dùng chấp nhận.

Tổ hợp tác chế biến tinh bột nghệ xã Văn Thủy góp phần giải quyết đầu ra cho nông sản địa phương.
Tổ hợp tác chế biến tinh bột nghệ xã Văn Thủy góp phần giải quyết đầu ra cho nông sản địa phương.

Sản phẩm làm ra được đưa đi tiêu thụ và trưng bày, giới thiệu ở một số tỉnh, thành để mở rộng thị trường. Tinh bột nghệ được sản xuất từ củ nghệ địa phương, giá cả phải chăng (400.000/kg) nên được người tiêu dùng ưa chuộng. Điều đáng ghi nhận là tổ hợp tác bước đầu đã mang lại lợi nhuận cho các thành viên với thu nhập khoảng 5 triệu đồng/người/tháng.

Ông Phạm Xuân Thủy, Chủ tịch UBND xã Văn Thủy cho biết thêm: “Đến nay, sản phẩm tinh bột nghệ đã dần có thương hiệu, tạo công ăn việc làm cho các thành viên, đồng thời thu mua củ nghệ cho bà con trên địa bàn, bảo đảm đầu ra ổn định. Doanh thu mỗi tháng bình quân từ 50 đến 70 triệu đồng. Đây là một tín hiệu đáng mừng. Tuy nhiên, cây nghệ sản xuất theo mùa vụ, nên thời gian tới, sau khi hết mùa vụ, tổ hợp tác sẽ tham gia thêm một số việc khác, như: sấy khô các loại bột, tinh bột trên địa bàn, tạo công ăn việc làm cho bà con”.

Hiện nay, theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, xã Văn Thủy có diện tích trồng nghệ khoảng 25ha, toàn huyện Lệ Thủy trồng được trên 140 ha. Năng suất nghệ bình quân đạt từ 18 đến 20 tấn/ha, sản lượng ước đạt trên 2.500 tấn. Do vậy, tổ hợp tác chế biến tinh bột nghệ xã Văn Thủy sẽ góp phần quan trọng trong việc bao tiêu sản phẩm củ nghệ cho bà con trong vùng, tiến tới đăng ký chất lượng sản phẩm, quản lý chặt chẽ quy trình sản xuất trong chế biến tinh bột nghệ nhằm tạo ra sản phẩm nông sản sạch.

An Phương-Hoài Thu
(Đài TT-TH Lệ Thủy)

 


 

,